Tôi sống ở Biên Hòa, Đồng Nai. Do đó, dĩ nhiên tôi biết nơi đây là dinh Trấn Biên, được Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng lên từ năm 1698. Ở Biên Hòa giờ đây còn Văn miếu Trấn Biên, trường THPT Trấn Biên, Hội quán Trấn Biên...
Dinh Trấn Biên không ở Biên Hòa
Khi đến thăm nhà thờ Mằng Lăng (Tuy An, Phú Yên), tôi giật mình khi đọc thấy ở đây một sử liệu truyền giáo cho biết giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã có mặt tại dinh Trấn Biên khoảng năm 1641 - 1642 (trước khi Nguyễn Hữu Cảnh lập nên dinh Trấn Biên hơn 50 năm!), và vào thời điểm đó dinh Trấn Biên chính là vùng đất tôi đang đứng, tức là Phú Yên!
Nhà thờ Mằng Lăng ở Tuy An, Phú Yên
Sao kỳ vậy?
Câu trả lời là: Đó là một dinh Trấn Biên khác, được thành lập trước dinh Trấn Biên ở Biên Hòa gần 70 năm.
Đại Nam thực lục tiền biên chép: Năm 1629, “…Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên (khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là trấn biên. Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son…”. Vậy là dinh Trấn Biên được xây dựng năm 1629.
Trấn Biên là trấn giữ biên thùy. Thời điểm 1629, biên giới phía Nam của nước ta chính là Phú Yên, vì vậy Phú Yên được đặt tên là dinh Trấn Biên. Không đầy 7 thập kỷ sau, Biên Hòa trở thành địa đầu phía Nam, vì vậy Biên Hòa đã thay thế Phú Yên để thành dinh Trấn Biên. Vai trò Trấn Biên của Phú Yên kết thúc.
Năm 1708, Mạc Cửu xin cho trấn Hà Tiên hội nhập vào Gia Định. Năm 1757, Nguyễn Cư Trinh sắp đặt xong nền hành chính tại xứ Tầm Phong Long (gồm các tỉnh ở Tiền Giang và Hậu Giang). Từ 1698 đến 1757 dài 60 năm, Biên Hòa không còn là vùng đất biên cương nữa. Năm 1808, dinh Trấn Biên - Đồng Nai đổi thành trấn Biên Hòa.
Dinh Trấn Biên nằm dưới lòng sông
Trong “Bản đồ Vương Quốc Annam” của Alexandre de Rhôdes có vẽ một tỉnh tên là “Province de Ranran”. Bắc giáp Quy Nhơn (Qui Nhin), Nam giáp Chiêm thành, ngang mũi Varella. Đó chính là tỉnh Phú Yên. Tỉnh ấy được vẽ thành ba nét, ba con sông. Một con sông nhỏ ở phía Bắc – đó là sông Cầu, một con sông lớn hơn ở giữa: sông Cái, một con sông lớn nhất ở phía Nam – chính là sông Đà Rằng. Thủ phủ của tỉnh này được giáo sĩ vẽ trên bờ con sông ở giữa, tức sông Cái, ở chỗ gần đổ ra biển, giáo sĩ ghi là “Dinh Phoan”.Đây chính là Dinh Phú An, hay Dinh Trấn biên lập năm 1629. Theo các sử liệu truyền giáo, giáo sĩ Đắc Lộ đã từng có mặt tại dinh Trấn biên năm 1641-1642. Bản đồ của ông in tại La Mã năm 1653, chắc chắn là bản đồ vẽ trong thời gian ở Việt Nam.
Dựa theo bản đồ này và các khảo cứu gần đây, các nhà nghiên cứu xác định rằng hiện nay dinh Trấn Biên Phú Yên đã nằm sâu dưới dòng sông Cái (tức sông Kỳ Lộ), tỉnh Phú Yên.
Nơi được xác định là vị trí xây dinh Trấn Biên ngày xưa. Ảnh: Ths Nguyễn thị Ngọc Hiệp
Trăm năm dâu bể
Xe đưa chúng tôi rời Tuy An, qua cầu Ngân Sơn. Bên dưới cầu là dòng sông Cái đang cuộn chảy. Dinh Trấn Biên ngày xưa giờ nằm đâu dưới dòng sông này nhỉ?
Từ 1629 đến nay là gần 400 năm. Vùng đất trấn biên của nước ta đã đi từ Phú Yên đến Biên Hòa rồi xa hơn nữa, đến tận mũi Cà Mau. Thời gian cũng đã đủ để một dinh Trấn Biên trấn giữ biên cương ngày nào chìm sâu dưới dòng nước.
Xe đưa tôi đi từ Trấn Biên Phú Yên về lại Trấn Biên Biên Hòa. Cả hai nơi bây giờ đều không là trấn biên nữa. Trăm năm sau điều gì sẽ tới nhỉ?
Cầu Ngân Sơn bắc qua sông Cái, Phú Yên
Phạm Hoài Nhân
Tui thích trăm năm sau "Trấn Biên" nằm ở khoảng Xiêm Riệp (Siem Reap) nha anh Nhân!
Trả lờiXóa