11 thg 2, 2022

Ứng dụng công nghệ để tìm hiểu Ký ức thế giới

Nhân ngày Quốc tế Giáo dục 24-1-2022, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO đã hợp tác với Google Arts & Culture để giới thiệu Ký ức về Thế giới – hay theo cách gọi thông dụng hiện nay là Di sản Tư liệu Thế giới – bao gồm những tư liệu lưu giữ ký ức về quá khứ chung của nhân loại. Kể từ bây giờ mọi người có thể tiếp cận những di sản tư liệu thế giới được số hóa ngay trên máy tính hay smartphone của mình.

Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO

Chương trình Ký ức Thế giới trên website của Google Arts & Culture

Chương trình Ký ức Thế giới (tiếng Anh là Memory of the World, viết tắt là MOW) là một chương trình do UNESCO khởi xướng từ năm 1992. MOW nhận định rằng quá khứ đã và sẽ định hình nên nhân loại ngày hôm nay và mai sau. Quá khứ này được ghi nhận lại bằng những di sản tư liệu, trong đó tư liệu được định nghĩa là các vật thể mang tin, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), tác phẩm điêu khắc hay là bút tích…

Chương trình MOW được xây dựng trên quan điểm di sản tư liệu thuộc về tất cả mọi người và vì vậy mọi người phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện cho việc tiếp cận các di sản đó. Mục tiêu chính của Chương trình MOW là: tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu của thế giới bằng các kỹ thuật phù hợp; hỗ trợ việc tiếp cận với di sản tư liệu; nâng cao nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tư liệu trên toàn thế giới. Đối tượng mà Chương trình MOW hướng tới là toàn bộ di sản tư liệu trên các vật mang tin khác nhau thuộc sở hữu của cá nhân hay tập thể, cơ quan, tổ chức… có giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, có tác động, ảnh hưởng ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

Chương trình Ký ức thế giới được quản lý bởi các ủy ban ở 3 cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Ở Việt Nam, các di sản sau đây đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới:
  • Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam được công nhận ngày 31/7/2009, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt.
  • Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được công nhận là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam ngày 9/3/2010, tại Macau, Trung Quốc.
  • Châu bản triều Nguyễn được công nhận Di sản tư liệu thế giới ngày 30/10/2017, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội
Các di sản của Việt Nam sau đây được công nhận là di sản tư liệu ở cấp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương:
  • Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, hiện lưu trữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Công nhận năm 2012.
  • Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, hiện ở tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Công nhận năm 2016.
  • Mộc bản trường Phúc Giang, ờ Hà Tĩnh. Công nhận năm 2016.
  • Hoàng hoa sứ trình đồ, tranh do dòng họ Nguyễn Huy,Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh quản lý. Công nhận năm 2018.
Bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu thế giới

Bản đồ thế giới do Van der Hem thực hiện từ thế kỷ 17, một di sản tư liệu thế giới

Có quá nhiều mối đe dọa có thể khiến cho các di sản tư liệu, cũng là những ký ức của nhân loại bị phá hủy. Những mối đe dọa này bao gồm chính sách bảo quản kém hay ngân sách dùng cho việc bảo quản thiếu thốn, thiếu nhân viên lành nghề và đội cứu hộ, phá hoại và trộm cắp, xung đột vũ trang và thảm họa tự nhiên hoặc nhân tạo.

Fackson Banda, Trưởng Ban Di sản Tư liệu của UNESCO, nhận định: “Bảo vệ di sản tư liệu trước những mối đe dọa như vậy là một nhiệm vụ trong việc bảo tồn những ký ức đã xác định chúng ta, với tư cách là con người, về một loạt các thành tựu trong nghệ thuật và văn học, địa lý, chính trị, khoa học & công nghệ và tôn giáo, cũng như các lĩnh vực thể hiện nỗ lực của con người trong suốt lịch sử. Mất ký ức có thể làm giảm nghiêm trọng bản sắc của chúng ta với tư cách cá nhân và cộng đồng”.

Mặt khác, di sản tư liệu cần được tiếp cận rộng rãi đến mọi người vì nếu chỉ giữ gìn mà không phổ biến thì ý nghĩa và mục đích chương trình ký ức thế giới sẽ không còn nữa. Hai mặt bảo quản và tiếp cận di sản có vẻ như mâu thuẫn nhau. Để giải quyết vấn đề này cần có sự góp sức của công nghệ bằng cách số hóa các di sản tư liệu. UNESCO đã phối hợp với Google Arts & Culture đưa các di sản tư liệu thế giới lên mạng để mọi người đều có thể tiếp cận.

Tiếp cận di sản tư liệu thế giới qua Google Arts & Culture

Hiện giờ, chỉ mới một số ít di sản tư liệu thế giới được đưa lên mạng. Người dùng có thể truy cập đến những tư liệu này theo 2 cách:
  • Bằng máy tính: truy cập vào đây. 
  • Bằng smartphone: Trước hết phải tải app Google Arts & Culture, sau đó chạy app này và tìm kiếm UNESCO Memory of the World.

  • Màn hình smartphone thể hiện đang xem UNESCO Memory of the World
Với ứng dụng này, ta có thể xem từ các tài liệu của Shakespeare ghi lại cuộc đời và thời đại của nhà viết kịch nổi tiếng đến các bản đồ theo dõi các chuyến đi lịch sử của Columbus - cùng tất cả các bản thảo, bản đồ, hình minh họa, bản nhạc, các tác phẩm chạm khắc hoành tráng, các tác phẩm văn học, hình ảnh vệ tinh hay các hiện vật cổ. Với mỗi thứ này, những tư liệu lưu giữ đóng vai trò như một nguồn tài nguyên giáo dục quan trọng và là cửa sổ hấp dẫn bước vào quá khứ được chia sẻ của chúng ta. Hiện giờ các di sản tư liệu tại Việt Nam chưa được đưa lên đây nhưng trong tương lai sẽ được đưa lên đầy đủ.

Một số hiện vật di sản tư liệu thế giới có thể được xem dưới dạng 3D, một số khác có thể được xem dưới dạng thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR) giúp chúng ta có cảm giác như đang tiếp cận thực sự với những di sản này.

Việc số hóa các di sản tư liệu và đưa lên mạng đã đồng thời đáp ứng được hai nhiệm vụ bảo quản và tiếp cận di sản.

Khuyến nghị năm 2015 của UNESCO về Bảo tồn và Tiếp cận Di sản Tư liệu, bao gồm cả ở dạng kỹ thuật số, nhấn mạnh “tầm quan trọng của di sản tư liệu nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức để hiểu biết và đối thoại nhiều hơn, nhằm thúc đẩy hòa bình và tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền và nhân phẩm”. Về mặt này, Chương trình Ký ức Thế giới lưu giữ những tài liệu có ý nghĩa lịch sử chứa đựng và gợi nhớ những ký ức về những sự kiện và chuyển động tích cực và tiêu cực, nhắc nhở chúng ta về nơi chúng ta đã đến, về những diễn biến không bao giờ được quên và những khoảnh khắc đã định hình xã hội toàn cầu tốt hơn hoặc xấu hơn. Chính nhờ việc lưu giữ lịch sử và số hóa các vết tích còn lại, mà các bài học về bản chất của con người có thể được truyền lại cho mai sau.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 07/02/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét