12 thg 8, 2011

Đi qua thời gian


Tấm ảnh này có thể gợi lại cho một số người nỗi đau. Đó là những người có người thân (hoặc chính bản thân mình) đã từng học tập cải tạo (bị giam) trong trại giam K4 ở Long Khánh. Vâng, khu du lịch K4 chính là trại giam K4 ở Long Khánh.

Ta hãy ngược dòng thời gian để kể lại câu chuyện này nhé.

Ngày xưa, hồ Đại tướng

Ông Lê văn Tỵ (1903-1964) là tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa từ thời Ngô Đình Diệm, cho đến 1963. Ông mất năm 1964 vì ung thư phổi lúc đang mang hàm đại tướng. Sau khi mất, chính phủ Nguyễn Khánh truy phong ông hàm Thống tướng. Ông là vị thống tướng đầu tiên và duy nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Đại tướng Lê văn Tỵ - Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh: tạp chí Life.

Những năm cuối thập niên 1950, tướng Lê văn Tỵ mua một mảnh đất khoảng 50 hecta ở Long Khánh. Ông cho đào hồ, trồng cây... để làm một nơi thư giãn, nghỉ dưỡng thanh tịnh lúc tuổi già.

Dân Long Khánh gọi khu đất ấy của ông là hồ Đại tướng.


Nơi ấy nổi tiếng là đẹp, nhưng dĩ nhiên không phải là chốn công cộng để tham quan. Thuở ấy, bọn học sinh (là cỡ tôi ấy!) thường lén chui rào vô đấy đùa chơi.

1975

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản tỉnh Long Khánh. Dĩ nhiên là khu đất của một ông tướng - lại là cựu tổng tham mưu trưởng của quân đội cũ - phải thuộc về Nhà nước rồi. Công an tiếp quản khu đất ấy, và nó biến thành trại giam: Trại K4.

Rất nhiều sĩ quan, tướng tá, binh sĩ của chế độ cũ đã bị giam (lúc bấy giờ gọi là học tập cải tạo) nơi ấy.


Một sáng kiến nảy sinh: Tại sao không tôn tạo nơi này thành một chốn du lịch đẹp?

Trong số những người tù bị giam giữ trong K4 có người là kiến trúc sư tài giỏi. Họ được mời (ra lệnh) thiết kế cảnh quan lại cho khu K4, bao gồm cả nhà hàng khách sạn, nhà thủy tạ, khu vui chơi. Công lao động thì cũng đã có sẵn: tù nhân.

Thế là khu du lịch K4 hình thành, thiết kế và thi công bởi những người tù.



Một bài thơ của cựu tù K4 có những câu như sau:

Vắt sức lực đào ao rồi chẻ đá

Làm quanh năm không thấy ánh mặt trời,
"LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG" đến tả tơi
Thân còm cõi bày bộ xương cách trí!


Đầu những năm 1980, khu du lịch K4 khai trương, cho mọi người dân vào vui chơi, tham quan giải trí. Ở thời điểm đó, với những kiến trúc công phu, cảnh quan tuyệt đẹp, được chăm chút kỹ lưỡng (bởi công tù) K4 là điểm du lịch gần như là đẹp nhất nước. Không chỉ dân Đồng Nai mà ở nhiều nơi khác cũng nô nức đến tham quan. (Nên nhớ là lúc ấy, những công trình như Đầm Sen, Suối Tiên chưa hề được hình thành!).



Bây giờ

Khu du lịch K4 được đổi tên thành công viên Hòa Bình - vẫn trực thuộc ngành công an. Trong đó vẫn có đầy đủ cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Hồ nước, cây xanh, có cả những khu biệt thự để khách du lịch có thể nghỉ đêm. Nếu bạn chỉ đến tham quan thì mua vé vào cổng, 4.000 đồng thôi.



Giờ đây nhiều khu du lịch mới đã xuất hiện, K4 - à không, công viên Hòa Bình - đã không còn tầm vóc như xưa, và cũng không còn thu hút nhiều khách du lịch. Nhiều công trình đã xuống cấp, nhưng nét đẹp thiên nhiên vẫn còn đó.


Tôi lang thang trong công viên, ngẫm nghĩ về dòng đời đã trôi qua, chợt nhớ đến Vũ Như Tô và công trình Cửu trùng đài của ông...

Kìa, thoáng sau những tàng cây xanh thơ mộng là những chiếc áo sọc. Áo tù, những người tù đi lao động. Và màu xanh, không phải màu xanh cây lá, mà màu xanh áo công an của những cán bộ quản giáo...



Tôi không biết nên gợi ý với các bạn thế nào, nên hay không nên đến tham quan nơi này? Có lẽ là nên, các bạn ạ. Hãy đến, ngắm cảnh, và rồi ngồi bên bờ hồ, chiêm nghiệm lẽ đời...


Phạm Hoài Nhân
Tháng 8/2011

4 nhận xét:

  1. Phục anh hai ghê! vừa siêng đi, vừa siêng viết blog. Cần tìm hình ảnh làm tài liệu, chẳng cần đi đâu cho tốn tiền, vô blog anh "chôm" vài tấm là được rồi.

    Chẳng bù với tui, chẳng có gì để viết, cũng chẳng có tấm hình nào ra hồn!

    Chúc anh luôn vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Hay thiệt! bạn Hoài Nhân cứ làm tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đã ngủ rất sâu trong dĩ vãng- vâng hơn 42 năm đã qua và dòng đời cuồn cuộn cuốn phăng tất cả!

    nhìn hàng dừa tôi nhớ ngày đó (1971) đám bọn tôi đã leo lên cây hái xuống mấy trái, đang tìm cách bổ ra để uống thì bác làm công bắt gặp và dí chạy, tôi không chạy nổi thì là bác túm lấy tôi. Tôi phân trần rất cụ thể: "Con đâu có leo trèo được, bạn con nó hái mà! hix!" Ông nhìn tôi thấy quả là như vậy nên ông nói: "Bảo tụi nó lần sau đừng làm vậy nhá" ...

    hồi đó hầu như hoàn toàn thiên nhiên chứ không như bây giờ ..

    Trả lờiXóa