Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013 và khánh thành ngày 15/12/2014. Chùa nằm ở lưng chừng núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 500 met, mà thác Bản Giốc chính là biên giới Việt - Trung (một phần thuộc Việt Nam, một phần thuộc Trung quốc), do vậy đây là ngôi chùa nơi biên cương Tổ quốc.
Có thể thấy với vị trí đặc biệt như vậy - nhất là gần sát địa điểm rất nhạy cảm là thác Bản Giốc - ngôi chùa này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, không chỉ về tâm linh mà cả về chính trị, quốc phòng nữa. Nhưng thôi, hãy đặt mình vào vị trí khách nhàn du, đến đây ngắm cảnh non xanh nước biếc và chốn thiền môn thanh tịnh...
Từ sân chùa, ta có thể nhìn xuống toàn cảnh thác Bản Giốc. Phía trên thác là lãnh thổ Trung Quốc.
Từ trên chùa nhìn xuống con đường phía trước
Có một điều tui thấy hơi là lạ, đó là ngôi chùa mang tên Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Thường thì những ngôi tự viện mang tên Trúc Lâm là thiền viện của thiền phái Trúc Lâm, và mang tên như Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên..., còn những ngôi chùa mang tên Phật Tích thì lại thuộc phái tu khác. Kiến trúc của ngôi chùa cũng có nét hơi khác với các ngôi Thiền viện Trúc Lâm (các ngôi Thiền viện Trúc Lâm thường có các ngôi chánh điện rất cao và rộng, không nhiều bàn thờ). Tui không rành nên xin nêu ra vậy, bạn nào am hiểu xin giải thích thêm dùm.
Chùa được xây dựng trên diện tích 3 ha do UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động, các tập đoàn và các nhà hảo tâm đóng góp và tài trợ.
Điều giống nhau giữa các ngôi Thiền viện Trúc Lâm và chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, và cũng là điều rất cần thiết, đó là: kiến trúc chùa thuần Việt và các hoành phi, câu đối, liễn thờ, bảng tên... đều dùng tiếng Việt, không dùng chữ Tàu!
Chùa gồm các hạng mục chính: cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và chánh điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ (thành phần các hạng mục này cũng không giống các ngôi Thiền viện Trúc Lâm).
Nhà chiêm bái ban thờ Tổ
Các bàn thờ, hoành phi, câu đối bên trong chùa.
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Nhà thờ Anh hùng Dân tộc trong khuôn viên chùa.
Chuông Thiên Bảo
Tượng Quan Âm Bồ-tát nhìn ra non xanh bát ngát.
Có một điều đặc biệt, không giống bất kỳ ngôi chùa nào, đó là nơi đây có bàn thờ Anh hùng Nùng Trí Cao. Như ta đã biết, Nùng Trí Cao là một nhân vật lịch sử hết sức nổi tiếng và đặc biệt, sử sách cả Ta lẫn Tàu đều không thể gọi đúng ông là Vua hay là Giặc. Ông đã từng tự xưng hoàng đế ở đất Cao Bằng, chống trả nhà Lý và mang quân đánh chiếm Lưỡng Quảng của Trung Quốc thời nhà Tống. Dù sao đi nữa, đối với đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Nùng từ bao đời nay ở vùng Cao Bằng thì ông là một vị anh hùng, một vị vua vĩ đại, được lập đền thờ tôn kính. Đối với thời nay, nếu bỏ qua yếu tố ông thành lập một quốc gia tự trị và xưng hoàng đế ở Cao Bằng thì Nùng Trí Cao là một vị tướng lãnh tài giỏi giữ gìn biên cương đất nước, đánh bại lũ ngoại xâm. Lập đền thờ ông ở nơi biến giới vừa thỏa lòng kính vọng của đồng bào dân tộc nơi đây, vừa mang tinh thần chống bọn xâm lược.
Bàn thờ Nùng Trí Cao
Từ thác Bản Giốc nhìn lên ngôi chùa trên núi cao
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét