Nhạc sĩ Cung Tiến
Tôi rất yêu thích bài Hoài cảm của Cung Tiến, từ hồi còn mười mấy tuổi cho đến bây giờ đã năm mươi mấy tuổi.
Có lẽ các bạn cũng như tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng một bản nhạc với kỹ thuật điêu luyện, ca từ thâm trầm sâu sắc như vậy lại được ông sáng tác khi mới là một... chú nhóc 14 tuổi!
(Hic, so sánh với những bài hát nhố nhăng bây giờ mà... xém ói!)
Trong ca khúc Hoài cảm, câu mà tôi thích nhất là: Chờ nhau hoài cố nhân ơi...
(Không thể tưởng tượng nổi một chú bé 14 tuổi có thể viết được: Chờ nhau hoài cố nhân ơi - Sương buồn che kín nguồn đời)
Thật ra, tôi thích câu này chỉ vì một lý do hết sức cá nhân, bởi vì trong đó nó... có tên tôi (Hoài Nhân). Và cũng vì vậy, tôi rất tò mò không biết chú bé Cung Tiến này nhớ cố nhân là ai khi mới 14 tuổi?
Và đây là câu trả lời của chính tác giả:
Ngày 10 tháng 7 sắp tới, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) sẽ thực hiện chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề “Vết Chim Bay".
Nhân dịp này, chúng tôi nói chuyện với người nhạc sĩ tài hoa, cũng là một nhà kinh tế, về nhiều vấn đề; về những bản nhạc xưa, và cả câu hỏi: có hay không, một mối liên hệ giữa âm nhạc và... luật cung cầu. Bài phỏng vấn do phóng viên Ngọc Lan thực hiện.
- Nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến, không thể không nhắc đến “Hoài Cảm.” Thật khó để hình dung ra ở tuổi 14, 15 lại có một nỗi khắc khoải như vậy, về nỗi nhớ, về cố nhân. Nhạc sĩ có thể chia sẻ một chút gì về tác phẩm này?
- “Hoài Cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, tưởng tượng về cái kia, gây lên một mối sầu, mối buồn hay mối vui hay mối khoan thai, hoàn toàn là tưởng tượng của người sáng tác.
- Mặc dù nhạc sĩ nói là do trí tưởng tượng, nhưng sự tưởng tượng cũng phải xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa nào đó, chẳng hạn như có ý kiến cho rằng ở thời điểm đó, cái đẹp, cái hay thường gắn với nỗi buồn?
- Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả - hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.
Haizza! Vậy Cố nhân ở đây là... Hà Nội, không phải Phạm Hoài Nhân!
Tập Ca khúc Cung Tiến xuất bản năm 1972, tôi còn giữ được đến giờ
Bài Hoài cảm trong tập ca khúc
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét