Thậm chí, khi được hỏi rằng có làng nghề gốm ở Tương Bình Hiệp hay không, Gemini đã trả lời như sau:
Không, Tương Bình Hiệp không nổi tiếng với làng nghề gốm theo nghĩa là một làng nghề quy mô lớn và đặc trưng như sơn mài. Làng nghề truyền thống chủ đạo, nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của phường Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một) là làng nghề sơn mài.
Và nó nhắc khéo tui rằng Bình Dương có làng nghề gốm, nhưng hổng phải ở Tương Bình Hiệp:
Các trung tâm làng nghề gốm lớn và nổi tiếng của tỉnh Bình Dương nằm ở các địa phương khác như Lái Thiêu (TP. Thuận An) và Tân Phước Khánh (TP. Tân Uyên).
Ảnh: Google Maps. Xử lý ảnh: Phạm Hoài Nhân
Tên đường có từ 2005, nhưng tên đất đã có từ lâu lắm. Người dân nơi đây chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã nghe những người lớn tuổi gọi vùng đất này là Lò Lu, còn cái tên Lò Lu gắn với vùng đất này từ khi nào thì tôi không rõ. Ngày trước, nơi đây có rất nhiều lò lu hoạt động, nhưng nay họ dẹp bỏ hết rồi, chỉ còn vài lò còn đỏ lửa thôi...”
Lò lu hiếm hoi hiện nay còn hoạt động trên đường Lò Lu là Lò lu Đại Hưng. Lò lu này đã được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2006. Di tích Lò lu Đại Hưng được xem là lò gốm cổ xưa nhất tồn tại đến ngày nay trên vùng đất Thủ Dầu Một. Việc bảo vệ, giữ gìn, công nhận di tích này nhằm ghi lại một dấu tích quan trọng trên con đường phát triển của nghề gốm thuyền thống nơi đây.
Lò Lu Đại Hưng nằm ở góc đường Lê Chí Dân - Lò Lu. Ảnh: Google Maps. Xử lý ảnh: Phạm Hoài Nhân
Lu bày ở bên đường Lò Lu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Chủ nhân ban đầu của lò lu Đại Hưng là người Việt gốc Hoa, tạo dựng cách nay khoảng 180 năm. Đó cũng là thời điểm khu vực này hình thành nhiều lò lu để khiến có tên gọi là Lò Lu, tức nghề làm lu ở Tương Bình Hiệp có lịch sử gần 200 năm.
Lò lu Đại Hưng có tổng diện tích hơn 10.000 m², là nơi chuyên sản xuất đồ gốm dân dụng bằng phương pháp thủ công truyền thống, với các sản phẩm chủ yếu là lu, hũ, khạp... Chủ nhân hiện nay của Lò lu Đại Hưng là ông Bùi Văn Giang, tức Tám Giang thuộc đời thứ 6. Dù nghề gốm đã có sự phát triển, nhưng vì muốn giữ gìn nghề truyền thống này nên từ trước đến nay ông vẫn duy trì sản xuất theo phương thức truyền thống. Ngoài các sản phẩm lu, hũ, khạp ra, Lò lu Đại Hưng còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh.
Dưới đây là một số hình ảnh ở lò lu Đại Hưng.
Sự phát triển công nghệ tạo nên các phương thức sản xuất, các vật liệu mới khiến nhu cầu sản phẩm lu, hũ ngày một ít dần, các xưởng sản xuất thủ công dần biến mất. Việc UB tỉnh Bình Dương công nhận di tích và có những biện pháp hỗ trợ lò lu Đại Hưng để duy trì một cơ sở nghề xưa cũ là đáng trân trọng, nhưng không biết rồi sẽ đi đến đâu.
Mới đây, dịp Tết Bính Thìn cặp linh vật rồng được lắp ghép, tạo hình bằng những chiếc lu và mảnh gốm do các nghệ nhân ở lò lu Đại Hưng sáng tạo lắp ghép thành đã tạo sự chú ý của cả nước và đã được ghi nhận kỷ lục quốc gia. Đây cũng là sự kiện quảng bá tốt cho lò lu Đại Hưng.
Linh vật rồng mừng Xuân Bính Thìn làm từ những chiếc lu của lò lu Đại Hưng. Ảnh: Báo Thanh niên
Mặc dù có lịch sử làm gốm gia dụng (làm lu), nhưng nghề này ở Tương Bình Hiệp không phát triển thành một làng nghề quy mô lớn, đặc trưng và nổi tiếng vang dội như các trung tâm gốm sứ khác của Bình Dương (ví dụ như Lái Thiêu, Tân Phước Khánh). Nó mang tính chất phục vụ nhu cầu địa phương nhiều hơn và có thể đã mai một dần theo thời gian.
Ngược lại, nghề sơn mài mới chính là nghề thủ công truyền thống đã phát triển mạnh mẽ, đạt đến trình độ tinh xảo, tạo dựng được thương hiệu và trở thành đặc trưng nổi bật nhất, niềm tự hào và là "làng nghề" được công nhận rộng rãi của Tương Bình Hiệp ngày nay. Khi nhắc đến làng nghề truyền thống ở Tương Bình Hiệp, người ta nghĩ ngay đến sơn mài.
Thôi, lần này chấp nhận AI đúng, không cãi nữa!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét