12 thg 4, 2015

Ngước mặt nhìn đời

ĐH Bách khoa TPHCM hiện nay

Hồi tui mới học những năm đầu Đại học Bách khoa TPHCM, có một bậc đàn anh đố:
  • Nhìn một đứa sinh viên Bách khoa làm sao biết nó học năm thứ mấy?
Không thể nói là thấy những sinh viên năm trên già hơn năm dưới, vi thời đó (mới sau giải phóng) sinh viên vô trường nhiều tầng lớp khác nhau lắm (nhiều nhất là phe cách mạng, mà phe đó thì không phải mới tốt nghiệp phổ thông như tụi tui).

Đàn anh chỉ ra con đường từ cổng trường, dạy:
  • Nhìn mấy đứa đang đi vô trường đi. Đứa nào nghinh mặt lên trời thì là năm thứ nhất. Đứa nào cúi gầm mặt xuống đất là năm cuối. Tóm lại là tùy theo mức độ ngước mặt nhìn đời mà biết học năm thứ mấy!
Tui trầm trồ, hỏi anh: Sao anh biết hay vậy?
  • Có gì khó đâu! Cứ lấy bản thân chú mầy suy ra là biết. Mới thi đậu vô Đại học Bách khoa cứ tưởng mình ngon lắm nên tướng đi nghinh nghinh ngước mặt lên trời, ta đây là số một. Học vài năm rồi mới biết mình chẳng bằng ai, đời sống cực khổ, bài vở tới tấp, thi lại lia chia nên ngày càng cúi đầu xuống hổng dám ngó ai. Tới năm cuối sợ lưu ban nên càng gục đầu xuống đất.
Cái quy luật ấy hồi đó (cuối thập niên 70, đầu thập niên 80) tui thấy nó đúng ghê lắm. Cũng cần nói thêm rằng sở dĩ nó đúng là vì lúc ấy thi vô đại học rất khó và điều kiện học ở đại học rất cực.

Hơn ba mươi năm qua rồi, tui kể lại chuyện này vì muốn biết:
  • Thời đó, không chỉ đại học Bách khoa, các trường khác có như vậy không ta?
  • Và bây giờ, quy luật này có còn đúng với các bạn sinh viên thế hệ con cháu của tui không?
Phạm Hoài Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét