10 thg 6, 2024

Biệt thự Chả Cá

Chả cá Lã Vọng là một trong những món ăn nổi tiếng của Hà Nội, đến mức có người nói du lịch Hà Nội thì dứt khoát phải ăn chả cá Lã Vọng.

Để khỏi phải viết lại những gì người khác đã viết, tui xin trích đăng bài nói về chả cá Lã Vọng trên Wikipedia:

Chả cá Lã Vọng chính gốc ở Hà Nội. Ảnh: Phương Huy trên Wikipedia

Lịch sử

Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy khởi đầu từ năm 1871, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng 'Chả Cá' được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho con cháu nhà họ Đoàn.

Thực hiện

Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước cốt riềngnghệmẻhạt tiêumắm tôm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào vỉ nướng chả có quết một lớp mỡ cho đỡ dính. Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả đã nướng trút vào chảo mỡ - đây là bí kíp gia truyền của loại chả cá này - trên bếp than hoa đặt giữa bàn ăn. Khi các miếng chả sôi trong mỡ lăn tăn, vàng thơm, rau thìa là và hành hoa cắt khúc được gia vào chảo đảo lẫn và nhanh chóng chia ra các bát ăn. Thường không dùng dầu ăn để rán cá vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm ngon hơn.

Chả cá ở nhà hàng Chả cá Thăng Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo bài viết này thì

  • Món chả cá Lã Vọng là đặc sản của quán chả cá Lã Vọng.
  • Sở dĩ có tên Lã Vọng là vì trong quán có tượng ông Lã Vọng ngồi câu cá.
  • Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho con cháu nhà họ Đoàn.

Bây giờ thì ở Hà Nội không chỉ có một nhà hàng Chả cá Lã Vọng ở phố Chả Cá mà có rất nhiều quán Chả cá Lã Vọng ở khắp nơi. Không chỉ Hà Nội, Sài Gòn cũng có nhiều quán Chả cá Lã Vọng. Đà Nẵng cũng có Chả cá Lã Vọng. Ngay cả Biên Hòa cũng có, Pleiku cũng có Chả cá Lã Vọng… và chắc nhiều nơi khác nữa.

Điều đáng nói là các quán Chả cá Lã Vọng ở các nơi đều là quán độc lập, không phải chi nhánh của quán gốc. Và hầu như không quán nào có tượng ông Lã Vọng ngồii câu cá. Chắc tại hồi xưa quán Chả cá Lã Vọng không đăng ký bản quyền thương hiệu và nhãn hiệu!

Quán Vạn Xuân, chả cá Lã Vọng ở Pleiku. Ảnh: Báo Gia Lai

Tui đã có dịp ăn chả cá Lã Vọng trong những lần đầu tiên tới Hà Nội, ăn ở ngay tại quán gốc ở phố Chả Cá, cách nay gần 30 năm. Nay có dịp đi Hà Nội cùng con và cháu nội, tụi nó cùng rủ đi ăn chả cá Lã Vọng cho biết.

Khi search Google Maps để tìm quán, con tui chọn ngẫu nhiên một quán gần khách sạn đang ở nhất và và được đánh giá tương đối cao (4,1*). Đó là Chả cá Thăng Long, ở 6B phố Đường Thành. Tên quán không có chữ Lã Vọng, nghe cũng được.

Khi tới đúng địa chỉ ghi trong Google Maps, tụi tui ngờ ngợ vì hình như không phải mình tới quán ăn mà đang tới một ngôi biệt thự cổ. Một dinh thự cổ của một vị quan lớn triều đình thì đúng hơn.


Nhà hàng Chả cá Thăng Long, số 6B Phố Đường Thành. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hỏi thăm người xung quanh cho chắc, thì họ bảo: Đấy, đấy là Chả cá Biệt thự!

Bước qua cổng là lối vào dài vài chục mét khá thoáng rộng, hai bên là hai hàng trúc êm dịu mát mắt.

Hai hàng trúc ở lối vào. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Rồi đến khoảng sân rộng trông như một hoa viên, nơi đó có bày sẵn các bàn tiệc, tưởng như yến tiệc ở tư dinh của một vị quan đại thần hay một nhà quý tộc cung đình. Sau khoảng sân là dinh thự như một tòa lâu đài.


Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Vì ở dưới đã hết chỗ nên tui lên tầng trên của tòa “lâu đài”.

Nơi đây thì giống cách trang trí và cung cách phục vụ của một nhà hàng hiện đại hơn, nhưng những nét kiến trúc chính của gian phòng vẫn thấp thoáng dáng vẻ cung đình.

Không nén được sự tò mò, khi ra quầy tính tiền tui hỏi nhân viên tiếp tân:

  • Ngôi biệt thự này nguyên thủy chắc không phải nhà hàng phải không em?
  • Dạ vâng, nhà này ông chủ mua lại của một ông làm to lắm bên báo Nhân Dân đấy ạ. Như là tổng biên tập ấy ạ.

Tui nhẩm lại các vị tổng biên tập báo Nhân Dân và hỏi:

  • Vậy có phải ông Hoàng Tùng không?
  • Dạ vâng, đúng rồi đấy ạ.
  • Vậy trước ông Hoàng Tùng đây là dinh thự của ai nhỉ?
  • Dạ cháu không rõ, nghe đâu là của một ông quan lớn trong triều đình. Sau khi cách mạng thành công, nhà nước lấy và phân cho cán bộ cao cấp.
Quầy tính tiền ở nhà hàng Chả cá Thăng Long. Nhìn màn hình camera để hình dung nhà hàng khá rộng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Sau khi về nhà, tui tìm hiểu thêm tư liệu và xác nhận đây đúng là nơi ông Hoàng Tùng (1920–2010); nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN các khóa III, IV, V, VI, VII, cư ngụ. Còn trước đó chủ ngôi biệt thự là vị quan lớn nào tui vẫn chưa biết.

Chủ ngôi biệt thự hiện nay là bà Nguyễn thị Bích Hợp, sang nhượng lại từ 2017. Câu chuyện về việc bảo tồn và phục chế lại ngôi biệt thự này tui xin để dành kể lại những thông tin tui đã góp nhặt được trong bài khác nhé.


Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ủa nãy giờ kể chuyện đi ăn chả cá Lã Vọng mà toàn đi lan man không hà. Ăn có ngon không hả?

Ừ thì nói chung là ngon. Mặc dù không có gắn chữ Lã Vọng nhưng món chả cá ở đây đúng chất chả cá Lã Vọng. Giá thì có lẽ hơi cao, 140.000 đ/phần, và 1 phần thì chỉ vài lát cá như trong hình.

Chảo chả cá này là 4 phần ăn, giá 560.000 đ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phiếu tính tiền nè. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tuy nhiên, ăn món chả cá, món ăn từng được các website về du lịch nổi tiếng thế giới xếp vào diện “không thể không thử khi đến Hà Nội”, lại được ngồi trong một căn biệt thự với khuôn viên rộng rãi, với các đường nét kiến trúc tinh tế, kể ra cũng đáng tiền đó chớ!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét