28 thg 8, 2014

Đêm buồn tỉnh lẻ

Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
...

Nhớ thương vơi đầy đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm
Em ơi biết cho chăng? Tỉnh lẻ đêm buồn


Đó là lời bài hát Đêm buồn tỉnh lẻ của nhạc sĩ Bằng Giang và Chế Linh, một bài hát thuộc loại nhạc lính trước 1975 nhưng hiện nay rất nhiều người biết, kể cả người sinh trước lẫn sinh sau 1975, kể cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc.

26 thg 8, 2014

Đi chùa Hang ở Biên Hòa

Chùa Hang ở Việt Nam nhiều lắm, đếm không xuể, có lần tui đã thử liệt kê sơ sơ trong bài này: Chùa Hang, có bao nhiêu chùa Hang? Ấy vậy mà trong bài đó tui không kể tên một ngôi chùa Hang ở Biên Hòa. Sơ sót thiệt, chỉ tại cái tên chùa Hang ở Biên Hòa không được phổ biến lắm.

Không nổi tiếng với tên chùa Hang, nhưng ngôi chùa ấy quen thuộc với một cái tên khác, đó là chùa Long Sơn Thạch Động. Có khi người ta kêu đó là chùa Bửu Long, bởi vì chùa nằm trên núi ở khu du lịch Bửu Long. Dân Biên Hòa từ thuở xưa thì quen gọi là chùa Hang, vì chùa được xây dựng ở một hốc đá trên núi Long Ẩn. Bản thân tên gọi của chùa cũng đã là hang rồi, Thạch Động chính là hang đá, còn Long Sơn tức là núi Long Ẩn.


Mặt tiền chùa Long Sơn Thạch Động

25 thg 8, 2014

Chùa Bánh Xèo

Dọc quốc lộ 51 đường đi Vũng Tàu có 2 ngôi chùa được người dân gọi nôm na bằng tên thức ăn, là chùa Bún Riêu và chùa Bánh Xèo. Chùa Bún Riêu tên chính thức là chùa Phước Hải, nằm ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (bạn xem bài này nhé Ngôi chùa được nhiều người thăm viếng nhất ở Đồng Nai). Còn chùa Bánh Xèo chính tên là Ni viện Thiện Hòa, ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Gọi tên là chùa Bún Riêu, chùa Bánh Xèo vì các nơi ấy đãi khách hành hương (miễn phí) món bún riêu, bánh xèo rất ngon - riết rồi chết tên luôn. Nhiều người vô đó ăn bún riêu, bánh xèo mà... không hề biết tên chính thức của chùa là gì!

Chùa Bánh Xèo (Ni viện Thiện Hòa) nằm ở phía sau Đại Tòng Lâm Tự, hướng từ Vũng Tàu về Sài Gòn thì nằm bên phải quốc lộ 51. Bạn có thể vào đây bằng 1 trong 2 cách:
  • Đi qua cổng Đại Tòng Lâm rồi rẽ phải đi theo con đường nhỏ khoảng 1 km, bạn sẽ đi ngang qua rất nhiều chùa, đến ngôi cuối cùng là Ni viện Thiện Hòa. Khá dễ nhận ra nơi này vì phía ngoài cổng chùa có nhiều xe đậu để khách vào... ăn bánh xèo. Đường này nhỏ, xe máy và xe 7 chỗ, 12 chỗ đi được.
  • Qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm có một con đường khá rộng, có bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ phải vào con đường này, đi đến cuối đường lại rẽ phải thì đến Ni viện Thiện Hòa. Đường này lớn, xe khách 40 - 50 chỗ vào được.
Cổng Ni viện

22 thg 8, 2014

Suối nước nóng Bình Châu

Bây giờ từ Sài Gòn đến Khu Du lịch Suối nước nóng Bình Châu rất thuận tiện. Đi theo đường cao tốc Vũng Tàu tới Bà Rịa, từ đó rẽ qua quốc lộ 55 rồi cứ thế mà đi tới ngã ba đi Bình Châu rẽ trái là sẽ tới (từ Bà Rịa đến Bình Châu khoảng 51 km). Nếu bạn muốn đi Hồ Cốc tắm biển thì có 1 lộ trình hay hơn, đó là khi tới Bà Rịa bạn rẽ qua tỉnh lộ 44B rồi đi theo con đường ven biển, bạn sẽ đi qua các cánh đồng lúa, qua biển Lộc An, biển Hồ Tràm, biển Hồ Cốc. Ngoạn cảnh và tắm biển xong bạn tiếp tục đi theo con đường ven biển này đến khi hết đường ven biển là đến ngã ba rẽ vào khu Du lịch Bình Châu. Đường về bạn sẽ đi theo quốc lộ 55, như vậy lộ trình đi và về khác nhau, tạo sự thú vị, mới lạ.

Quốc lộ 55 là con đường đỏ, đường ven biển là đường chạy sát bờ biển.

Vé vào cổng khu du lịch Bình Châu là 30.000 đ/người, nếu đi xe hơi thì mua thêm vé gởi xe 30.000 đ nữa. Giá vé như thế cũng bình thường thôi, có điều bạn hãy xem mặt sau của vé có ghi chế độ ưu đãi đặc biệt xem ưu đãi như thế nào nhé:

21 thg 8, 2014

Suối nước nóng Bình Châu - hồi xưa

Xưa thiệt là xưa

Rừng Bình Châu - Phước Bửu là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Rừng trải dài ven biển khoảng 15 km, thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc, với diện tích 11.293 ha.

Nằm lộ thiên giữa khu rừng nguyên sinh Bình Châu là suối nước nóng.

Suối nước nóng Bình Châu do người Pháp phát hiện năm 1905, gọi là suối khoáng nóng Cù Mi (tên làng của đồng bào dân tộc Châu ro, Cù Mi là tên một làng trong 7 làng của tổng Cơ Trạch thuộc tỉnh Bà Rịa từ năm 1902 đến 1930, Hiện nay không còn địa danh hành chánh nào là Cù Mi, chỉ còn giáo xứ Cù Mi thuộc giáo phận Phan Thiết, nằm ở giáp ranh huyện Xuyên Mộc). Năm 1928, trên tạp chí "Nghiên cứu Đông Dương" (BSEI) bác sĩ người Pháp Albert Sallet đã giới thiệu về Mạch Cù Mi. Đó là thời điểm suối nước nóng Bình Châu được nhiều người biết tới. Tuy nhiên đây còn là vùng đất hoang vu và trong thời gian chiến tranh ít người lui tới.


20 thg 8, 2014

Chuyện ngày xưa ở biển Hồ Cốc

Hồ Cốc là một bãi biển đẹp, còn khá hoang sơ so với Vũng Tàu, Long Hải. Nếu bạn đã quá quen thuộc với biển Vũng Tàu tấp nập, muốn tìm một nơi thoáng đãng hơn mà không phải đi quá xa về miền Trung thì Hồ Cốc là một điểm hợp lý. Theo đường cao tốc, từ TPHCM đến Hồ Cốc chỉ 120 km thôi bạn à, và đường đi cũng rất tiện lợi.


Đặc trưng của Hồ Cốc: Biển, bãi đá, rừng dương

Đó là hiện nay. Ngày xưa không phải vậy.


19 thg 8, 2014

La De - Biere Larue

Thiệt tình là tui không biết uống bia, rượu, cho nên không dám bàn gì về chuyện uống bia hết. Thế nhưng trong chuyện La De Con Cọp này có nhiều tình huống thú vị về marketing và làm thương hiệu nên xin chép lại đây để tham khảo.

1. Sao lại là La De?

Hồi tui còn nhỏ (tức là trước 1975) ít khi nghe người ta nói uống bia, mà nói là uống La De - làm mấy chai La De, uống mấy chai La De. (De là dờ e de đọc theo giọng miền Nam nhé, không phải ze đâu!). Cái chai La De hồi xưa ấy nó như thế này:




17 thg 8, 2014

Thánh đường Hồi giáo ở TP Hồ Chí Minh

Tôi vẫn nghĩ là ở TPHCM không có thánh đường Hồi giáo, hoặc nếu có thì cũng chỉ một vài ngôi thôi (vì xứ ta đâu phải đất nước đạo Hồi). Vậy nên khi tìm hiểu tôi giật mình khi biết được số lượng thánh đường Hồi giáo ở TPHCM. Các bạn có biết bao nhiêu ngôi không? Có tới 15 ngôi thánh đường Hồi giáo ở TPHCM!

Nói cho chính xác thì như thế này: có 2 loại thánh đường Hồi giáo. Thánh đường lớn gọi là Masjid, thường xây theo hướng đông tây, có hậu cung và chạm trổ đẹp. Thánh đường nhỏ gọi là Surao hay còn gọi là nhà nguyện, đây là những ngôi nhà bình thường dùng làm nơi cầu nguyện và hội họp. TPHCM có 9 masjid và 6 surao.

Tín đồ Hồi giáo ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đa số là người Chăm. Cách tổ chức của Hồi giáo khá giống với Công giáo. Người công giáo tổ chức thành giáo xứ, mỗi giáo xứ có nhà thờ để giáo dân tới hành lễ. Hồi giáo tổ chức thành từng jum ah, mỗi jum ah gồm một hoặc vài khu vực cư trú của tín đồ và có thánh đường (masjid) hoặc tiểu thánh đường (surao) để tới hành lễ. Tuy nhiên, số tín đồ của một jum ah ít hơn nhiều so với số giáo dân của một giáo xứ. Giáo xứ có cha xứ thì jum ah có 2 vị lãnh đạo gọi là Hakêm Naếp.

16 thg 8, 2014

Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình

TPHCM có 3 ngôi nhà thờ công giáo dành cho người Hoa: nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, nhà thờ Thánh Giuse An Bình và nhà thờ Đức Bà Hòa Bình.

Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình

Tọa lạc tại số 26 đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, giáo hạt Sài Gòn, giáo phận TPHCM.

Ngôi nhà 26 Nguyễn Thái Bình vốn là nhà từ đường của ông Ad. Nam Hee được cha Guimet thuê năm 1955 để làm nơi sinh hoạt mục vụ trong các ngày Chủ Nhật.

Năm 1957 Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền đã chính thức thành lập Họ đạo Đức Bà Hòa Bình dành cho người Việt gốc Hoa. Năm sau (năm 1958), Đức cha mua lại ngôi nhà của ông Nam Hee vừa làm nhà thờ, vừa làm nơi đào tạo chủng sinh người Hoa.

Năm 1959 Linh mục Melchior Cheng thuộc giáo phận Bắc Kinh, từ Lyon (Pháp) đến Việt Nam, được ủy nhiệm vào chức vụ cha sở đầu tiên của họ đạo Đức Bà Hoà Bình.


Nhà thờ thánh Giuse An Bình

TPHCM có 3 ngôi nhà thờ công giáo dành cho người Hoa: nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, nhà thờ Thánh Giuse An Bình và nhà thờ Đức Bà Hòa Bình.

Nhà thờ Thánh Giuse An Bình

Còn gọi là nhà thờ An Bình, tọa lạc tại số 4 đường An Bình, quận 5, thuộc giáo hạt Chợ Quán, giáo phận TPHCM. Mới đầu là một ngôi thánh đưởng được xây dựng nên để phục vụ cho đông đảo anh chị em tín hữu người Hoa, sau này được mở rộng phục vụ cho cả anh chị em Công giáo người Việt ở các phường lân cận.

Nhà thờ thánh Giuse An Bình được khởi công xây dựng vào năm 1967. Ngày 22/12/1968, Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas đã làm phép trọng thể thánh hiến nhà thờ mới dành cho giáo hữu người Hoa.

14 thg 8, 2014

Nhà thờ Cha Tam

Có một điều rất hiển nhiên là kiến trúc nhà thờ theo kiểu Tây phương, chứ không phải như chùa, theo kiểu Á Đông. Kiến trúc những ngôi nhà thờ công giáo Việt Nam thì rõ là Tây phương rồi, thế nhưng nếu là nhà thờ của người Hoa thì sao nhỉ?

Sài Gòn có 3 ngôi nhà thờ công giáo dành riêng cho người Hoa. Thế là tôi tò mò tìm đến đủ cả 3 ngôi nhà thờ này để xem nó khác nhà thờ Việt thế nào. Trong 3 ngôi nhà thờ Hoa, được nhiều người biết đến nhất (và cũng lớn nhất) là nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê hay còn gọi là nhà thờ Cha Tam. Bài viết này xin nói về ngôi nhà thờ Cha Tam.

Nhà thờ Thánh Phanxicô Xavier nằm tại số 25 đường Học Lạc, quận 5, thuộc giáo hạt Chợ Quán, giáo phận TPHCM. Nhà thờ được đặt viên đá đầu tiên ngày 3/12/1900, nhằm ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier) nên tên Thánh được dùng đặt tên cho nhà thờ. Ngày 10/01/1902 khánh thành nhà thờ.


Cổng tam quan nhà thờ nhìn từ bên ngoài

Nỗi lòng Ngưu Lang

Tâm sự của nàng Chức Nữ trước ngày tháng Bảy mưa ngâu

Ngưu Lang chàng ơi!

Nhớ ngày nào trên thiên đình, chàng chăn trâu, thiếp dệt vải. Hai đứa mình tối ngày hú hí cùng nhau, chả lo làm việc, Ngọc hoàng nổi giận đùng đùng đày hai ta xuống trần gian. Chàng đầu sông Ngân, thiếp cuối sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần. Bầy ô thước bắc cầu cho đôi ta gặp nhau, nhớ nhau thí mồ nên ta gặp nhau ôm nhau khóc bù lu bù loa, nước mắt rơi tỏn tỏn xuống trần gian làm nên tháng Bảy mưa ngâu sụt sùi không dứt.

Hàng ngàn năm trôi qua, chàng ngày ngày lo chăn trâu, thiếp miệt mài dệt vải, chỉ mong tháng Bảy được gặp nhau cho thỏa niềm mong nhớ.

May thay, mấy mươi năm gần đây đời sinh ra điện thoại di động và Internet. Chàng và thiếp tuy mỗi năm vẫn chỉ gặp nhau được một lần, nhưng ngày nào mà chẳng a lô và chat cùng nhau, tình cảm đậm đà khôn xiết. Buổi trùng phùng tháng Bảy mưa ngâu chỉ làm ta vui thêm, không lâm ly bi đát như thuở nào.

13 thg 8, 2014

Chùa Ấn Độ ở TPHCM

Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - TPHCM thì ở TPHCM hiện nay có 4 ngôi chùa Ấn Độ. Trong đó ngoài 3 ngôi chùa ở tương đối gần nhau nơi quận 1 (đường Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Tôn Thất Thiệp) thì còn một ngôi chùa nhỏ ở số 139 đường Thuận Kiều, quận 11.

Hồi nào giờ thường viếng các ngôi chùa Phật giáo, lần này tui quyết định bỏ ra một ngày đi thăm cho hết 4 ngôi chùa Ấn Độ này ở Sài Gòn cho... mới lạ.

Ngôi chùa Ấn đầu tiên mà tui ghé thăm là chùa Ganesh ở đường Thuận Kiều. Gì chớ Ganesh hay Ganesha thì tui biết, đó là một biểu tượng mình người đầu voi trong Ấn Độ giáo, vì thế chẳng ngạc nhiên khi sách ghi rằng chùa này được người dân gọi là chùa Ông Voi.


Biểu tượng Ganesha thường thấy trong các kiến trúc tín ngưỡng Ấn Độ giáo


11 thg 8, 2014

Đôi điều về Bửu Long

Người ta thường nói: đi chơi Bửu Long, leo núi Bửu Long, đi chùa Bửu Long... Ờ, thật ra nói như vậy nghĩa là sao nhỉ?

1. Bửu Long

Ở Biên Hòa chỉ có 1 địa danh Bửu Long, đó là phường Bửu Long. Xa hơn về trước, từ cuối thế kỷ 19, đây là làng Bửu Long. Dĩ nhiên khi nói đi chơi thì không phải là đi chơi phường Bửu Long rồi (hổng lẽ tới thăm UBND phường), mà chính xác là người ta nói đi đến khu du lịch Bửu Long (nằm trên địa bàn phường Bửu Long, Biên Hòa). Bản đồ khu du lịch Bửu Long được giới thiệu trong hình sau (click vào để phóng to).


10 thg 8, 2014

Thí cô hồn nó đi!

Thí cô hồn hay thí thực cô hồn là một nghi lễ đậm tính nhân văn của nhà Phật. Ý nghĩa của nghi lễ này là bố thí thức ăn cho cô hồn, tức là những thành phần đã chết nhưng chưa siêu thoát, không nơi nương tựa, không được thờ phụng. Cúng thí thực cô hồn được thực hiện thường xuyên, nhưng được tổ chức nhiều nhất, trọng thể nhất là vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm. Nếu quy mô lớn thì cúng cô hồn được gọi là trai đàn chẩn tế.



8 thg 8, 2014

Chùa Long Thiền

Chùa Long Thiền là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa (trên 300 năm, 2 ngôi chùa còn lại là chùa Bửu Phong và chùa Đại Giác). Mặc dù trên bảng tên chùa ghi rõ là Long Thiền Tự nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tên đúng của chùa phải là Long Thiềng, trong đó chữ Thiềng là do đọc trại chữ Thành mà ra (do kỵ húy).

Chùa tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với diện tích đất khoảng 1 hecta bên bờ sông Đồng Nai. Từ Biên Hòa đi qua cầu Hóa An rẽ trái, đi tiếp khoảng 500 met rồi lại rẽ trái về hướng sông là sẽ đến chùa. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt tiền chùa quay ra sông Đồng Nai, khung cảnh rất nên thơ, hữu tình.

Mặt tiền chùa. Ảnh: Võ văn Tường

7 thg 8, 2014

Dốt tiếng Tàu

Khi đọc các tài liệu về kiến trúc nhà cửa, đặc biệt là đền chùa, tui thấy người ta thường viết như thế này: chùa thiết kế theo kiểu chữ đinhchùa thiết kế theo kiểu chữ côngchùa thiết kế theo kiểu chữ tamchùa thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc... Hic, trong số mấy chữ trên thì ngoài chữ tam gạch 3 gạch còn những chữ còn lại tui hổng biết mặt mũi nó ra sao hết!


Chùa Tây Phương có bố cục hình chữ Tam. Ảnh: www.phuot.vn

6 thg 8, 2014

Chớ nên xài smartphone nhiều quá!

1.

Một bậc phụ huynh lo lắng cho Hai Ẩu biết rằng con của chị ta gắn bó với cái smartphone nhiều quá. Đi học về là cứ dán mắt vô đó, chẳng màng gì chuyện xung quanh.

Hai Ẩu đồng tình với chị, dẫn đường link của video clip Look Up trên YouTube cho chị xem. Clip này khuyên mọi người hãy nhìn lên chứ đừng cứ nhìn xuống smartphone của mình, hãy trò chuyện cùng mọi người, hãy hòa mình cùng thiên nhiên chứ đừng để lệ thuộc vào công nghệ.

4 thg 8, 2014

Hoa mười giờ nở lúc mấy giờ?

Ai mà không biết hoa mười giờ! À, vì là dân Nam bộ tui quen kêu nó là bông mười giờ, giờ cũng kêu vậy cho nó tiện nghen.

Từ hồi tui còn nhỏ ở nhà đã trồng đầy bông mười giờ. Hổng trồng nó cũng mọc. Chỉ cần ngắt một cọng thân quăng đâu đó là nó đâm rễ rồi sinh sôi nẩy nở. Mọc còn dễ hơn cỏ dại.


Bông mười giờ mọc nhiều, mọc dễ như cỏ!

3 thg 8, 2014

Nước mắt nàng Ly trên dòng sông Sê San

Sông Sê San cùng với sông Sê Rê Pốk là những dòng sông chảy ngược ở Việt Nam, chảy từ Đông sang Tây thay vì từ Tây sang Đông như bao nhiêu con sông khác. Trên dòng chảy cuồn cuộn của những con sông này (đổ tử vùng cao Tây nguyên rồi sang Campuchia hòa cùng sông Mêkông tại Biển Hồ Tonlé Sap) có những dòng thác hùng vĩ đẹp đến nao lòng. Như Draysap ở Đắk Nông, như Yaly ở Gia Lai...

Yaly hay Ialy là con thác lớn bậc nhất Việt Nam. Theo tiếng bản địa Ya là nước mắt, Ly là tên người con gái. Dòng thác được ví như dòng nước mắt của nàng Ly.

Ngày 24-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật Công trình thủy điện Yaly
bằng quyết định số 346/CT. Ngày 4-11-1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã long trọng nhấn nút nổ mìn khởi công công trình Nhà máy thủy điện Yaly.