13 thg 10, 2016

Từ Bắc vô Nam, tay càng mở ra...


1.

Hồi nhỏ đi học, tui được dạy câu: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Tui nghiệm ra như vầy: Câu tục ngữ này có tự ngàn xưa, như vậy phải xuất phát từ tổ tiên người Việt ta nơi đất Bắc. Bởi vậy đồng bào miền Bắc luôn luôn coi trọng quan hệ họ hàng trong chuyện giao tế, làm ăn. Họ ưu tiên, giúp đỡ cho bà con, họ hàng. Chẳng lạ gì chuyện một người vô Nam làm ăn thành đạt rồi kéo theo cả dòng họ cùng vui vẻ vào.


2.
Rộng hơn một chút là tình đồng hương. Tui biết có một câu gần như tục ngữ: Đồng hương - đồng khói - đồng gói - đồng mở. Nôm na là đồng hương thì phải tương trợ lẫn nhau. Không biết câu này xuất phát từ đâu, nhưng tui cho rằng chỉ có thể là từ miền Trung hoặc miền Bắc chứ không phải miền Nam, vì miền Nam không nói hương khói mà nói là nhang khói. Tui thấy có rất nhiều hội đồng hương, nhưng đa số đều là miền Trung hoặc miền Bắc. Mà thực tế cũng cho thấy đồng bào miền Trung nếu là đồng hương với nhau thì sẽ giúp đỡ nhau hết mình.

3.
Còn miền Nam, họ nói gì? Họ nói: Tứ hải giai huynh đệ! Nghĩa là ông bà anh chị nào ở bốn biển cũng đều là anh em hết. Bởi vậy, đồng bào miền Nam chơi với ai cũng hết mình, chả cần phân biệt bà con hay đồng hương gì ráo!

Vậy nên tui mới nói Từ Bắc vô Nam, tay càng mở ra..., tức là càng về phương Nam vòng tay càng dang rộng ra với mọi người.

Là tui nghĩ vậy, có thể đúng hoặc sai, hoặc đúng một chút, sai một chút. Ai đồng ý hoặc phản đối thì cứ comment thoải mái nhen!

Hai Ẩu

1 nhận xét:

  1. Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để kéo con cầy...

    Trả lờiXóa