3 thg 7, 2013

Biệt điện Trần Lệ Xuân và điều trớ trêu của lịch sử

Biệt điện Trần Lệ Xuân ở thành phố Đà Lạt nổi tiếng vì tên chủ nhân: Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của cố vấn tổng thống VNCH Ngô Đình Nhu, và vì vẻ đẹp kiêu sa của chính nó.


Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân

Được xây dựng từ năm 1958, biệt điện Trần Lệ Xuân gồm 3 tòa biệt lập có tên Hồng Ngọc, Lam Ngọc và Bạch Ngọc tọa lạc trên diện tích 13.000 m2, thời ấy được coi là đệ nhất biệt điện trời Nam, là nơi sống của gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân, chỉ những quan chức, tướng lĩnh cao cấp mới được đến.


Sau chính biến 1/11/1963, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm bị thảm sát, chính quyền Nguyễn văn Thiệu dùng dinh thự này làm Bảo tàng Sắc tộc Tây nguyên. Rất nhiều người, trong và ngoài nước đã tìm đến đây để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa của biệt điện.


Biệt thự Lam Ngọc

Sau 1975, biệt điện Trần Lệ Xuân do chính quyền cách mạng quản lý nhưng không ai chăm sóc nên xuống cấp trầm trọng.

Hơn ba mươi năm sau, nhà nước Việt Nam quyết định trùng tu biệt điện Trần Lệ Xuân và dùng làm trụ sở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (trực thuộc Trung tâm Lưu Trữ Quốc gia Việt Nam). Nơi đây lưu trữ trên 30.000 mộc bản triều Nguyễn, di sản đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Năm 2008, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 mở cửa cho mọi người vào tham quan, nơi đây trở thành một điểm du lịch văn hóa cực kỳ hấp dẫn. Bạn đến đây thăm lại ngôi biệt điện lừng lẫy một thời với lịch sử và chứng tích ngồn ngộn của thời đệ nhất cộng hòa, tận tay sờ vào di sản thế giới mộc bản triều Nguyễn và tha hồ chụp ảnh lưu niệm ở thắng cảnh tuyệt vời này. Giá vé vào cổng thật rẻ bạn ạ, chỉ 8.000 đ/người thôi.


Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 trực thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam, nên nơi ấy có bảng ghi tên các vị lãnh đạo của ngành lưu trữ Việt Nam qua các thời kỳ. Thế bạn có biết ai là vị lãnh đạo cao nhất và đầu tiên của ngành lưu trữ Nhà nước Cách mạng Việt Nam không? Trớ trêu thay, đó chính là ông Ngô Đình Nhu, các bạn ạ! 


Ông Ngô Đình Nhu

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Ngô Đình Nhu được cử làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia bằng Sắc lệnh số 21, ký ngày 8-9-1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người ký là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp! Vậy ông chính là vị lãnh đạo đầu tiên của ngành.

Điều trớ trêu thứ 2 là ở mộc bản triều Nguyễn. Chúng ta đều biết đây là tài sản quý giá của quốc gia, và là tài sản quý giá nhất tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4. Ai là người có công lớn nhất trong việc sưu tầm và gìn giữ tài sản này cho đất nước? Lại cũng chính là ông Ngô Đình Nhu!

Ông Nhu tốt nghiệp trường Ecole Nationale des Chartes - trường đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp - và cho đến nay có lẽ ông là người Việt Nam duy nhất tốt nghiệp tại đây. Sau khi tốt nghiệp, năm 1943, ông làm giám đốc văn khố Tòa khâm sứ Huế, và sau đó là chủ tịch hội đồng chỉnh đốn châu bản và văn khố nhà Nguyễn. Đó là thời gian ông đóng góp công sức nhiều nhất cho việc bảo tồn di sản này.


Là vị lãnh đạo cao cấp đầu tiên của ngành lưu trữ, lại là người góp công lớn vào việc bảo tồn di sản của đất nước, thế thì việc dùng tư gia của vợ chồng ông Ngô Đình Nhu để làm trụ sở của Trung tâm Lưu trữ, và giữ gìn di sản ấy ngay tại đây xem chừng là điều rất hợp lý, nếu...

Ở biệt thự Lam Ngọc, nơi hướng dẫn khách tham quan các hình ảnh, di vật của gia đình họ Ngô và bà Trần Lệ Xuân, cô thuyết minh vẫn đang giới thiệu về tội ác, sự xa hoa của bà Trần Lệ Xuân cùng chế độ độc tài của ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm...

Vợ chồng ông Ngô Đình Nhu - bà Trần Lệ Xuân

Biệt điện Trần Lệ Xuân nằm tại số 2, Yết Kiêu, TP Đà Lạt. Nơi tham quan này chỉ mới mở cửa từ năm 2008 nên các bạn xa Đà Lạt đã lâu có thể chưa biết, vậy hãy đến đây tham quan khi có dịp ghé thăm Đà Lạt, bạn nhé. Những cảm xúc lịch sử có thể dâng lên trong lòng bạn, để bạn phải ngâm nga câu thơ Lục Vân Tiên:

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le

Phạm Hoài Nhân

9 nhận xét:

  1. Ngoài ngao ngán cái NẾU... như anh Nhân nói, tôi còn ngán cái tòa Trung Tâm mới làm hỏng cảnh quan chung của khu biệt thự!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không, anh dungNobita à, người ta dùng cơ ngơi cũ của biệt điện Trần Lệ Xuân chứ không xây thêm gì cả. Kiến trúc nơi này rất tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, nhưng qua 30 năm không người chăm sóc đã bị tàn phá khá nhiều, khi phục dựng lại người ta đã căn cứ theo các bức ảnh chụp, bản vẽ cũ... nhưng chắc không thể như xưa.

      E ngại của anh về sự phá hỏng cảnh quan chung có thể là ở chỗ thành cầu thang đi lên biệt thự Hồng Ngọc (ảnh thứ 3 từ trên xuống), người ta căng những bức tranh giới thiệu mộc bản triều Nguyễn, che hẳn cả thành cầu thang bằng đá.

      Xóa
  2. Tôi đã like , bây giờ cho tôi share qua Phây búc bao la sầu cuả tôi bạn Phạm Hoài Nhân nhé .

    Trả lờiXóa
  3. Qua chia sẻ của chị TNTD, HN biết blog này của anh PHN, rất thú vị, sẽ vào đọc dài dài. HN có biết từ hồi đi học rằng Ecole de Chartes ở Pháp VN mình hay gọi là "Trường cổ điển học Ba Lê" nằm trong khuôn viên đại học Sọrbone. Cả ban lãnh đạo, giáo sư, SV, nhân viên (kể cả lao công) chỉ 90 người nhưng được phép sử dụng một thư viện 200.000 đầu sách. Ông Ngô Đình Nhu ngày xưa vào học được vì có sự bảo lãnh của Đúc Cha Ngô Đình Thục vì thời ấy trường không nhận SV ở các thuộc địa, sau này thì thoải mái hơn và cô giáo cũ của HN, cô Thái Thị Ngọc Dư dạy ĐH Huế, nhiệm sở sau cùng là ĐH mở ở SG cũng là SV tốt nghiệp trường này, chúc anh PHN cuối tuần an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn sự quan tâm của bạn Hồng Ngọc. Rất thú vị khi biết thêm thông tin về trường Ecole de Chartes và ông Ngô Đình Nhu. Tôi đọc một thông tin từ người lãnh đạo của Trung tâm lưu trữ quốc gia nói rằng ông Nhu là người duy nhất tốt nghiệp tại trường này cho đến nay (nay, tại thời điểm phát biểu là 2007). Để cẩn thận, tôi thêm vào chữ "có lẽ". May quá, nếu khẳng định thì là nói sai rồi! :-)

      Xóa
  4. Blog của anh có rất nhiều bài viết rất thú vị. Cám ơn anh đã đăng những bài viết hay. Chúc anh cùng gia đình luôn bình an

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã có những nhận xét thân tình.
      Chúc bạn vui khỏe.

      Xóa
  5. Hay quá anh Phạm Hoài Nhân (y)
    Chắc phải chôm về blog của tui qua hihi

    Trả lờiXóa