31 thg 10, 2021

Vồ Bồ Hong trên núi Cấm

Vồ Bồ Hong là vồ cao nhất trong 5 cái vồ của núi Cấm (tức Năm non trong thành ngữ Năm non bảy núi), và như vậy cũng chính là đỉnh cao nhất của núi Cấm. Độ cao của vồ Bồ Hong (cũng là của núi Cấm) là 705 met.

Khi bạn đi cáp treo hoặc xe hơi thì bạn chỉ có thể tới khu vực hồ Thủy Liêm, tới chùa Vạn Linh. Chùa này nằm ở chân vồ Bồ Hong, độ cao là 535 met, còn cách đỉnh núi 170 met. Từ chùa Vạn Linh lên vồ Bồ Hong - ở đó có một điện thờ nên còn gọi là điện Bồ Hong - cho đến giờ chỉ có cách đi bộ, leo núi. Theo kinh nghiệm của những người đã lên đến vồ Bồ Hong thì thời gian vượt 170 met độ cao từ chùa Vạn Linh đến điện Bồ Hong là... 2 tiếng! Hic, mặc dù lên núi Cấm nhiều lần nhưng tui đều đi với tư cách quý tộc già lão nên chỉ tới chùa Vạn Linh thôi chớ chưa bao giờ lên tới vồ Bồ Hong, tức chưa bao giờ có thể nói mình chinh phục đỉnh núi Cấm. 

Vồ Bồ Hong trên núi Cấm. Ảnh: Bùi Thuy Đào Nguyên trên Wikipedia

Chưa lên tới nơi thì biết gì mà kể? Thì vậy, nên tui đâu dám kể. Chỉ xin nói một chi tiết là tỉnh An Giang đang mời gọi đầu tư để mở Khu nghỉ dưỡng vọng cảnh Vồ Bồ Hong. Khi khu nghỉ dưỡng này được mở ra chắc chắn là đường lên vồ Bồ Hong sẽ được xây dựng thuận tiện hơn, chớ không thì mấy ông già như tui (lúc đó chắc chắn già hơn bây giờ) làm sao lên đó nổi mà nghỉ dưỡng?

Trên mạng có khá nhiều video, bài viết của các bạn (chắc là trẻ) nói về chuyện khám phá vồ Bồ Hong, xin các bạn tìm xem. Ở đây tui chỉ xin trích đăng tiếp bút ký Nửa tháng trong miền Thất Sơn của Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu, đoạn kể về chuyện leo lên vồ Bồ Hong để mọi người hình dung chuyện này năm 1951 như thế nào. Xin để ý là tác giả và các bạn ông đã mất tới 6 tiếng để từ chùa Phật Lớn (vị trí tương đương chùa Vạn Linh) lên tới vồ Bồ Hong vì ngày xưa đường lên khó khăn hơn bây giờ nhiều. Độ cao của vồ Bồ Hong tác giả ghi là 716 met, hơi lệch so với độ cao 705 met theo xác định hiện nay. Học giả Nguyễn văn Hầu cũng lồng vô câu chuyện kể những chi tiết lịch sử và những giải thích về từ ngữ địa phương, tui nghĩ cũng có nhiều điều bổ ích nên vẫn trích đăng đầy đủ, dù nó có làm bài viết dài hơn một chút. (Phần hình ảnh do tui sưu tầm và bổ sung vô cho nó màu mè, hồi học giả Nguyễn văn Hầu đi năm 1951 chắc ông quên đem theo smartphone hoặc máy chụp hình).

Nửa tháng trong miền Thất Sơn
Chương VIII: 30 giờ trên núi Cấm (tiếp)

Khung cảnh núi Cấm nhìn từ vồ Bồ Hong. Nguồn: Dự án mời gọi đầu tư Núi Cấm

Chúng tôi đi quanh co suốt sáu giờ đồng hồ mới tới cao điểm. Đây là một chỏm cao nhất trong năm chỏm cao của núi Cấm. Đây cũng là một hòn núi cao nhất trong tất cả các núi khác vùng Thất Sơn. Chúng tôi ghé vào một cái am bên dưới chót núi chừng 100 thước để gởi hành lý.

Am này cất chắc chắn lắm. Sẵn cây rừng và thừa ngày giờ, người ta đốn cây tốt làm cột, cưa gỗ để dừng vách và lót sàn, làm cửa nẻo cẩn thận để đề phòng ác thú. Chủ nhân là một tu sĩ trẻ tuổi đã từng quen biết tôi trong nhiều dịp hạ san và đã được nhắn tin trước từ vài hôm nay, nên xuống đón một chặng đường và đã sẵn sàng tương dưa để thết đãi chúng tôi.

Dưới am chừng vài công đất là một ngọn suối theo một mạch nước trong kẹt đá chảy ra. Bấy giờ hạn hán làm cạn bớt, nhưng nước suối cũng tạm đủ cung ứng cho du khách. Chúng tôi đến tắm ở đó rồi vào nhà ngả lưng một lát cho khỏe.

Cơm nước xong thì mặt trời đã nhúng mình trên biển. Chúng tôi kéo nhau lên vồ Bò Hong. Đường đi gần như dốc đứng nên lắm chỗ người ta phải cẩn những bực đá để cho dễ lên. Trên chót vồ là một khoảng rộng. Nhiều tranh cỏ mọc chen theo những kẹt đá. Không một cội cây, hai phần ba vồ đá tựa vào thân núi, còn lại phần kia hẩm đứng cheo leo.

Vồ Bồ Hong. Ảnh: Foody.com

Không khí hết sức trong lành mát mẻ. U tịch tăng lên. Biển Hà Tiên mờ mờ với những vệt đen li ti của các hòn đảo. Núi Tà Lơn xanh dờn chọc thủng ngàn mây xám đục. Cánh đồng Ba Thê, Bảy Thưa, Láng Linh trải dài một màu thâm thâm dẫn tới Hậu Giang rồi Tiền Giang chi chít như những đường phấn vạch. Tối sáng tranh nhau.

Tối đã về tự đất đen, về trong lùm cây hốc đá, về giữa các gian nhà dưới thế gian kia! Ánh sáng lùi dần dần. Mây trời đục hẳn. Một vài đóm lửa phía Giang Thành, không rõ đã nhen lên từ những bàn tay ngư phủ trên lòng kinh Vĩnh Tế hay của các nông phu trong làng mạc Vĩnh Gial Hoặc có thể là những đóm lửa trơi từ chiến cuộc Hà Âm thuở nọ? Tôi hình dung lại chuyến đi sứ sang Xiêm của Bùi Hữu Nghĩa từ thế kỷ trước. Cũng trong đêm tối như vầy, cũng tại miền này, tác giả đã để cho tâm hồn rung động. Tôi ngâm nho nhỏ bài thơ của Bùi Thủ khoa:

Mịt mịt mây đen kéo tối đầm,
Đau lòng nghĩ lại cảnh Hà Âm.
Đống xương vô định sương phau trắng,
Giọt máu phi thường cỏ nhuộm thâm.
Gió trốt đật dờ nơi chiến lũy,
Đèn trời leo lét dậm u lâm.
Cám thương con tạo sao dời đổi,
Dẳng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm!

***
Trên đỉnh vồ Bồ Hong. Nguồn: Dự án mời gọi đầu tư Núi Cấm

Chúng tôi trở xuống am vào lúc ánh trăng vừa vượt khỏi mây, sương đã xuống nhiều. Tôi hỏi người tu sĩ:
  • Tiếng là vồ Bò Hong, nhưng sao thứ ấy không thấy lảng vảng con nào ông?
  • Cũng không rõ được. Có người nói rằng đoàn người thám hiểm đầu tiên, không biết từ bao giờ, đã thấy vô số thứ bò hong ấy ở đây, nên mới đặt tên như vậy.
Anh Khanh hỏi tu sĩ:
  • Bò hong là con vật thế nào, có phải thứ mà đồng bào miền Bắc gọi là bọ hung không ông?
  • Không đâu! Bò hong, bù hung và bò hóng là ba thứ khác nhau. Bò hong là một sinh vật có cánh, nhỏ li ti, cứ nhá nhem tối thì bay tứ tung người đi đường vào lúc ấy thường bị chúng va vào mắt. Bù hung hay bò hung mà đồng bào miền Bắc gọi là bọ hung lại là một loại khác, mình đen, đầu và cánh cứng ngắc, ưa ở chỗ dơ bẩn. Còn bò hóng là một loại bụi bếp lẫn màn nhện bám dưới mái nhà, trên bếp lửa, người ta dùng nó trộn với vôi ăn trầu để hấp các ung nhọt, chận đứng các ung nhọt không cho nổi lên.
  • Thì ra thế! Nếu không có ông nói, tôi cứ ngỡ cũng là một thứ, loại bọ hung!
***
Khung cảnh hồ Thủy Liêm nhìn từ vồ Bồ Hong. Nguồn: Dự án mời gọi đầu tư Núi Cấm

Đêm ấy chúng tôi ngủ trong am trên vồ Bồ Hong. Anh Ba cẩn thận gài kín các cửa vì sợ “ông thầy” bất ngờ xuất hiện thì nguy. Nhưng chủ nhân quả quyết bảo là không sao cọp ở núi Cấm là cọp tu, còn cọp ở núi Bà Đội Om mới là cọp ăn thịt người. Ông kể cho chúng tôi nghe cuộc sống đơn quạnh ở trên non cùng nhắc lại các nhân vật từng vào mai danh miền này như các cụ Cử Đa, Thủ khoa Huân, Đơn Hùng Tín, Nguyễn Văn Do... Nhưng tu sĩ kết luận rằng trong số đó ông khâm phục nhất cụ Thủ khoa Huân, vì nghe nói cụ Huân đã giữ vững lập trường chống Pháp và cho đến chết, vẫn khẳng khái ngâm thơ trên đoạn đầu đài. Trong câu chuyện, tu sĩ hỏi chúng tôi:
  • Các ông có biết Thủ khoa Huân vì lý do nào mà chạy về đây và bài thơ tuyệt mạng của cụ đã nói những gì trong đó?
Tôi đáp:
  • Cũng như các lãnh tụ chống Pháp đương thời, cụ Nguyễn Hữu Huân đứng dậy mộ quân đánh Pháp ở Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy (tỉnh Định Tường). Ban đầu Pháp thua nhưng về sau họ dò biết vị trí đóng quân của cụ, nên trong tháng 6 năm 1863, lúc ban đêm, chúng dẫn quân bất ngờ đánh mạnh. Cụ Thủ khoa đại bại, phải bỏ chạy về Thất Sơn. Tại đây, Tổng đốc An Giang theo chỉ thị của triều đình, bắt giữ vị lãnh tụ kháng Pháp này, viện lẽ là không tuân lệnh ngưng chiến theo Hòa ước 1862.
De la Grandière biết tin đó, viết thư buộc chính quyền Châu Đốc phải giao cụ Thủ khoa cho họ làm tội. Chánh quyền không thuận. Tức thời, Doudart de Lagrée được lệnh đem 500 binh và đại bác từ Oudong xuống uy hiếp An Giang, buộc phải giao giải cụ Huân cho họ. Trước áp lực đó, Tổng đốc An Giang đành phải nhượng bộ. Cụ Huân bị đày sang đảo Réunion năm 1864.

Định hướng phát triển khu nghĩ dưỡng, vọng cảnh vồ Bồ Hong. Nguồn: Dự án mời gọi đầu tư Núi Cấm

Anh Trình cau mày:

  • Tức chết đi thôi! Làm gì mà khiếp nhược đến thế?
  • Lỗi tại chánh sách hủ lậu của triều đình, trong buổi đầu, không chịu canh tân tiến bộ gì cả, chứ bây giờ thì có chống, cũng vô ích. Thành Sài Gòn mà họ còn đánh được dễ như trở tay, sá gì tỉnh Châu Đốc!
Vị tu sĩ giục tôi:
  • Nhưng rồi làm sao cụ Thủ khoa bị xử hình?
  • Sau ít lâu, tình thế yên yên, họ thả cụ về nước. Cụ tức tốc lập lại tổ chức kháng Pháp tại Mỹ Tho, nhưng rồi cụ cũng thua luôn. Bấy giờ sáu tỉnh Nam kỳ đã lọt vào tay Pháp nên họ có thừa sức mạnh để diệt kháng chiến. Cụ Huân bị bắt và bị hành hình tại Cai Lộc vào ngày rằm tháng 4 năm Ất Hợi (1875).
Lúc bị bắt, người ta đóng gông cụ lại rồi bỏ trên mui tàu chạy về cho dọc đường hai bên quần chúng xem. Cụ đã khẳng khái ngâm thơ:

Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường, há phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trúc
Long lay một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc danh còn rạng,
Thác ở thành Nam tiếng bỏ không.
Thắng bại, dinh hư trời khiến chịu,
“Phản thần”... đéo quả đứa cười ông!

Vị tu sĩ thở dài:
  • Thật chua xót mà cũng thật đáng kính phục trước cái chết đáng chết đó! Nhưng cụ đỗ đến Thủ khoa, chắc về văn học, cụ còn có để lại những sự nghiệp gì chớ?
  • Chỉ còn thấy ít bài thơ bát cú hàm súc, khí khái. Đặc biệt nhất là một bài văn tế chó, lời hay ý lạ, hài hước nữa.
Nguyễn văn Hầu

Phạm Hoài Nhân (sưu tầm & biên tập)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét