21 thg 10, 2018

Tản mạn về mít - Công dụng của mít

Mấy nay nói chuyện lan man về mít, nghĩ ngợi bỗng phát hiện ra một điều: Cây mít thật vĩ đại! Nó sống mãi, sống lung tung trong... cuộc đời của chúng ta!

Bởi vậy bữa nay lại nói chuyện về mít, mà cụ thể bài này nói về Công dụng của mít.




Trái mít

Chắc ai cũng biết bài ca dao này:

Còn duyên buôn thị bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Còn năm ba hột mít để lùi cho con

Câu đầu có thể có những dị bản khác như: Còn duyên buôn bưởi bán bòng/Còn duyên buôn nhãn bán hồng... nhưng những câu sau thì chắc chắn là trái mít!

Ăn múi mít là thứ cơ bản nhứt trong trái mít, nhưng như trong bài ca dao trên người ta còn ăn xơ mít, cùi mít, hột mít.

Hột mít thì rõ rồi. Nhớ hồi xưa được tuyên truyền rằng 3 hột mít có chất bổ tương đương một ký thịt bò! Thời sau 1975, có nơi, có người còn phải ăn hột mít thay cơm. Mà không nhất thiết phải đói, thiệt sự là hột mít ăn cũng rất ngon, nó bùi bùi... Nhứt là hột mít lùi tro, ăn no... thúi địt!

Xơ mít thì ngày xưa chỉ ăn khi dùng trái mít non luộc. Món này luộc (cả xơ và múi) rồi trộn với thịt ba rọi, tôm, rắc đậu phộng lên là ngon tàn canh gió lộng luôn. Còn thường thì khi trái mít chín rồi người ta ăn múi mít xong là bỏ xơ mít chớ chẳng ai phải gặm xơ như anh chồng khốn khổ ở trên. Nhưng đó là chuyện hồi xưa, bây giờ lên mạng mà coi người ta chế biến đủ thứ món ăn từ xơ mít: xơ mít chiên giòn, xơ mít xào thịt, xơ mít kho cá...


Gỏi mít

Tới cùi mít thì người ta coi là thứ bỏ đi, chẳng được tích sự gì, đến nỗi có câu thành ngữ "Cùi mít gặp cùi thơm" để chỉ sự gặp gỡ của những kẻ không ra gì. Nhưng đó cũng là chuyện ngày xưa, bây giờ cùi mít được chế biến thành món ăn luôn. Coi trên mạng, bạn sẽ thấy cùi mít dùng để chế biến món chay, làm bánh taco...

Có một bộ phận của cây mít thường được coi là trái mít non, đó là dái mít. Thật ra có 2 loại, một loại phát sinh từ hoa đực của cây mít, nó thành cái trái bé xíu rồi thôi không lớn lên thành trái mít được, còn loại phát từ hoa cái thì lúc đầu cũng bé xíu (dĩ nhiên) nhưng sau đó lớn lên thành trái mít. Dái mít của hoa đực không lớn lên thành trái được nhưng... ăn được. Con nít hái dái mít này chấm muối ớt, ăn chát chát.


Dái mít chấm muối ớt

Như vậy với trái mít thì từ múi mít, hột mít, xơ mít tới cùi mít đều có thể ăn được, dái mít cũng ăn được luôn. Chỉ còn một thứ không ăn được thôi, đó là... vỏ mít! Nhưng vỏ mít không vô dụng, nó vẫn có chuyện xài.Nhớ chuyện gì hông? Là dùng để... phạt quỳ gối đó!

Gỗ mít

Thân cây mít dùng dùng làm gỗ gọi là gỗ mít. Gỗ này thường được được dùng tạc tượng Phật, tượng thờ. Nó cũng được dùng làm nhiều đồ gỗ dân dụng khác, vì chống mối mọt tốt, và không chịu nhiều tác động của nước, lại dễ kiếm và tương đối rẻ tiền.


Lá mít

Cái này thì tui hổng biết. Lá mít tưởng đâu là đồ bỏ, nhưng coi trên mạng mới biết nó là một vị thuốc. Công dụng quan trọng nhứt của lá mít là dùng để tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh. Ngoài ra còn có các bài thuốc từ lá mít dùng để trị hen suyễn, chữa mụn nhọt, chữa tưa lưỡi cho trẻ con, an thần,...

Thấy hông, cây mít thiệt là vĩ đại, xài được hết mọi thứ của nó, từ múi mít, hột mít tới xơ mít, cùi mít, dái mít, vỏ mít qua gỗ mít, lá mít. Mà như vậy đã hết đâu! Còn một thứ nữa. Đó là... mủ mít!

Hả? Mọi người nói mủ mít dính tay chưn, quần áo chỉ có bực mình chớ công dụng gì hả? Ý, đó là biết một mà chưa biết hai. Hãy coi tiếp công dụng của mủ mít nhe.

Mủ mít

Mủ mít có đặc tính là rất dính, nên người ta xài như một chất keo. Có người dùng để bẫy chim. Vụ này thì tui nghe nói nhưng không biết rõ, chỉ có chuyện dùng mủ mít để... chôm tiền công đức thì biết!

Đi chùa mọi người thường bỏ tiền vô thùng công đức, hoặc bỏ tiền vô thùng từ thiện của các nơi quyên góp tiền. Nói chung các thùng này có một khe để khách bỏ tiền vô nhưng không... lấy ra được. Các nhân tài nghĩ ra một cách để lấy, đó là dùng một cái que dài, đầu trét mủ mít và thọc vô thùng tiền qua khe hở. Tiền bị dính mủ mít, dính vô que và đương sự rút que ra sẽ có tiền xài!

Công dụng của mít quả là vô vàn. Cây mít vĩ đại sống lung tung trong... cuộc đời của chúng ta!

Hai Ẩu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét