Ngày xưa, người ta dùng chữ tỉnh lỵ để chỉ nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh. Tỉnh lỵ ở đây là thị xã Thái Bình, thuộc tỉnh Thái Bình, nơi Duyên Anh đã sinh ra (1935) và trải qua thời thơ ấu. Những Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy... chính là tác giả và bạn bè của mình những năm 10, 11 tuổi.
Nhà phê bình văn học Huỳnh Phan Anh đã nhận xét:
Vùng quê hương đó đã được dựng lại, đẹp hơn bao giờ hết, trong bộ trường thiên tiểu thuyết mang tên VẺ BUỒN TỈNH LỴ.
...
Đời sống huyện lỵ thật nghèo nàn và nhất là thật buồn tẻ đã tạo cho ông một bối cảnh, một màu sắc tâm hồn. Đời sống đó, vẻ buồn đó đã dạy cho ông những bài học mơ mộng đầu tiên, những bài học mai đây còn tiếp tục in sâu vào tâm hồn ông, còn tiếp tục bàng bạc trong tác phẩm ông, một cách nào đó, nó mở ra cho ông những cánh cửa, những chân trời. Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ đã cống hiến cho người đọc những trang sách đẹp nhất của Duyên Anh, những trang sách làm sống lại một vùng trời quê hương quen thuộc, một đoạn đời với những giấc mơ và những rung động tuyệt vời của tâm hồn tuổi nhỏ.
💗💗💗
Vô tình, khi tui say mê đọc những trang sách này cũng là khi tui đang sống ở một tỉnh lỵ: quận Xuân Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh. Xuân Lộc cách Sài Gòn 80 km, gần giống như Thái Bình cách Hà Nội 100 km. Và hơn nữa, tuổi của tui bấy giờ cũng trùng với tuổi của những nhân vật trong truyện.
Lúc bấy giờ tui học ở Trường Tiểu học cộng đồng Nam tỉnh lỵ Long Khánh. Trường Nam ở đây là nam sinh, đối lập với trường Nữ tỉnh lỵ là nữ sinh, chớ không phải Nam đối với Bắc. Như mọi người thấy mặt trước của thẻ học sinh ghi là Trường Tiểu học cộng đồng Nam tỉnh lỵ, còn con dấu ghi là Trường Nam tiểu học Tỉnh lỵ. Dù thế nào cũng có chữ Tỉnh lỵ.
Hồi đó, với đầu óc non nớt của một đứa nhỏ học tiểu học tui không cần biết chi ý nghĩa sâu xa của chữ tỉnh lỵ. Chỉ biết học ở đây oai lắm, vì là trường chính của tỉnh. Và cũng mộc mạc, thân thương lắm vì đây chỉ là ngôi trường ở tỉnh thôi, chớ không phải ở thành phố phồn hoa đô hội. Nơi đây mọi người đều quen biết nhau, thân quen, gần gũi.
Chữ tỉnh lỵ đi với tui suốt thời niên thiếu, với những trang sách, với mái trường,... là những kỷ niệm thân thương và rất đẹp. Nó hoàn toàn đúng như những gì Huỳnh Phan Anh nói về Vẻ buồn tỉnh lỵ của Duyên Anh:
Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ đã cống hiến cho người đọc những trang sách đẹp nhất của Duyên Anh, những trang sách làm sống lại một vùng trời quê hương quen thuộc, một đoạn đời với những giấc mơ và những rung động tuyệt vời của tâm hồn tuổi nhỏ.
💔💔💔
Lâu nay có vẻ như người ta ít dùng hay không dùng từ Tỉnh lỵ nữa. Gần đây, những thông tin về sáp nhập tỉnh thành trên cả nước được phổ biến rộng rãi. Tổ chức hành chánh của các tỉnh mới được ghi như sau:
Tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai sẽ sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay.
Khu trung tâm chính trị - hành chính mới theo dự kiến của tỉnh Đồng Nai, vị trí tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC, báo Tuổi trẻ
Chữ Tỉnh lỵ đã được thay bằng cụm từ dài hơn, là Trung tâm chính trị - hành chính.
Trên trang Facebook của mình, bạn Nguyễn Phan Khiêm đã bàn:
Tuy nhiên, còn cách viết khác, ngắn gọn hơn là thay cụm từ "trung tâm chính trị - hành chính" bằng "tỉnh lỵ" .
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, Tỉnh lỵ là thị xã hoặc thành phố, nơi các cơ quan tỉnh đóng. Tương tự như thế là Huyện lỵ là thị trấn, nơi cơ quan huyện đóng...
Lỵ nghĩa là thống trị, cai trị, quản trị... Lão Tử nói: Dĩ đạo lị thiên hạ, nghĩa là Lấy đạo lý để cai trị thiên hạ.
Từ "tỉnh lỵ", "huyện lỵ" rất quen thuộc, xưa hơn có "phủ lỵ", "lỵ sở"... tiếc rằng dịp này không được sử dụng để câu văn ngắn gọn hơn.
Tui nhất trí với bạn, nhưng muốn nói thêm: chữ Tỉnh lỵ còn gợi lại trong tui - và có lẽ nhiều người khác - những kỷ niệm thân thương của một vùng trời đơn sơ, mộc mạc..
Ờ há, Duyên Anh viết Vẻ buồn tỉnh lỵ được chớ đâu có viết Vẻ buồn trung tâm chính trị - hành chính tỉnh được, phải không?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét