Lá cây kơ nia. Ảnh: Wikipedia
Hồi đó (cách nay hơn 20 năm) tìm kiếm thông tin chưa nhiều và phong phú như bây giờ nhưng vẫn có được những thông tin cơ bản, rằng cây kơ nia là một loài cây mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Họ coi kơ nia là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, do đó rất ít khi họ đụng chạm, chặt phá chúng. Vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Bởi vậy mới có cái vụ bóng ngả che ngực em, bóng tròn che lưng mẹ.
Cá biệt có bài viết còn kể rằng cây kơ nia giờ hiếm lắm, cả nước chỉ còn có mấy cây hà. Tác giả bài viết kể ra những cây kơ nia mà vị ấy biết - chủ yếu ở Tây nguyên - và cứ theo đó thì số cây kơ nia cả nước chỉ còn không quá số ngón trên một bàn tay!
Tui đọc vậy và tin vậy. Rằng kơ nia là một loại cây linh thiêng và quý hiếm.
Theo thời gian, tui đi nhiều, biết nhiều thì thấy rằng... hổng phải vậy!
Kơ nia là loài cây có ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên thì chắc là đúng rồi, khỏi phải bàn, nhưng đối với người Kinh thì không phải, thậm chí còn bị coi thường nữa. Chuyện này nói ở phần sau.
Còn thông tin cây kơ nia quý hiếm thì chắc là sai rồi. Có lẽ kơ nia không còn nhiều như thuở xưa, nhưng ta hoàn toàn có thể bắt gặp chúng ở nhiều nơi tại Tây nguyên.
Rừng cây kơ nia ở Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển.
Cây kơ nia cũng có mặt ở Phú Quốc, với những cây cổ thụ như cây kơ nia tại chùa Sư Muôn (Hưng Long tự), ở gần sân bay Phú Quốc, ở trạm kiểm soát biên phòng Hòn Thơm...
Cây kơ nia ở chùa Sư Muôn, Phú Quốc. Ở đây người ta không gọi kơ nia mà gọi khơ nia. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Nhưng điều bất ngờ là cây kơ nia có khá nhiều ở... quê hương tui, miền Đông Nam bộ. Chỉ có điều ở đây người ta không kêu nó là kơ nia mà kêu là cây cầy. Nghe cái tên là... mất thiêng rồi! Và đó cũng là lý do mà xưa nay tui không biết ở quê tui có cây kơ nia. Đồng Nai chỉ có cây cầy chớ hổng có cây kơ nia!
Cây cầy ở rừng Bình Châu - Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Cây cầy ở Đồng Nai có nhiều trong rừng Mã Đà. Anh Bùi Thuận viết:
Ở đây người ta ít đốn cây kơ nia (cầy) không phải vì lý do tâm linh mà là vì... khó đốn! Một số bạn tui cho biết người ta dùng gỗ cây cầy để hầm than.
Vậy ở miền Đông Nam bộ, cây kơ nia - tức cầy - không thiêng, không hiếm, không quý. Điều hấp dẫn là ở hột cầy. Ta lại nghe anh Bùi Thuận kể:
Trái cầy có cơm (thịt) vàng nhạt, hấp dẫn heo rừng nhưng ta ăn có vị chát chát, nên không cần phải đi hái, đợi đến mùa trái cầy rụng xuống gốc cây thúi đi, ta mới tập trung lượm hột rồi chẻ ra rang ăn rất ngon. Món hột cầy rang thơm lừng, ăn béo ngậy, không thua kém gì đậu phộng, hột điều rang bơ.
Hột cầy. Ảnh Wikipedia
Kể cũng khó nghĩ thiệt, hổng lẽ bây giờ mình địa phương hóa bài Bóng cây kơ nia và vô rừng Mã Đà hát:
Buổi sáng tui làm rẫy
Thấy bóng cây... cầy
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét