29 thg 6, 2015

Tào lao xịt bụp

Miền Nam kêu là bông, miền Bắc gọi là hoa. Cho nên nếu miền Nam kêu là bông gì thì khi "chuyển ngữ" ra tiếng miền Bắc đổi thành hoa đó là xong ngay. Thí dụ: bông mai, bông lài, bông sen... thì đổi thành hoa mai, hoa lài, hoa sen... (bánh bông lan thì không có đổi thành bánh hoa lan).

Ấy nhưng mà có một loại bông không thể "chuyển ngữ" như vậy được. Đó là bông bụp. Đâu có thể gọi là hoa bụp được đâu nà! Nghe nó mắc cười lắm. Có người gọi là hoa bông bụp. Hic, đã hoa mà còn bông nữa! (hổng tin thì cứ search Google coi). 

Miền Bắc gọi nó là hoa dâm bụt. Người ta giải thích rằng tên này từ hoa dâng bụt mà ra, vì hoa dùng để dâng lên Bụt. Có người nói tên bắt nguồn từ hoa râm bụt vì cánh hoa như cái dù (ô) che mát cho Bụt. Có người không chịu 2 cách giải thích này bèn chế ra sự tích hoa dâm bụt rất là xxx, nhưng dzui dễ sợ (chuyện này nhiều người biết rồi nên không kể lại đây, ai chưa biết thì coi phụ lục ở dưới nghen!).


Bông bụp. Hình chôm trên mạng

25 thg 6, 2015

Cà nghinh cà bật

Hồi tui còn nhỏ, đôi khi bị bà ngoại tui la: Làm gì mà cà nghinh cà bật vậy?

Nói thêm rằng bà ngoại là dân miền Tây, nên chắc cà nghinh cà bật là tiếng miền Tây. Có ai giải thích mấy chữ đó nghĩa là gì đâu, có điều căn cứ vô điệu bộ của mình lúc bị la và mấy chữ cà - nghinh - bật mà đoán nghĩa như sau:

Đó là điệu bộ lấc cấc, vênh váo của kẻ tự cho rằng mình hay lắm, động tác thì có phần lật bật như... con lật đật.



24 thg 6, 2015

Sự tích Hòn vọng… phu


Năm 2515, một phát hiện gây chấn động trong giới khoa học. Trong khi xây dựng các công trình mới, người ta phát hiện dấu vết của một đô thị cổ cách đây năm thế kỷ. Địa điểm khai quật được xác định là khu vực Sài Gòn của 500 năm trước.

Ngoài những giá trị lịch sử của di tích, có một hiện tượng mà các nhà khảo cổ không lý giải được: Người ta tìm thấy vô số khối đá có hình dạng người với dáng vẻ đang mong đợi điều gì đó rải rác khắp nơi trong khu vực đô thị cổ.

23 thg 6, 2015

Trong chùa có cái linga!

Thiệt ra "tâm nguyện" của tui là đặt tựa bài này thành "Trong chùa có tượng con c...", nhưng sợ mọi người nói là báng bổ nơi thờ tự (lại sợ bị phạt vì tội dùng từ tục tĩu nữa), nên đành đặt "Trong chùa có cái linga!" cho nó... có văn hóa.

Từ Quy Nhơn, bạn đi theo quốc lộ 19, qua tỉnh lộ 640 gập ghềnh khoảng hơn 20 km thì tới xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Đi thêm khoảng 5 km nữa trên con đường làng nhỏ hẹp qua thôn xóm, lũy tre, cánh đồng là bạn tới thôn Thanh Trúc. Ở đó có một ngôi chùa khá lớn và đẹp, tên chùa Thiên Trúc.


Khung cảnh đồng quê trước chùa

20 thg 6, 2015

Không nói tục, không chửi!

Nghe nói rằng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến của ta bắt đầu tuyên chiến với những hành vi thiếu văn hóa, như là nói tục, chửi tục.


Hai Ẩu cà khịa với một ông bạn là chuyên gia về văn hóa:
  • Người ta nói chửi là hành vi vô văn hóa. Vậy theo anh, có văn hóa chửi không?
  • Karl Marx nói: cái gì thuộc về con người đều là văn hóa. Con người biết chửi, vậy chửi là văn hóa.

19 thg 6, 2015

Ném đá xe khách

Chuyện côn đồ ném đá vô xe khách đang lưu thông trên đường nghe nói đã nhiều rồi. Thế nhưng chuyến xe khách chính mình đi bị ném đá thì tui vừa trải qua, trên chuyến về Quy Nhơn mới đây. Lúc ấy vừa qua nửa đêm, xe đang chạy ngang Bình Thuận thì có 3 thằng tuổi teen chạy xe máy, quăng đá vô xe khách và dông mất. Ái chà, nó không trúng chỗ tui nhưng trúng ngay cậu em tui. Miểng kiếng văng ra làm chảy máu nhẹ ở tay.

Xe phải dừng lại khá lâu để dán kiếng và... hành khách hoàn hồn. May mà chỉ bị thương nhẹ ở tay, chớ nghe nói có vài trường hợp bị đui mắt luôn!

Xe bị ném đá, Ảnh: Thanh niên online

17 thg 6, 2015

Có phải sinh đôi không?

Lại là Tám Tàng, và lại là một ứng dụng của Microsoft. Xin nhắc lại rằng Tám Tàng là một chàng trai trẻ mới hơn 40 cái xuân xanh, khoái khoe hình trên Facebook. Khi có ứng dụng How-old.net của Microsoft ra đời, hắn khoái xài cái ứng dụng đó đưa hình lên và khoe rằng: Coi nè, coi tui trẻ chưa nè?

Nay lại có một ứng dụng mới của Microsoft: Twins Or Not, tạm gọi là Có phải sinh đôi không? Như tên gọi của nó, ứng dụng này cho phép người ta đưa lên cùng lúc hai tấm hình và nó sẽ so sánh để xem hai người trong hình đó có phải anh/chị em sinh đôi hay không. Tám Tàng thích lắm, xài cái ứng dụng này liên tục. Ủa, vậy Tám Tàng đi kiếm người anh em sinh đôi của mình à?


11 thg 6, 2015

Miên man núi lửa

1.
Ghềnh Đá Đĩa là một kiệt tác thiên nhiên ở huyện Tuy An, Phú Yên. Nơi đây những cột đá, tảng đá hình ngũ giác, lục giác xếp đều đặn khít vào nhau tựa như có bàn tay của một vị thần. Có những mảng nhìn như tổ ong, những mảng khác như chén đĩa xếp chồng lên nhau.



10 thg 6, 2015

Lưu bút ngày xanh

Cái mà ông Tèo già đang giở ra coi là một thứ rất xa lạ với bọn trẻ hiện giờ. Nó gọi là “lưu bút”. Hồi còn đi học, mỗi khi hè về, nhất là những năm cuối cấp thì cậu học trò Tèo lại hí hoáy làm lưu bút ngày xanh. Đó là một cuốn sổ, lớn nhỏ, đẹp xấu tùy túi tiền của Tèo lúc đó. Rồi Tèo chuyền tay cho các bạn học cùng lớp, mỗi người ghi vô đó những dòng tâm sự để làm kỷ niệm thời học sinh.


Có đứa viết rất là văn hoa bay bướm, có đứa viết… dở như hạch. Có hề chi, như vậy Tèo mới nhớ được hồi xưa đứa đó học văn dở ẹc chớ. Có đứa học văn dở mà bày đặt làm thơ, đọc lên cứ nghe như tiếng vịt kêu ngoài ruộng. Hoa tay xấu hay đẹp không cần biết, đứa nào cũng vẽ vô đó đủ thứ hình chim cò hoa lá (bản thân Tèo vẽ vô cuốn lưu bút của mình cũng xấu như ma!). Một số con nhỏ còn ép hoa khô vô nữa chớ! Và hình, mỗi đứa đều dán vô trang dành cho mình một tấm hình cho Tèo nhớ cái bản mặt của mình.

9 thg 6, 2015

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Hầm Hô ở cách Quy Nhơn 50 km, thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Đây là một danh thắng tuyệt mỹ, nằm giữa ngút ngàn rừng xanh dưới chân dãy Trường Sơn, một sự kết hợp tuyệt hảo giữa nước, núi đá và rừng xanh.

Vậy đó, mà tới Bình Định nhiều lần, tui mới đến đây lần đầu. Ngơ ngác bước vào khu du lịch sinh thái này, tui nhìn vào sơ đồ Hầm Hô để xác định lộ trình.



Bạn nhìn đi! Trên sơ đồ này bạn chú ý đến điểm nào nhất? Nếu giống tui, bạn sẽ quan tâm đến... Ờ, phải rồi, đá Bóp Vú!

6 thg 6, 2015

Chiều ở biển Nhơn Lý

1.
Nhơn Lý thuộc thành phố Quy Nhơn, nhưng là xã, không phải phường. Xã Nhơn Lý nằm trên bán đảo Phương Mai, cách Quy Nhơn bởi đầm Thị Nại. Trước kia, khi chưa có cầu Thị Nại, việc lưu thông từ Quy Nhơn sang xã Nhơn Lý rất khó khăn nên nơi đây là xã nghèo, ít dân cư. Cầu Thị Nại được xây dựng xong năm 2006 (cho đến giờ vẫn là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam: 7 km) với mong muốn phát triển kinh tế cho bán đảo Phương Mai. Đến nay đã gần 10 năm, kinh tế nơi đây có phát triển hơn... một chút!


Xã Nhơn Lý là phần tô hồng trên bản đồ.

Nhơn Lý có diện tích 12 km2, dân số khoảng dưới 10.000 người (mật độ chỉ khoảng 800 người/km2). TP Quy Nhơn đang quy hoạch Nhơn Lý thành khu du lịch biển. Cũng từ đó người ta nghe nói đến những điểm du lịch đẹp của nơi này: Eo Gió, bãi Kỳ Co, hòn Sẹo...

3 thg 6, 2015

Quy Hòa, thung lũng buồn tênh

Bạn có thể đến bệnh viện phong Quy Hòa từ khu mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng hay từ quốc lộ 1D. Dù đi đường nào bạn cũng đi qua đoạn đường đèo dài khoảng 3 km, vắng vẻ buồn tênh.

Không hiểu sự trầm mặc ấy có từ đâu. Vì số phận bi thương của những bệnh nhân phong (trong đó có Hàn Mặc Tử) hay vì khung cảnh nơi đây vốn dĩ đã hoang sơ, quạnh quẽ? Có lẽ là cả hai.

Năm 1929, khi tìm ra thung lũng Quy Hòa, linh mục Paul Maheu đã thấy rằng đây là nơi lý tưởng để điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân phong, căn bệnh mà ngày ấy còn bị coi là nan y và bệnh nhân bị người đời hất hủi. Thung lũng Quy Hòa ở tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, giúp người bệnh tránh được cái nhìn ghê sợ của xã hội, giúp họ an dưỡng tinh thần giữa thiên nhiên hiền hòa. Làng phong Quy Hòa ra đời trong bối cảnh như vậy, tất phải mang dáng vẻ quạnh hiu.

2 thg 6, 2015

Xứ đạo Quy Hòa và những người nữ tu phục vụ bệnh nhân phong

Cuối thập niên 1920, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa cách Quy Nhơn khoảng 5 km. Ông có tâm niệm tạo một không gian gián cách với thế giới bên ngoài để xây dựng khu điều trị bệnh phong. Trại phong Quy Hòa được thành lập năm 1929 do linh mục Paul Maheu và bác sĩ Le Moine (là người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn bấy giờ).

Toàn cảnh bệnh viện phong trước năm 1936

Đức Giám mục Tardieu (Đức Cha Phú) lúc bấy giờ là đại diện Tông Toà giáo phận Quy Nhơn đã có lời mời các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đến Việt Nam phục vụ người phong tại Quy Hòa. Sr Bề trên Marie De Saint Michel đã mau mắn vui vẻ nhận lời. 

1 thg 6, 2015

Dinh Trấn Biên nằm dưới lòng sông

Dinh Trấn Biên ở Biên Hòa

Tôi sống ở Biên Hòa, Đồng Nai. Do đó, dĩ nhiên tôi biết nơi đây là dinh Trấn Biên, được Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng lên từ năm 1698. Ở Biên Hòa giờ đây còn Văn miếu Trấn Biên, trường THPT Trấn Biên, Hội quán Trấn Biên...

Dinh Trấn Biên không ở Biên Hòa

Khi đến thăm nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên), tôi giật mình khi đọc thấy ở đây một sử liệu truyền giáo cho biết giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã có mặt tại dinh Trấn Biên khoảng năm 1641 - 1642 (trước khi Nguyễn Hữu Cảnh lập nên dinh Trấn Biên hơn 50 năm!), và vào thời điểm đó dinh Trấn Biên chính là vùng đất tôi đang đứng, tức là Phú Yên!

Nhà thờ Mằng Lăng ở Tuy An, Phú Yên

Sao kỳ vậy?