Trong khá nhiều bài viết, ta thấy ghi là đình Tương Bình Hiệp được xây dựng năm 1939. Có lẽ là người viết ghi lại từ niên biểu ghi ở cổng phụ của đình.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Vị thần được thờ ở đình là Ngài Phan Thanh Giản
Một điểm đặc biệt của đình Tương Bình Hiệp là đây là ngôi đình duy nhất ở Đông Nam Bộ thờ Tiến sĩ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ.
Sắc phong của vua Khải Định năm 1924 có nội dung: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải phụng thờ Tam giác Tiến sĩ, Hiệp tá Đại học sĩ. Sung cơ mật viện đại thần. Vì ông thường linh ứng nên nhân tiết tứ tuần đại khánh. Trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Trung Thần, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở cho dân".
Về chuyện thờ cụ Phan Thanh Giản ở đình Tương Bình Hiệp nó còn éo le trắc trở hơn chuyện thờ Nguyễn văn Thành ở đình Bến Thế nhiều. Ông Nguyễn văn Thành bị coi là tội nhân cho đến khi được giải oan năm 1868, được phong thần năm 1869 ở đình Bến Thế. Cụ Phan thì sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây năm 1867 và tự tử thì bị triều đình buộc tội làm mất đất, cách mọi chức tước và nhận bản án trảm hậu. Mãi đến 1886 cụ mới được khôi phục lại chức tước cũ. 38 năm sau cụ mới được phong thần ở Tương Bình Hiệp. Nhưng tới đây vẫn chưa yên. Theo quan điểm chính thống của nhà cầm quyền thì cụ Phan là kẻ bán nước, được cụ thể hóa bằng câu vè lan truyền trong dân gian (mà có lẽ là bịa đặt, vì lòng dân rất kính yêu cụ Phan) là: Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân (Phan là Phan Thanh Giản, Lâm là Lâm Duy Hiệp, hai vị khâm sai toàn quyền đại thần thay mặt triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất). Nhận định này, dù đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử chứng minh là áp đặt, nhưng đến nay vẫn là án treo lơ lửng trên linh vị cụ Phan.
Cho dù vậy, ban quý tế đình vẫn hết sức tự hào và trân trọng tôn kính vị thần của làng mình. Bàn thờ cụ Phan Thanh Giản được đặt trang trọng ở gian chính của đình.
Di ảnh cụ Phan Thanh Giản ở đình Tương Bình Hiệp. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2024
Di ảnh cụ Phan Thanh Giản ở đình Tương Bình Hiệp. Ảnh: Báo Tiền Phong, 2019
Bia dựng trước đình ghi nhận:
ĐÌNH TƯƠNG BÌNH HIỆP
Ngày 25 tháng 8 năm 1924, tức hơn nửa Thế kỷ sau khi cụ Phan qua đời, Triều đình Huế sắc phong cho nhân dân xã Tương Bình Hiệp thờ cụ Phan làm Thần tại Đình làng của mình.
Ngôi Đình có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật.
Bình Dương, ngày 25 tháng 10 năm 2014
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ DANH THẮNG
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Cây di sản quốc gia và khung cảnh tịch mịch
Khuôn viên đình Tương Bình Hiệp rộng khoảng 2.000 m², có nhiều cây cổ thụ, trong đó có 2 cây vừa được công nhận cây di sản quốc gia năm 2024. Đó là cây kơ-nia và cây đa cổ thụ ôm lấy cây kơ-nia này khiến nhìn thấy như một cây.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Theo ghi nhận thì cây kơ-nia có trước, cách nay khoảng 200 năm. Hơn nửa thế kỷ sau, cây đa mới xuất hiện, dần dần ôm lấy cây kơ-nia. Tuổi thọ cây đa khoảng 140 năm.
Thân cây kơ-nia tại vị trí ngang ngực (cao 1,3m) có đường kính 1,38 m; chiều cao cây ước tính 37 m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo 2 hướng Đông – Tây là 30 m và Nam - Bắc là 32 m.
Thân cây đa tại vị trí ngang ngực có đường kính 9,6 m; chiều cao cây ước tính khoảng 27 m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo hướng Đông - Tây là 42 m và Nam - Bắc là 30 m.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Ngay từ ngoài tường bao, đình Tương Bình Hiệp đã toát lên một vẻ rêu phong cổ kính.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Bước vào trong khuôn viên đình, tuy không hoang phế nhưng với những cây cổ thụ vươn cao phủ bóng cùng những kiến trúc mang dáng vẻ cổ kính và cũ kỹ tạo nên một không gian yên tĩnh, tịch mịch.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét