29 thg 11, 2011

Đêm Biên Hòa đầy sao


Những năm sau 1975, các địa phương thường mời các nhạc sĩ về (chăm sóc, bồi dưỡng) để viết nên những ca khúc về quê hương mình. Một trong các địa phương đó là thành phố Biên Hòa, một trong các nhạc sĩ đó là Trần Long Ẩn.

Theo tôi biết, khi đó chị Út Kiều (Lê Ánh Vân) là trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Biên Hòa, chị có đề nghị với Trần Long Ẩn một ý kiến độc đáo như vầy: sáng tác một bài hát không hề có chữ Biên Hòa hoặc Đồng Nai mà người ta vẫn biết đó là Biên Hòa.

Trần Long Ẩn đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ ấy. Bài hát rất thành công, được nhiều người yêu thích. Trong toàn bộ lời ca và cả tựa bài hát đều không có chữ Biên Hòa. Tên bài hát là: Đêm thành phố đầy sao.

28 thg 11, 2011

Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm?

Phà Thủ Thiêm - phía xa kia là tòa nhà cao nhất Sài Gòn. Ảnh: Phạm Tường Nhân 

Từ lâu lắm rồi, Thủ Thiêm đã đi vào ca dao với câu:

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve đặng con đò Thủ Thiêm


Khi tôi lớn lên, con đò Thủ Thiêm đã được thay bằng phà Thủ Thiêm.

Biết thì biết vậy, và mỗi lần đi ngang bến Bạch Đằng vẫn thấy bến phà Thủ Thiêm vậy, nhưng thật tình chẳng có lý do gì để qua phà Thủ Thiêm cả.

Thế nên khi Bùm hỏi: Ba có qua phà Thủ Thiêm bao giờ chưa?

Tôi trả lời: Đâu có việc gì phải qua đó hả con?

Bùm nằng nặc đòi mua vé qua phà Thủ Thiêm. Để làm gì? Chẳng để làm gì hết, chỉ là để... qua phà Thủ Thiêm thôi.


Trên bến phà, phía Thủ Thiêm - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chỉ có 1.000 đ một vé. Hai cha con mua vé qua phà. Ngắm mây nước, chụp hình. Rồi mua vé quay về. 

Từ Thủ Thiêm nhìn về Sài Gòn - Ảnh: Phạm Tường Nhân

Cầu Thủ Thiêm xây xong, lượng người qua phà có lẽ đã giảm một phần. Bùm đòi đi lên cầu Thủ Thiêm. Ừ, thì đi. 

Trên cầu Thủ Thiêm - Ảnh: Phạm Hoài Nhân 

Cầu Thủ Thiêm - Ảnh: Phạm Hoài Nhân 

Bây giờ hầm Thủ Thiêm đã thông. Lượng người qua phà gần như bằng không. Phà Thủ Thiêm sẽ đi vào dĩ vãng, như con đò ngày xưa đã vắng bóng tự bao giờ.

Hầm Thủ Thiêm ngày thông xe - Ảnh: Dân Trí 

Con đò Thủ Thiêm, phà Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm, rồi đường hầm Thủ Thiêm... Dòng chảy cuộc đời vẫn trôi triền miên.

Không biết vài mươi năm sau con của Bùm sẽ đòi Bùm dắt đi qua cái gì của Thủ Thiêm nhỉ?

Chợt nhớ lời bài hát Ai xuôi vạn lý

Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ
cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,...


Có một nỗi niềm miên man nào đó cứ lững lờ trôi theo dòng thời gian, từ lúc đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ - cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già - mà chờ người đi mất từ ngàn xưa - ra tới khơi ngàn, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?...

Phạm Hoài Nhân

26 thg 11, 2011

Tứ mã... đáo thành công!


Anh bạn của Hai Ẩu là một nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời cũng làm một chức lớn lắm. Vì làm chức lớn nên mỗi dịp lễ lạc ảnh nhận được quà cáp lia chia, sướng lắm!

Hai Ẩu đến thăm lúc ảnh vừa nhận được một bức tranh quý. Bức tranh một đàn ngựa!

Dù không rành lắm về khoản hội họa, nhưng Hai Ẩu cũng biết bức tranh đẹp (và chắc là mắc tiền). Còn ý nghĩa của nó? Chắc chắn là lời chúc Mã đáo thành công rồi!

25 thg 11, 2011

Đông bình Tây quả


Hai Ẩu vốn... ẩu, nên khi sắp xếp bình hoa và đĩa quả trên bàn thờ thường không chú ý đến vị trí sao cho hợp lý.

Người già dạy rằng: Đông bình Tây quả. Nghĩa là bình hoa ở phía Đông, đĩa quả ở phía Tây.

Dễ nhớ và dễ hiểu quá!

Hai Ẩu lui cui cầm... cái la bàn đứng trước bàn thờ để xem hướng nào là Đông, hướng nào là Tây đặng xếp cho đúng. Bỗng mặt Hai Ẩu ngu ra, vì hướng Đông là cửa nhà, hướng Tây là sau bếp. Hổng lẽ đặt bình hoa ở... phía trước bộ lư, còn đĩa quả đặt phía sau? Đặt vậy hổng giống ai hết. Hai Ẩu lăng xăng chạy đi hỏi người lớn rằng đặt làm sao?

23 thg 11, 2011

Hai Ẩu làm tiếp thị


Tình hình là công ty của Hai Ẩu đang sản xuất và phát hành một sản phẩm phần mềm dành cho trẻ em cấp 1 học toán. Đó là một game vừa chơi vừa học mang tên Đậu Lém phiêu lưu ký.
Vì vậy nên Hai Ẩu có nhiệm vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến mọi người. Tiếp thị là sao? Là... đụng đâu giới thiệu đó. Bởi vậy, hôm nọ gặp cô bạn gái, Hai Ẩu tranh thủ ngay:
  • Mua đĩa Đậu Lém phiêu lưu ký đi em, hay lắm đó! Mua cho con em nó học Toán. Thay vì chơi game bậy bạ trên máy tính thì giờ đây nó sẽ vừa chơi vừa học Toán, rất có lợi. Con em học lớp mấy rồi? Hiện giờ bọn anh có đĩa Đậu Lém 1, 2, 3, tương ứng với chương trình Toán lớp 1, lớp 2, lớp 3...

22 thg 11, 2011

Chùa Cô Hồn ở Biên Hòa


Người dân thường gọi tên ngôi chùa theo cái tên rất dân dã, do dân gian tự đặt. Ở Biên Hòa, bạn nói tên chùa Đại Phước thì ít người biết, nhưng nói chùa Ông Tám là người ta biết ngay, hoặc chùa Đại Giác thường được gọi là chùa Phật Lớn. Tương tự như vậy, có một ngôi chùa người dân thường gọi là chùa Cô hồn, dù tên chính thức của chùa là Bửu Hưng Tự.

Chùa Cô hồn nằm gần cổng sân bay Biên Hòa, trên đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh.

So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa Cô Hồn có quy mô nhỏ, kiến trúc được xây theo lối chữ nhị. Phía trước là gian chính điện được bày trí hệ thống tượng thờ Phật khá phong phú. Chùa được xây bằng vật liệu kiên cố, bốn bên là tường gạch, mái ngói lợp vẩy cá. Giá khung kiến trúc của chùa bằng gỗ, phía trên bàn thờ chánh được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

Nhìn chung kiến trúc và quy mô của chùa không có gì đặc sắc. Đây cũng không phải là ngôi chùa cổ, vì mới được xây dựng từ 1920. Điều đặc biệt chính là xuất xứ của chùa và tên gọi chùa Cô Hồn.


21 thg 11, 2011

Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng...

Họ không phải là những người chiến thắng. Họ là những kẻ chiến bại, thậm chí hy sinh cả mạng sống của mình. Trước đó họ cũng chưa từng có chiến công lớn lao ghi trong sử sách, trừ lần hy sinh anh dũng được nhân dân bùi ngùi thương tiếc. Thân xác họ được vùi chung trong cùng một nấm mồ.

Ở Đồng Nai có 2 nấm mồ tập thể như vậy, nấm mồ của những chiến sĩ đã hy sinh thời kháng Pháp.


1. Mộ Đoàn văn Cự và 16 nghĩa binh

Trong phong trào chống thực dân Pháp ở Biên Hòa đầu thế kỷ XX có tổ chức yêu nước được thành lập dưới hình thức Hội kín (Thiên Địa hội). Ở Biên Hòa có tổ chức Thiên Địa Hội do ông Đoàn Văn Cự lãnh đạo. Ông sinh năm 1835, quê tại làng Bình An, Thủ Đức (trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa), trong một gia đình nho học. Cha ông là nhà nho uyên thâm, có tinh thần yêu nước. Gia đình ông bị thực dân Pháp theo dõi. Đoàn Văn Cự đưa gia đình đến vùng Bưng Kiệu, Vĩnh Cửu (khu vực Tam Hòa ngày nay) sinh sống. Dưới danh nghĩa một người dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, ông đi nhiều địa bàn tuyên truyền về việc tập hợp nghĩa quân chờ thời cơ đánh Pháp.

18 thg 11, 2011

Google kỷ niệm sinh nhật Louis Daguerre

Hôm nay, khi search bằng Google ta thấy hình này:


Đó là logo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 224 của nghệ sĩ, nhà hóa học người Pháp là Louis Daguerre (18/11/1787 – 18/11/2011 ). Ông được nhiều người biết đến như là một người phát minh ra quy trình nghệ thuật chụp hình thực tiễn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông phải kể đến là Đại lộ Temple chụp ngày 4 tháng 5 năm 1838 tại Paris.

16 thg 11, 2011

Có một cái linga to như thế đó!

Khi xe chạy trên tỉnh lộ 943, trên đường đến núi Ba Thê, từ xa mọi người nhìn thấy một kiến trúc là lạ trên triền núi.

Cái gì thế kia?

Theo từng khúc quanh, kiến trúc ấy thoáng ẩn thoáng hiện nhưng luôn nổi bật trên triền núi xanh.

Có người buộc miệng: Giống... con cu quá!

Có tiếng cười khúc khích và có người đỏ mặt, nhưng chẳng ai biết đó là gì!

14 thg 11, 2011

Em còn nhớ hay em đã quên?

Năm nay tôi 52 tuổi, học lớp... Không, không còn học lớp nào cả!

Hơn bốn mươi năm trước, năm 10 - 11 tuổi, tôi học lớp 5, trường Nam Tiểu học Long Khánh.
Cô giáo dạy tôi là cô Nguyễn thị Bạch Nhạn.
...

Non nửa thế kỷ đã trôi qua. Dòng đời miệt mài trôi, cuốn những đứa học trò nhỏ là chúng tôi thuở ấy theo những thăng trầm. Những đứa nhỏ ngày xưa đã trở thành ông già, huống chi là cô giáo. Khách qua đò đã đi tứ xứ, người đưa đò cũng không còn ở bến sông xưa.
...

Cô giáo bệnh!

Một cậu học trò cũ biết tin, vội vã nhắn bạn bè đến thăm cô. Tôi đi cùng vài bạn, trong đó có bạn mấy mươi năm nay chưa gặp lại cô.

Cô nhận ra tôi, nhưng không nhận ra H, người bạn cùng đi. Cũng phải thôi, bốn mươi năm trời không gặp đã biến một đứa nhỏ thành một gã trung niên, sao cô nhận ra được?

13 thg 11, 2011

Tôi mua iPad

Như nhiều anh già U50 khác, tôi có những đặc điểm sau:
  • Giữ một cương vị quản lý khá khá ở cơ quan, dưới quyền có nhiều anh trẻ trẻ giỏi giang. Có thể một số hoặc nhiều lĩnh vực tụi nó giỏi hơn tôi, nhưng nhìn chung thì... vì tôi là sếp, tôi phải giỏi hơn tụi nó.
  • Biết lờ mờ về công nghệ, nhất là những thứ thời thượng như iPhone, iPad... nhưng không thể tỏ ra là mình không biết, vẫn phải sắm những thứ đó và dùng để không trở nên lạc hậu với những tay quản lý khác.
Tôi phải mô tả như thế để các bạn dễ hình dung khi tôi kể chuyện mình đi mua một cái iPad. Tại sao lại phải mua? Chưa phải là cần dùng, nhưng vẫn phải mua, bởi vì khi đối tác làm việc với mình họ lo le cái iPad, nhân viên của mình cũng tí tởn iPad trong tay, mà mình không có thì coi sao đặng?


11 thg 11, 2011

Quán cà phê Đen

Gọi là cà phê đen không phải vì quán chỉ bán cà phê đen, mà là vì quán... đen thui.

Quán đen thui như thế này đây:


Gã chủ quán mặc áo đen thui, ngồi bên cái bàn đen thui, tựa lưng vào bức vách đen thui

8 thg 11, 2011

Cà phê Cây bàng

Trong những quán cà phê bên sông Đồng Nai ở Biên Hòa thì Cây Bàng là một trong hai quán lâu năm nhất (quán còn lại là Hải Âu). Nếu không xét đến điểm chung là cảnh quan nhìn ra sông Đồng Nai mà tất cả các quán cà phê dọc sông đều có (rất tuyệt vời) thì so với các quán khác Cây Bàng là một quán... khá tệ. Cà phê không ngon (nhưng vẫn mắc tiền), chỗ ngồi sơ sài, mỹ thuật ở mức trung bình... Thế nhưng đó lại là nơi tôi thường đến uống cà phê!

Uống cà phê nó lạ thế đó các bạn. Ta đến quán vì chỗ đó quen thuộc. Có thể là chỗ ngồi quen, có thể là nơi đó có những người quen.

Cà phê Cây Bàng nằm trong một con hẽm nhỏ gần trường tiểu học Nguyễn Du, quay mặt ra sông Đồng Nai. Quán thuộc loại cà phê sân vườn, nhưng thật ra không có vườn, chẳng có cây cảnh, cũng chẳng có những tiểu cảnh đáng kể làm tăng vẻ mỹ quan thiên nhiên. Ngoại trừ những cây thật to vươn mình và xõa bóng ra dòng sông.

Vâng, bạn đoán đúng rồi. Đó là cây bàng!

Cây bàng và dòng sông - Ảnh: PHN

7 thg 11, 2011

Những quán cà phê dọc bờ sông Đồng Nai ở Biên Hòa

Dọc bờ sông Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa có rất nhiều quán cà phê. Không kể cà phê cóc, từ trường tiểu học Nguyễn Du đến Ngã 3 Hãng dầu lần lượt có các quán: Cây Bàng, Thúy Nga, Lido, Thủy Tùng 1, Thủy Tùng 2, Du thuyền, Thủy Tiên, Thủy Sơn, Hải Âu... (chưa kể cà phê Cây Da, cạnh Lido, mà nay đã trả về cho chùa Phụng Sơn)


Mỗi quán mỗi vẻ, tùy gu hoặc thói quen của từng người mà bạn sẽ chọn quán phù hợp. Đặc điểm chung của các quán là đều nhìn ra sông Đồng Nai, mà đoạn sông Đồng Nai ấy thật là hữu tình với những cây đa buông rể lòa xòa bên sông, những cây bàng đổ lá trôi theo giòng nước.


6 thg 11, 2011

Chuyện anh chàng lượm rác

Mấy hôm nay, dư luận xôn xao về việc một số tỉnh thành quyết định không tuyển dụng công chức là sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập. Có người tán đồng, có người phản đối.

Riêng tôi thì tán đồng. Chẳng những bây giờ mới tán đồng mà là chính tôi đã áp dụng quy định này cho công ty của mình từ hồi xưa kìa. Trong các hồ sơ xin việc vào công ty tôi, nếu thấy ứng viên tốt nghiệp đại học dân lập là tôi quăng qua một bên, không thèm ngó tới. Việc gì cũng có lý do của nó, trước đây có một số người xin việc là sinh viên đại học dân lập, có người ngay trong vòng phỏng vấn đã bộc lộ sự ngu dốt hết biết khiến người phỏng vấn phải nổi quạu, có người khi làm việc đã làm đâu hư đó khiến nhà quản lý phải kêu trời. Để phòng ngừa hậu họa, thôi thì dẹp quách các hồ sơ đó, chả thèm quan tâm!

Mới đây, tôi có chuyện bí về IT, không tìm ra cách giải quyết. Có người giới thiệu một chuyên viên IT của một ngân hàng đến gỡ rối giúp tôi.