27 thg 11, 2015

Đi ăn bún thang Cầu Gỗ

Tui ăn bún thang Hà Nội lần đầu hồi nào hổng nhớ, nhưng cảm thấy ngon và lạ. Cũng là tình cờ thôi chớ không phải chủ ý gọi món ấy. Là đi chơi về đói bụng, tấp đại vô quán bên đường, có gì ăn nấy. Vậy mà ngon!

Bởi vậy lần đưa Bùm ra Hà Nội, tui quyết phải cho cậu con mình thưởng thức món đặc sản này. Biên Hòa làm gì có, thậm chí còn chẳng biết bún thang là bún gì, thang hay không có rê.

Chuẩn bị chu đáo, tui search trên mạng coi chỗ nào bán bún thang ngon nhất và tìm ra: Bún thang Bà Đức 48 Cầu Gỗ - Đệ nhất bún thang Hà Nội. Vậy thì tới đây thôi!

Tô bún thang Bà Đức, 48 Cầu Gỗ được giới thiệu trên mạng. Ảnh: Foursquare.com

25 thg 11, 2015

Khi ông thần nổi giận

Tui sắp kể cho các bạn nghe chuyện tui bị xém chết. Xém chết vì gọi lộn số điện thoại. Hả? Gọi lộn số thì có gì mà chết hả? Thì vậy mới thành ra chuyện để kể chớ. Từ từ nghe kể nè.

Bữa đó tui gọi cho thằng Tèo nhưng lộn số, bên kia đầu dây hỏi lại rất lịch sự: Cho hỏi ai đang gọi đấy ạ? Tui nghĩ là thằng Tèo mới ngủ dậy, còn chưa tỉnh nên xưng tên rồi nói: Tao nè, ngủ gì ngủ dữ vậy mậy? Bỗng nghe bên kia cất lên một giọng cười khoan khoái: Ha ha, không phải quảng cáo. Ta thoát rồi.


Tới đây tui biết là lộn số rồi, nhưng tò mò hỏi:
  • Ông là ai? Thoát là thoát cái gì?
  • Ta là ông thần ve chai, bị đấng tiên tri Salomon nhốt trong cái chai này lâu lắm rồi. Nhà ngươi vừa cứu ta thoát ra khỏi chai đó.
  • Hi hi, nghe sao giống chuyện Ngàn lẻ một đêm quá. Nhưng tui nhớ là trong chuyện đó có ông lão đánh cá vớt cái chai lên rồi mở nút chai cho ông thoát ra, còn ở đây tui thấy có cái chai nào đâu?
Ông thần ve chai ở đầu dây bên kia giải thích cho tui hiểu:
  • Đúng ta là ông thần ve chai trong 1001 đêm chớ còn ai vô đây nữa. Nhưng chuyện ngươi biết là chuyện hồi xưa, thời đại này khác rồi. Salomon nhốt ta vô chai cùng với một cái smartphone. Ngài nói rằng hể có ai gọi điện hay nhắn tin cho ta thì lập tức ta sẽ thoát ra ngay chớ không phải chờ người mở nút chai.

24 thg 11, 2015

Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TPHCM

"Chính thức đưa vào hoạt động phục vụ lễ hội từ lễ giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc TPHCM tọa lạc phần lớn trên địa bàn quận 9 là một dự án lớn, được Nhà nước quan tâm và đầu tư quy mô, là một trong số ít các công trình lịch sử văn hóa trọng điểm của TPHCM đang tiếp tục được thực hiện."

Trên đây là lời giới thiệu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TPHCM, hay còn gọi là Đền thờ Vua Hùng TPHCM, đăng trên báo SGGP ngày 11/9/2010. Cũng theo bài viết này: "Công viên có tổng diện tích hơn 400ha, được quy hoạch tổng thể với 4 khu: khu cổ đại, khu trung đại, khu cận hiện đại và khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (bao gồm Cù lao Bà Sang). Đến thời điểm này, công viên đã xây dựng hoàn tất công trình trung tâm của khu cổ đại là đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc."

18 thg 11, 2015

Đi nhờ xe, ở nhờ nhà và…

Hai Ẩu vừa giải thích cho Ba Trợn vừa bày tỏ nỗi bức xúc:
  • Dạo này có nhiều dịch vụ rất sáng tạo, không cần đầu tư cơ sở vật chất nhiều mà vẫn thu tiền ngon ơ. Anh cũng muốn sáng tạo như vậy để kiếm tiền xài mà nghĩ hoài hổng ra chú em à. Thí dụ như dịch vụ đi nhờ xe của Uber. Có những người cần đi xe, lại có những người có xe nhàn rỗi, Uber chỉ cần nối kết 2 đối tượng này lại rồi đứng ở giữa thu tiền cò. Khỏe re!
Ba Trợn gật gù:
  • Ừ, vụ này đình đám lắm đây. Cả trên thế giới chớ đâu chỉ ở Việt Nam!

17 thg 11, 2015

Trái tim Pleiku

Nếu Biển Hồ được ví như đôi mắt Pleiku thì quảng trường ở trung tâm thành phố được gọi là trái tim Pleiku. Điều khác biệt là hình ảnh đôi mắt Pleiku được giới văn nghệ sĩ ca ngợi, còn trái tim Pleiku là danh xưng do giới chức chính quyền tự đặt ra.

Quảng trường ở trung tâm TP Pleiku có tên chính thức là Quảng trường Đại Đoàn Kết. Năm 2012 tôi về Pleiku vào tháng 8, khi công trình chưa hoàn thành (quảng trường được khánh thành tháng 12 năm đó). Mấy năm liền sau đó, năm nào tôi cũng về thăm Pleiku, cũng đến với Biển Hồ đôi mắt Pleiku mà... quên, không đến xem trái tim Pleiku ra sao. Mãi đến cuối năm nay tôi mới đến thăm nơi này vào một buổi sáng.

Quảng trường có khuôn viên đến 12 ha, trong đó điểm nhấn chính là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài cao 10,8 met, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4,5 met, trọng lượng khoảng 16 tấn. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, khung xương bằng thép không rỉ. Được biết rằng đây là tượng đúc Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam (và tượng Bác Hồ lớn nhất Việt Nam thì cũng đương nhiên là... nhất thế giới rồi, vì vậy ta cứ nói là nhất thế giới cho oai!).



16 thg 11, 2015

Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim...

Trái sim, hoa sim là những nguồn thơ, những cảm hứng nhạc lai láng. Thơ thì từ ca dao đến Hữu Loan, đến Bùi Giáng. Nhạc thì có Phạm Duy, Dzũng Chinh, Vũ Đức Sao Biển...

Ca dao có 

Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương




12 thg 11, 2015

Ù uôi!

Bữa nay tình cờ lướt Facebook thấy có một bạn dùng từ "Ù uôi", chợt nhớ...

Nhớ hồi nhỏ, ông bà (dân miền Tây Nam bộ) dặn là hạn chế kêu Trời, bởi vì Trời thiêng liêng lắm, chuyện quan trọng lắm mới kêu Trời, chớ chuyện hổng có gì mà kêu Trời làm.. ổng bực mình. Làm Trời đa đoan công chuyện lắm chớ có phải quởn đâu, đụng gì cũng kêu làm sao chịu thấu! (Trầm trọng lắm, kiểu như Võ Đông Sơ bị bắn tên chết tới nơi mới kêu: Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn...)

Ấy, nhưng mà cái thán từ "Trời ơi!" gần như là tiếng cửa miệng của người Nam bộ để diễn tả cảm xúc. Vì thế, để tránh "phạm thượng" thay vì kêu Trời ơi người ta bèn... nói đớt để thành Ù uôi. Đặc biệt là Ù uôi thường dùng khi người lớn nựng nịu con nít, nhất là người lớn phụ nữ. Nhớ hồi xưa, bà ngoại, má, các dì thường nựng các em bé (trong đó có tui) và kêu: Ù uôi, coi nó thấy ghét chưa kìa!


Ù uôi! Con quậy quá!

Như vậy "Ù uôi, coi nó thấy ghét chưa kìa!" cũng chính là "Trời ơi, coi nó thấy ghét chưa kìa!". Đúng rồi, nựng con nít thì có gì trầm trọng mà phải kêu Trời, Ù uôi là phải quá!

Tui nhớ và hiểu tiếng kêu Ù uôi là như vậy, không biết đúng hay sai, ai hiểu khác thì nói dùm tui với. Chỉ biết là nghe hai tiếng này gợi lại cả một trời thương nhớ thuở xưa! (lại trời, nhưng đây không phải ông Trời nên không phạm thượng nha!)


Phạm Hoài Nhân

11 thg 11, 2015

Chiều nay em đi câu cá

Biên tập viên Cu Tí ngồi thừ ra trước máy tính. Trang tin điện tử của nó ngày càng ít người đọc, mà trang tin điện tử ít người đọc thì cũng như báo bán ế, lỗ vốn. Muốn tăng số người đọc thì phải câu view thôi.

Không phải Cu Tí không biết rằng thủ thuật câu view được gom lại trong 3 chữ S: Sex, Scandal, Soul. Ưu tiên số 1 dĩ nhiên là Sex rồi, cứ đưa ảnh khỏa thân hoặc nhá hàng là thu hút người xem liền. Kế đến là đưa tin án mạng, tai nạn hoặc bất kỳ thứ xì-căng-đan nào. Sau cùng là đưa những thông tin, hình ảnh giàu thương cảm làm xúc động lòng người (Soul) khiến người xem phải sụt sà sụt sịch. Biết là vậy, nhưng Cu Tí không thể thực hiện được. Lý do là tờ báo của nó được cấp phép để viết chuyên đề về kinh tế, đầu tư – không có cửa đăng tin Sex, Scandal, Soul để mà câu view.

Bằng mọi giá phải câu view, câu view như câu cá. Cu Tí lãi nhãi như niệm chú: Chiều nay em đi câu cá, Chiều nay em đi câu cá,…


4 thg 11, 2015

Đuổi việc đứa nào chơi Phây-búc

Cuối tuần Cu Tèo về quê thăm nhà. Bác Tư ở nhà bên nghe tin liền xăng xái chạy qua kiếm Tèo. Ổng hớt hải hỏi:
  • Ê Tèo, bác nghe nói xài Phây-búc sẽ bị đuổi việc phải hông con?
  • Trời, ai nói bác Tư chuyện bậy bạ vậy?
  • Thiệt mờ, bác coi báo, mà còn nghe người ta nói nữa.
Tèo cười hì hì, giải thích cho ông già nhà quê nghe:
  • Chắc bác Tư nghe đâu chuyện hồi nẳm, cái lúc mà thỉnh thoảng Phây-búc còn bị chặn vì người ta chưa hiểu rõ, còn e ngại nó. Giờ khác rồi bác Tư ơi, Thủ tướng còn khuyến khích người ta xài Phây nữa đó. Rồi Bộ trưởng có trang Phây riêng, mới đây trên Phây còn có Bản tin của Văn phòng Chính phủ nữa. Bác Tư nghĩ coi, hổng lẽ đuổi việc Bộ trường, đuổi việc Văn phòng Chính phủ vì xài Phây-búc?

3 thg 11, 2015

Cá hấp

Không, không phải tui muốn nói đến những món cá hấp sang trọng ở nhà hàng như cá hấp bia, cá hấp nấm, hay cá hấp lá gừng như hình này đâu.


Cá hấp mà tui muốn nói nó thường là cá nục, sau khi đánh bắt lên người ta hấp sơ qua nước nóng, phơi dưới trời nắng, rồi bán đi xa trong các giỏ tre như vầy nè:

2 thg 11, 2015

Lăng Mẫu Liễu Hạnh

Về Nam Định, bạn bảo là sẽ đưa tôi đến viếng Lăng Mẫu. Tôi ngờ ngợ, hỏi lại:
  • Mẫu nào?
  • Mẫu Liễu Hạnh đấy anh!
  • Lăng là nơi chôn cất đấy chứ?
  • Chứ còn thế nào nữa? Anh khéo hỏi.
Biết sao tôi thắc mắc không? Bởi vì theo truyền thuyết thì Mẫu Liễu Hạnh là một trong 4 vị Tứ Bất Tử của Việt Nam (cùng với Thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử và Thánh Gióng). Đã bất tử thì tất nhiên là không chết, mà đã không chết thì... lấy đâu ra lăng? Lại nữa, giả dụ có chết đi, thì thời của Bà cách đây mấy ngàn năm rồi, làm gì còn dấu vết lăng mộ chứ? Cứ xem các vị cùng thời (các vua Hùng chẳng hạn), có ai còn mồ mả chi đâu, hoạ chăng chỉ có đền thờ!

Tôi không hỏi thêm, không phải vì giấu dốt, mà vì trong chuyện tìn ngưỡng - tâm linh có khi mình không rõ, hỏi bậy thì sẽ thất thố, làm buồn lòng người đối thoại. Thôi thì cứ đến viếng lăng cho biết.


1 thg 11, 2015

Qua đình ngả nón trông đình

Đình Xuân Lộc và Chùa Xuân Hoà thuộc phường Xuân An là cụm di tích trên địa bàn thị xã Long Khánh được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích theo quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 28/3/2008. Đình Xuân Lộc xây dựng từ năm 1912, được đặt theo tên của làng từ xưa. Lúc ban đầu, đình có quy mô nhỏ. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, kiến trúc hiện tồn của đình hình chữ Nhị. Chánh điện là nơi thờ Thần Thành hoàng. Hằng năm, đình Xuân Lộc tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch.

Đình Xuân Lộc vắng vẻ một buổi chiều mưa.