12 thg 3, 2022

Lan man tên tỉnh thành Việt Nam

1.

Sau 1975, nhà nước sáp nhập hàng loạt tỉnh lại với nhau và đặt tên tỉnh mới bằng cách ghép các từ đơn của tên tỉnh cũ lại với nhau. Có thể kể: Bình Trị Thiên (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên), Hà Sơn Bình (Hà Tây và Hòa Bình, không biết chữ Sơn từ đâu ra, chắc Sơn Tây), Phú Khánh (Phú Yên - Khánh Hòa)...

Cỡi voi trên dòng sông Sêrêpốk ở Đắk Lắk. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Dân tình nhân đó bèn bịa ra chuyện rằng: Nhà nước định sáp nhập 3 tỉnh Đắk Lắk - Kontum - Pleiku và đặt tên là Lắc Con Ku hay Con Ku Lắc nhưng nghe ra không ổn nên thôi. Thật ra chuyện bịa này không chỉnh lắm, vì tên tỉnh là Gia Lai chớ không phải Pleiku, Pleiku là thành phố thuộc tỉnh Gia Lai thôi. Nhưng ăn nhằm gì, chuyện tiếu lâm mà!

Có người khác lại bịa rằng: Sáp nhập 3 tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai - Pleiku thành Lắc - Da - Cu. Chuyện bịa này cũng không chỉnh, vì thiếu mất Kontum trong khi có đến 2 địa danh liên quan với nhau là tỉnh Gia Lai và thành phố Pleiku. Nhưng ăn nhằm gì, chuyện tiếu lâm mà!

Biển Hổ ở Pleiku, Gia Lai.

2.

Thật ra chuyện ghép tên và gọi tắt như kể trên cũng khá thường xảy ra và chẳng có gì sai, tuy nhiên có đôi khi ghép lại ra một từ mới có nghĩa hơi bị... suy diễn bậy bạ (kiểu như dàn nhạc giao hưởng hợp xướng, đọc tắt thành dàn nhạc giao hợp vậy á).

Từ tháng 5/1951 đến cuối năm 1954 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Biên Hòa với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên. Từ tháng 9/1960 đến tháng 7/1961 chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tái lập tỉnh Thủ Biên. Ừ thì tên Thủ Biên nghe cũng được.

Cổng chào thành phố Bà Rịa

Từ tháng 3 đến tháng 12/1963 và từ tháng 11/1966 đến tháng 10/1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập Biên Hòa với tỉnh Bà Rịa thành tỉnh Bà Biên. Đến cái tên này thì nghe ngộ ngộ à nghen. Bà Biên là bà nào? Chưa kể chữ B viết gần giống chữ Đ nên Bà Biên dễ bị đọc lộn thành Bà Điên lắm á!

Chưa hết, tên này mới vui nè. Ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ (thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nhập hai tỉnh Chợ Lớn và Bà Rịa thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, gọi tắt là tỉnh Bà Chợ. Tỉnh này thuộc Phân liên khu Miền Đông, Liên khu Nam Bộ. Hi hi, nghe tên Bà Chợ ngộ thiệt. Bà nào đi chợ, hay... bà chủ chợ?

3.

Nhắc Bà Rịa lại nhớ đến tỉnh có tên ghép, lần này là ghép nguyên tên chớ không phải đọc tắt nữa. Đó là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Không ít người ngộ nhận rằng tên của địa phương có biển này là tỉnh Vũng Tàu. Đúng là có tỉnh Vũng Tàu thiệt, nhưng đó là chuyện ngày xưa. Vũng Tàu là một tỉnh cũ ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc và Quốc gia Việt Nam, tồn tại trong giai đoạn 1947–1952. Còn bây giờ, Vũng Tàu là thành phố, trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bạch Dinh, Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Việt Nam còn một tỉnh mang tên ghép nữa, đó là Thừa Thiên - Huế. Không ít người ngộ nhận rằng Huế là một thành phố độc lập, hay ngộ nhận rằng nó trực thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nhưng không, Huế là thành phố trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở cấp thành phố trực thuộc tỉnh và quận huyện, cả nước có một thành phố mang tên ghép mà người ta vẫn thường nhớ đến tên đơn hơn. Đó là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tên địa phương này là Phan Rang, như ta vẫn thường nói: đi Phan Rang, nho Phan Rang, chợ Phan Rang... Nhưng thật ra về mặt hành chánh, tên nơi này đúng là: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét