31 thg 12, 2017

Dọn mình cho năm mới

Nhân dịp cuối năm, báo Khoa học phổ thông của Mỹ (Popular Science) có bài viết về những thói quen công nghệ xấu cần phải "xử" trong năm mới. Chả có gì lạ, nhưng đúng là... biết vậy mà hổng chịu làm vậy! Bài viết của tác giả David Nield nêu ra tới 12 thói quen, nhưng tui... thích bỏ bớt, nên chỉ ghi lại đây 10 thôi. Coi như là theo ý tui thì chỉ "xử" 10 thói quen này thôi!



Thành phố lúc bình minh


Lúc này là cuối năm nên trời lâu sáng. Khi tui thức dậy (trước 5 giờ) thì bên ngoài trời vẫn còn âm u. Vệ sinh cá nhân, tập thể dục buổi sáng, ăn sáng để... uống thuốc, trời vẫn tối mịt. Thế rồi đến 6 giờ, khi tui chuẩn bị lên đường thì bỗng dưng sáng hẳn, như để nói ngày mới đã bắt đầu.

27 thg 11, 2017

Khởi nghiệp

1.
Bạn tui là một chuyên gia có tiếng, anh ấy là giảng viên dạy về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp đã mấy mươi năm nay. Ảnh kể câu chuyện này, tựa là "Trí khôn của loài cọp"


25 thg 11, 2017

Nhà quê ra thành phố

Từ sau 30/4/75, tui ở miết Long Khánh, hổng có dịp đi Sài Gòn. Hừ, lúc đó làm gì có chuyện đi chơi, chỉ có làm chuyện vinh quang là đi lao động ở quê nhà thôi. Mãi tới mùa hè năm 1977 mới có dịp đi Sài Gòn, đó là đi thi đại học.

Hồi đó đi ra khỏi nơi cư trú là cả một sự trần ai gian khổ. Phải ra đồn công an xin Giấy phép đi đường, giấy tạm vắng - tạm trú... Ra bến xe mua vé xe cũng là chuyện không đơn giản, xe thì ít (chất lượng thì vô cùng cà chớn) mà người đi thì đông nên xếp hàng chờ mua vé xe cả tiếng đồng hồ nếu không có giấy ưu tiên (mà tui không phải gia đình cách mạng, không phải thương binh, lại càng không phải là liệt sĩ nên làm gì có giấy ưu tiên!).

Đây là giấy phép đi đường của tui, phải ra đồn công an xin mới được đi Sài Gòn để thi đại học. Tới nơi còn phải xin chứng thực tạm trú nơi đến để về trình báo.

24 thg 11, 2017

Sài Gòn trong tuổi thơ tui

Tuổi thơ tui là ý nói trước 1975, từ nhỏ cho tới 16 tuổi. Một thằng nhóc ở tỉnh lẻ Long Khánh, cách Sài Gòn 80 cây số. Hồi đó cơ hội duy nhứt để đi Sài Gòn chơi là dịp nghỉ hè mỗi năm. Đi Sài Gòn chơi là phần thưởng cuối năm học nếu mà học giỏi. Cũng may là hồi đó học giỏi đều nên thường là được thưởng, có năm vì lý do nào đó không đi được (đi thì phải có người lớn đi kèm, mà có khi người lớn hổng rãnh) thì mặt như cái mền. Mà cũng phải học lớp Ba, lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) mới được đi, như vậy tính ra suốt 16 năm ấy được đi Sài Gòn không quá chục lần!

Hồi đó, cả gia đình chỉ có cậu Hai là người thân sống ở Sài Gòn, bên Bến Vân Đồn, quận Tư. Mỗi lần đi là đi xe đò, ghé nhà cậu Hai, cậu chở đi chơi, ngủ lại đêm ở đó rồi bữa sau đi xe đò về. Có vậy thôi!

Câu hỏi đặt ra là: Đi chơi ở đâu?

Câu trả lời rất ngắn gọn và đơn giản: Nhà sách Khai Trí!


Nhà sách Khai Trí. Sài Gòn 1965. Ảnh: Mạnh Hải trên Flickr

22 thg 11, 2017

Từ trên cao nhìn thác Bản Giốc

Những ai đến thăm thác Bản Giốc cách đây hơn 3 năm sẽ không có dịp đứng trên núi cao nhìn xuống thác. Nếu đến thăm Bản Giốc bây giờ mà... làm biếng lên núi thì cũng vậy. May mà tui tới đây vào giữa năm 2017 và không ngại leo núi cho nên có được may nắm này.



Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013 và khánh thành ngày 15/12/2014. Chùa nằm ở lưng chừng núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 500 met, mà thác Bản Giốc chính là biên giới Việt - Trung (một phần thuộc Việt Nam, một phần thuộc Trung quốc), do vậy đây là ngôi chùa nơi biên cương Tổ quốc.

21 thg 11, 2017

Không vào hang cọp sao... biết đường chạy ra?

Cách thành phố Cao Bằng khoảng 90 km và cách thác Bản Giốc khoảng 3 km là một hang động kỳ vĩ mang tên động Ngườm Ngao (bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Khi đưa khách du lịch tham quan thác Bản Giốc, người ta thường đưa tham quan động Ngườm Ngao luôn vì hai địa điểm này rất gần nhau.

Động Ngườm Ngao được người Pháp phát hiện năm 1921, tuy nhiên mãi 75 năm sau, sau cuộc khảo sát của hội Khảo sát Hang động Hoàng gia Anh năm 1995 thì Việt Nam mới chính thức khai thác hang động (1996), đến năm 1998 động được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia. Theo khảo sát năm 1995 nói trên thì chiều dài hang động là 2.144 m, tuy nhiên gần đây Viện Khoa học Địa chất Việt Nam khảo sát và xác định lại chiều dài là 2.769 met với 3 cửa hang là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Ngườm Bản Thuôn.


Cửa động Ngườm Ngao

17 thg 11, 2017

Xuống biển, lên rừng


Thường khi đi Hồ Cốc, sau khi tắm biển thỏa thê thì người ta sẽ tiếp tục điểm đến khác là Suối nước nóng Bình Châu. Nơi này cách bãi biển Hồ Cốc khoảng 19 km, đi theo 1 trong 2 con đường như bản đồ.

14 thg 11, 2017

Thăm vườn ca cao ở Đồng Nai


Du khách đến Công viên Suối Mơ (Tân Phú, Đồng Nai) thường đi theo lộ trình sau: đi theo quốc lộ 20, tới ngã tư Tà Lài - Trà Cổ thì quẹo phải để tới Suối Mơ. Bạn có thể thử đi khác một chút như sau: Quẹo phải sớm hơn, ngay tại ngã ba Phú Hòa rồi đi về hướng Công viên Suối Mơ (xem bản đồ).

13 thg 11, 2017

Thác Mai cuộn chảy giữa rừng già

Thác Mai và Suối Mơ, 2 thắng cảnh của Đồng Nai

Trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, đoạn ngang qua tỉnh Đồng Nai bạn sẽ có 2 điểm rẽ phải để tới 2 thắng cảnh. Ở khoảng 45 km kể từ đầu quốc lộ 20 (ngã ba Dầu Giây) có một điểm rẽ phải để đến Thác Mai, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Nếu vẫn tiếp tục đi trên quốc lộ 20 khoảng 13 km nữa mới rẽ phải thì bạn sẽ đến Suối Mơ, thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.


Thác Mai

10 thg 11, 2017

Suối Mơ, bên rừng thu vắng...

Suối mơ bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...

Không cần đợi tới mùa thu, bạn có thể đến suối mơ bên rừng bất cứ lúc nào để ngắm nhìn dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. Đến vào mùa hè càng hợp lý hơn, vì khi ấy bạn tạm thời tránh khỏi cái nắng nóng và khói bụi của thành phố để hòa cùng dòng suối mát mẻ và cánh rừng trong lành.

Ở Trà Cổ, huyện Tân Phú, Đồng Nai, có hàng chục con suối len lỏi giữa rừng xanh để đổ ra hồ nước long lanh, người dân gọi tên chung là suối Mơ. Cảnh thiên nhiên hoang sơ đẹp tuyệt vời nhưng không nhiều người biết và đến vì đường đi khó khăn. Thế rồi có nhà đầu tư biến nó thành Công viên Suối Mơ, điểm du lịch cho mọi người. Đương nhiên là có sự đánh đổi, phần nào đó nét hoang sơ đã được bê tông hóa để có những con đường, có những địa điểm tiện nghi cho con người đến thưởng ngoạn thay vì lang thang giữa rừng hoang. May thay, bàn tay tôn tạo của con người vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên của suối Mơ, khiến cho nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.




6 thg 11, 2017

Phiêu diêu đỉnh đèo

Với nhiều người, Mã Pí Lèng là con đèo hiểm trở nhất, hoặc ít nhất là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam (gồm: Mã Pí Lèng, Pha Đin, Khau Phạ và Ô Quy Hồ). Hiểm trở nhất, chứ không phải dài nhất, vì Mã Pí Lèng "chỉ" dài 20 km (dài nhất là đèo Khánh Vĩnh nối Nha Trang và Đà Lạt, 33 km). Hiểm trở, vì phải lên nhiều dốc thật cao, qua nhiều cua thật gắt. Kỳ vĩ,vì giữa cao nguyên đá chập chùng, mây ở dưới chân, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm lởm chởm đá tai mèo.


Một đoạn đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: PHN

2 thg 11, 2017

Công tử Bạc Liêu, dù sao cũng đáng yêu!

Nào giờ cứ nghe tới danh Công tử Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay tới hình tượng công tử nhà giàu chơi ngông, kèm theo chút ác cảm. Chút ác cảm này phần lớn được tạo nên bởi sự dạy dỗ của ai đó rằng hễ là giới địa chủ thì tất nhiên phải tàn ác, bóc lột tá điền, mà cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu - là công tử nhà giàu, con địa chủ ắt phải là kẻ tệ hại!

Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu, hiện nay là điểm tham quan do ngành văn hóa - du lịch quản lý. Lưu ý rằng ở ngay cạnh ngôi nhà này là khách sạn mang tên Công tử Bạc Liêu thì lại không phải là nhà gia đình ông Trần Trinh Trạch mà là của người khác.

1 thg 11, 2017

Phố cổ Đồng Văn giữa lòng núi đá

Thị trấn Đồng Văn nằm trên cao nguyên đá, ở độ cao 1.000 đến 1.600 met so với mặt nước biển. Những năm 1880, khi người Pháp chiếm đóng nơi này thì cao nguyên đá là nơi cung cấp thuốc phiện lớn nhất, họ quy hoạch và xây dựng phố Đồng Văn như là một điểm giao thương. Phố Đồng Văn lọt thỏm giữa bốn bề núi đá bao bọc tạo nên cảnh quan và kiến trúc đặc sắc, trong đó ngôi chợ được xây dựng bằng đá năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến bây giờ.

Cách TP Hà Giang chỉ 150 km nhưng đường đèo dốc khúc khuỷu nên xe đi đến Đồng Văn mất khoảng 5 tiếng. Lại nữa, hành trình từ Hà Giang sang Đồng Văn, du khách sẽ dừng tham quan nhiều điểm lý thú như: Cổng trời Quản Bạ, thung lũng Sũng Là, dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú... nên khi đến Đồng Văn là trời đã tối và... người đã đuối!

Đêm lòng vòng trong thị trấn Đồng Văn và dạo một chút ở phố cổ chưa đủ để cảm nhận nét lạ của nơi này (nhất là trong tình trạng mệt nhừ), sáng hôm sau lại phải rời đi sớm rồi, nên tui quyết định buổi sáng phải dậy sớm hơn nhiều để lang thang và uống cà phê phố cổ. Và đây là những hình ảnh trong buổi sáng ấy.


Cổng chợ

30 thg 10, 2017

Chờ ở dinh vua Mèo

Không, không phải chờ đợi ai cả, đây chỉ là nói về cô Vương thị Chờ, hậu duệ đời thứ 4 của vua Mèo Vương Chính Đức, hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch tại dinh nhà Vương ở Đồng Văn.

Dinh vua Mèo ở Đồng Văn, Hà Giang là một kiến trúc quá độc đáo, quá nổi tiếng. Những câu chuyện, thật lẫn huyền thoại về vua Mèo cũng đầy sức hấp dẫn. Vậy nên đã tới Hà Giang thì phải viếng thăm nơi đây thôi.


Lối vào Dinh Vua Mèo

29 thg 10, 2017

Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo

Trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Ừm, biết bao người thành đạt quay về mái trường xưa (trong đó người có chức vụ cao nhứt là phó thủ tướng), bao kỷ niệm được gợi lại... Kỷ niệm nào cũng là kỷ niệm, tui xin được góp vui bằng những kỷ niệm nho nhỏ của mình...

Đó là những ngày ăn cơm tập thể ở nhà ăn B10.

Hồi đó (cuối 197x, đầu 198x), sinh viên ở ký túc xá ăn cơm tập thể. Phiếu ăn 15 đồng ăn một tháng (30 ngày, ngày 2 bữa). Chất lượng thì miễn chê nhe. Món canh hồi đó được gọi là canh toàn quốc (canh toàn là... nước). Thực khách của nhà ăn tập thể đã lấy bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến để vịnh bữa ăn như vầy:



26 thg 10, 2017

Chùa Miểng Sành - quận 8

Ở Đà Lạt có chùa Ve Chai, ở Sóc Trăng có chùa Chén Kiểu, còn ở Sài Gòn thì có chùa Miểng Sành. Tất nhiên đó không phải là tên chính thức mà là dân gian tự đặt, dựa trên đặc điểm của những ngôi chùa này: kiến trúc trong chùa được tạo nên bằng cách ốp các miểng chai, sành, sứ... tạo nên nét mỹ thuật độc đáo.

Chùa Miểng Sành chính tên là An Phú, tọa lạc tại đường Phạm Hùng, phường 10, quận 8, gần cầu Nguyễn Tri Phương. Đây là một ngôi chùa cổ, theo tư liệu [1] chùa được tạo lập năm 1847, đến nay là 170 năm.

Một ngôi chùa cổ, mang cái tên mộc mạc là Miểng Sành, tọa lạc tại một quận vùng ven - với những ý niệm ấy, bạn sẽ hình dung ra trong đầu một ngôi chùa đơn sơ, thanh tịnh. Thế rồi khi đến nơi, bạn sẽ... bị choáng, bởi vì ngôi chùa quá bề thế. Bước vào trong, bạn sẽ... choáng thêm lần nữa, vì ngôi chùa quá lộng lẫy.


Cổng chùa

25 thg 10, 2017

Giấc mơ một loài cỏ

Giấc mơ một loài cỏ là một truyện dài của nhà văn Duyên Anh mà tui rất yêu thích thuở nhỏ. Câu chuyện kể về giấc mơ mãi mãi không thành của cậu bé đánh giày lang thang trên hè phố Sài Gòn. Nhắc lại câu chuyện này ở đây thì không hợp lắm, trong bài viết lan man này tui chỉ mượn cái tựa thôi...




23 thg 10, 2017

Đi Campuchia đi!


Tui tính đi du lịch Campuchia, nên tui gặp bạn Cường thân mến của mình để hỏi ý kiến.


Bạn Cường của tui rất rành Campuchia. Ảnh nói Phnông Pênh,Xiêm Riệp gì ảnh cũng đã đi nát nước rồi. Tui hỏi ảnh biết tiếng Khmer hông? Ảnh nói đủ để nói chuyện, mà biết đàng hoàng chớ hông phải chỉ vài câu như "Sóc Xờ-bai" hay "Boong sro lanh on" thôi đâu. Tui mừng lắm, nói ảnh làm hướng dẫn viên cho tui đi du lịch Campuchia. Ảnh nói "Chuyện nhỏ", ảnh còn có thể làm hơn vậy nữa, thí dụ như nói với mấy má Khmer giới thiệu... con gái cho tui làm quen.

20 thg 10, 2017

Tôi ra thăm đồng đêm tối không trăng không sao

Hồi còn nhỏ, tui thường nghêu ngao mấy câu hát này:

Tôi ra thăm đồng đêm tối không trăng không sao
Tôi ra thăm đồng đêm tối không trăng không sao
Trên cây cao cao có con ma trơi đang đi
Trên cây cao cao có con ma trơi đang đi

Không ai dạy, chỉ có con nít đứa này bắt chước đứa kia nên lời hát có khác nhau chút chút, đứa này thuộc dài, đứa nọ thuộc ngắn. Đại khái mấy câu đầu giống nhau như vậy. Thường hát khi đi ra chỗ vắng, ban đêm, có ý nhát ma. Tui chả biết bài hát đầy đủ như thế nào, xuất xứ từ đâu.

Gần đây, vì hoài cổ, tui tìm hiểu trên mạng mới phát hiện ra bài gốc là một bản nhạc Pháp, tựa đề Il était un petit navire (Đó là một con thuyền nhỏ). Nội dung bài hát không có liên quan đến ban đêm hay ma quái gì ráo!



19 thg 10, 2017

Ăn quà vặt ở chợ đêm Phú Quốc

Tui ít khi đi chợ, lại càng ít ăn quà vặt, nên khi đi chợ đêm ăn quà vặt thì thấy cái gì cũng lạ, cũng hay. Vậy nên tui kể lại đây, ai đã từng ăn quà vặt nhiều, thấy đây là những chuyện quá bình thường thì cũng xin thông cảm nghen, đừng trách: Có vậy mà cũng kể!

Vừa bước chân vô đầu chợ đêm Phú Quốc ở đường Bạch Đằng là đã được các cô nàng, anh chàng áo đỏ mời ăn đậu phộng rồi. Đậu phộng Chouchou! Đây là đậu phộng rang, tẩm ướp nhiều loại gia vị khác nhau.


11 thg 10, 2017

Ai tới đình Bình Đông?

Bến Bình Đông mang tên ấy vì nó thuộc một thôn ngày xưa tên Bình Đông. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thôn Bình Đông thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (1818). Đã có thôn Bình Đông, tất có đình Bình Đông. 

Đình Bình Đông nằm ở thôn Bình Đông, nhưng không nhất thiết phải nằm ở bến Bình Đông. Ngôi đình này tọa lạc tại phường 7, quận 8, trên một cù lao nhỏ mang tên cù lao Bà Tàng, muốn đến đây phải đi đò.

10 thg 10, 2017

Ai qua bến Bình Đông?

Năm 1776, 1777, quân Tây Sơn tàn phá Cù lao Phố (Biên Hòa) - nơi phố thị sầm uất bậc nhất miền Nam thuở ấy - người Hoa đang kinh doanh, sinh sống tại đây chạy về vùng Chợ Lớn gầy dựng lại cơ nghiệp. Cộng đồng người Hoa đã gầy dựng bến Bình Đông dọc theo hai bờ kinh Tàu Hũ thành một trung tâm quan trọng của vựa lúa miền Nam, kết hợp các nhà máy xay lúa - vựa lúa gạo - bến bãi. Bến Bình Đông trở thành một nơi tấp nập "trên bến, dưới thuyền", là nơi mua bán, xay xát và xuất khẩu lúa gạo quan trọng bậc nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn.

Bến Bình Đông 2017

9 thg 10, 2017

Cột cờ Lũng Cú và cực Bắc Việt Nam

Các tour du lịch thường đưa khách đến tham quan cột cờ Lũng Cú và giới thiệu rằng đây là cực Bắc Việt Nam. Thật ra, chỉ cần coi bản đồ Google cũng có thể thấy ngay đây chưa phải là cực Bắc, mà còn cách cái mũ nhọn trên đỉnh bản đồ... một lóng tay. Trên thực địa cái lóng tay ấy dài khoảng 2 km! Các phượt thủ xác định rằng điểm cực Bắc (đỉnh nhọn trên bản đồ) là nơi dòng sông Nho Quế từ Trung quốc chảy vào Việt Nam.

6 thg 10, 2017

Những cụm đường mang tên ngồ ngộ ở Sài Gòn

1.
Ở phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, các con đường dọc mang tên là những khái niệm như: Dân Chủ, Bác Ái, Công Lý, Thống Nhất, Đoàn Kết, Hữu Nghị, Hòa Bình. Các con đường ngang mang tên các nhà trí thức, bác học cả Việt Nam lẫn nước ngoài, như: Lê Quý Đôn, Hồng Đức (tức Lê Thánh Tôn), Einstein, Khổng Tử, Lương Khải Siêu, Tagore, Pateur, Hàn Thuyên, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến.



Nghe kể rằng theo quy hoạch Làng đại học Thủ Đức hồi cuối thập niên 1960 thì nơi đây thuộc Làng và là khu nhà ở (dạng biệt thự) cho các giảng viên đại học. Chính vì vậy, các tên đường trong khu này đầy vẻ trí thức. Bây giờ nơi đây không còn là làng đại học (mà chủ yếu là... nhà hàng, quán ăn, như ta thấy trên bản đồ) nhưng đi trên các con đường Tagore, Einstein, Bác Ái, Dân Chủ...  có cảm giác rất thú vị.

5 thg 10, 2017

Chuyện của Pao và... chuyện của tao!

Giữa vùng núi đá của cao nguyên đá Đồng Văn, có một nơi tương đối bằng phẳng, đó là thung lũng Sủng Là. Thuở xưa, nơi đây sinh sống và giàu có chủ yếu bằng một thứ cây nổi tiếng: thuốc phiện. Vì vậy, Sủng Là còn được gọi là Thung lũng thuốc phiện.

Ôm ấp trong lòng thung lũng Sủng Là là một thôn nhỏ mang tên thôn Lũng Cảm. Trong thôn có ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, là ngôi nhà lớn và đẹp, dùng làm nơi thu mua và kho chứa thuốc phiện.



4 thg 10, 2017

Tản mạn du lịch Hà Giang

Chỉ chừng 5 năm trước thôi, Hà Giang không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đây là một tỉnh ở vùng cao cực Bắc, đường sá xa xôi, khó đi và... không có gì hấp dẫn.

Lâu nay, các công ty du lịch mở tour Tây Bắc là đi các tỉnh Lào Cai - Sơn La - Lai Châu - Điện Biên, tour Đông Bắc là đi các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Kạn. Hà Giang ở đâu? Đông hay Tây? Hà Giang ở.. chính giữa, và không nằm trong tour nào hết!

Tháng 4/2010, cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Người ta bắt đầu để ý nhiều đến Hà Giang, nhưng cái tên công viên địa chất vẫn chưa đủ thu hút khách du lịch, vì... địa chất, đất đá thì có gì mà coi! Chỉ đến khoảng 5 năm gần đây, khi dân phượt tới đây chụp hình với hoa tam giác mạch và í ới rủ nhau trên mạng đi phượt Hà Giang để ngất ngây cùng tam giác mạch, để tìm cảm giác mạnh trên những cung đường đèo hiểm trở thì khách du lịch mới đổ xô đến đây.


Đồi núi chập chùng

3 thg 10, 2017

OK con gà đen!

Đi ăn ở cao nguyên đá Đồng Văn tui tình cờ thấy trong chuồng gà mấy con gà đen thui như vầy:



Không kể con gà màu trắng, 2 con màu vàng và mấy con có mồng màu đỏ, hãy chú ý tới mấy con đen thui thùi lùi.

2 thg 10, 2017

Núi Cô Tiên, có 2 Núi Cô Tiên và...

Núi Cô Tiên, có 2 Núi Cô Tiên!

Ấy là tui chỉ kể những núi nổi tiếng mà tui biết thôi, chớ cái tên Cô Tiên đẹp quá này chắc là còn nhiều chỗ đặt tên lắm.

Núi mà tui muốn kể trước tiên là Núi Cô Tiên ở Quản Bạ, Hà Giang với tên gọi đầy đủ là Núi Đôi Cô Tiên, hay thường được nhắc đến với cái tên quen thuộc hơn, là Núi Đôi. Ờ, không phải là núi của 2 cô tiên đâu, mà là núi đôi của cô tiên!

Núi Đôi Cô Tiên nằm bên quốc lộ 4C, cách TP Hà Giang khoảng 45 km, thuộc địa phận huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Giữa vùng núi non trùng điệp, có hai trái núi tròn trịa, nằm cân đối bên nhau y như khuôn ngực đầy đặn của nàng thiếu nữ. Cặp đôi này đẹp và nổi tiếng đến mức bên quốc lộ người ta làm một trạm dừng chân, gọi là Cổng Trời Quản Bạ, ở đó du khách có thể lên dốc cao để từ trên nhìn xuống, ngắm núi đôi của cô tiên cho thỏa.


1 thg 10, 2017

Theo dòng sông Lô

Trong chúng ta, ai cũng từng biết đến sông Lô vì nhiều lẽ. Thứ nhất là do bài học địa lý thuở nhỏ, sông Lô là một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc (sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Đáy). Thứ hai là bài học lịch sử từ trường học và sách vở, sông Lô là nơi đánh thắng giặc Pháp, là phòng tuyến của nhà Mạc ngăn sự tiến đánh của nhà Lê, là phòng tuyến chống quân Nguyên thời nhà Trần. Thứ ba - có lẽ nhớ lâu nhất nếu đã quên hết địa lý, lịch sử - là âm nhạc. Có nhiều bài hát về sông Lô, trong đó cả 2 cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đều có bài hát hay về con sông này: Văn Cao với Trường ca sông Lô, Phạm Duy với Tiếng hát trên sông Lô.

Sông Lô, đoạn đi qua phía Nam tỉnh Hà Giang. Ảnh: Wikipedia

29 thg 9, 2017

Đi ăn ở vùng cao

Trên đường ra Hà Giang, tour du lịch đưa tụi tui ăn trưa ở Tuyên Quang, chỗ này nè:



Trong 4 món kể trên tui chỉ chắc chắn mình hiểu có một món thôi, đó là cá sông Lô (tui hiểu là con cá bắt ở sông Lô, con sông đi qua Tuyên Quang). Gà cựa, chọi thì không chắc, nhưng cứ đoán mò rằng đó là gà có cựa, gà chọi, tức là loại gà dũng sĩ (mà như vậy thịt nó ăn có ngon hông ta? chắc cứng ngắc!). Còn gà xí mần, trâu giật thì chịu thua, không biết là gì!

25 thg 9, 2017

Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai

Tui hiếm khi đi du lịch theo tour, mà đi rồi cũng không biết nên kể cái gì. Bởi vì với lịch trình và thời gian đã định sẵn của công ty du lịch mình ít có dịp khám phá thêm điều gì mới, thông tin và hình ảnh thì công ty du lịch đã có sẵn và có tới... một tỷ bài viết của người khác kể về những điểm đến ấy rồi, mình có kể nữa cũng nhàm. Nhưng mà để lâu sợ quên, nên xin ghi lại đây như cảm nhận và nhật ký cá nhân thôi... Đây là kể về chuyến đi Đông Bắc (Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn) theo tour, tháng 4/2017.
---
Thôn Hạ Thành là một vùng thấp của xã Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang, được bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang xếp nối nhau. 
Thôn có 117 hộ với gần 600 nhân khẩu là người dân tộc Tày. Từ cuối năm 2011, nơi đây được công nhận là Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng và sinh thái.

Từ Hà Nội lên thì còn cách thành phố Hà Giang khoảng 6 km là đến thôn Hạ Thành, các tour du lịch thường chọn đây là điểm tham quan đầu tiên trước khi vào thành phố.

19 thg 9, 2017

Bà mẹ phù sa

Mấy nay coi vài tập đầu bộ phim Vietnam War, chợt nhớ quay quắt những năm chiến tranh đầu thập niên 1960, hồi tui còn là thằng nhỏ bé tí, nhớ một bài hát quen thuộc lúc đó: bài Bà mẹ phù sa của Phạm Duy.



Hồi đó đâu khoảng 1964, 1965, tui mới 5, 6 tuổi, còn ở nhà ngoại chớ ba má chưa có nhà riêng. Lúc đó nhà ngoại có cái máy hát dĩa (thời đó chưa có băng cassette đâu nghen). Mà cũng chỉ có vài ba cái dĩa hát thôi, trong đó có dĩa hát bài Bà mẹ phù sa. Vậy nên tui nghe đi nghe lại bài này tới... 1.002 lần, thuộc như cháo!

12 thg 9, 2017

Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

AFP vừa có một bài viết đáng chú ý về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) với tựa đề "Chợ nổi Việt Nam đấu tranh để tồn tại trên mặt nước", mà VnExpress vừa biên dịch, đăng tải với cách dùng chữ khá đắt: Chợ nổi miền Tây đang "sống mòn" (bài trên VnExpress và bài gốc tiếng Anh xin tham khảo tại đây). Qua cái nhìn của phóng viên AFP trong bài viết trên, chợ nổi Cái Răng chỉ còn là cái bóng của chính nó trong quá khứ (the Cai Rang market is a shadow of its former self).

Tôi đến chợ nổi Cái Răng lần đầu cách nay lâu lắm rồi, chắc phải trên 15 năm. Hồi ấy quả là chợ nổi rất nhộn nhịp, ghe thuyền tấp nập, tạo nên một khung cảnh, một bản sắc văn hóa rất đặc biệt của miền sông nước.


6 thg 9, 2017

Bún quậy Phú Quốc

Nếu Hà Nội có "bún chửi" thì Phú Quốc có "bún quậy". Nghe cứ như là đối với nhau chan chát, chủ mà chửi khách thì khách quậy chủ. Ý, nhưng mà hổng phải vậy đâu nghen. Miền Nam hiền queo à, quậy đây không phải là quậy phá đâu! Vậy chớ là cái gì?

Ờ, giống như người ta nói: Uống rượu hổng có quậy, uống cà phê mới quậy! Quậy là khuấy, là trộn đều, giống như uống cà phê thì quậy cho tan đường thôi mà!

Phú Quốc có quán bún nổi tiếng là Bún quậy Kiến Xây. Quán này luôn đông khách. Ngon là một lẽ (lẽ này cũng chưa chắc lắm, vì ngon hay không là tùy khẩu vị của khách), nhưng lý do quan trọng là cái tên quậy của nó và cung cách phục vụ lạ gây tò mò. Tui cũng là một trong những người tò mò nên mò tới ăn thử coi sao.



5 thg 9, 2017

Về quê ngoại

Đâu đó hồi năm tôi học lớp Ba tiểu học, có một bài Học thuộc lòng mà tôi thuộc (học thuộc lòng mà) mãi tới tận bây giờ

Về quê ngoại

Một buổi hoa vàng ngập lối đi
Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về
Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm
Người vẫn hằng mong trở lại quê

Cau trắng bà phơi ở trước thềm
Ngỡ ngàng khi thấy bóng quen quen
Dừng tay bà vội lần ra ngõ
Cạnh bức tường rêu dụi mắt nhìn

Sau phút hàn huyên ôm lấy tôi
Nhớ thương bà chẳng nói nên lời
Trên đôi gò má nhăn nheo ấy
Giọt lệ vui mừng khẽ khẽ rơi...

4 thg 9, 2017

Bánh canh Phú Quốc

10 năm trước, tui ra Phú Quốc cùng bạn bè. Các anh dẫn tui đi ăn sáng ở quán bánh canh bình dân mà các anh giới thiệu là ngon nhứt Phú Quốc. Tui chả nhớ nổi ở đâu (vì mới ra Phú Quốc lần đầu, hồi đó chưa xài Google Maps nên chỉ biết bạn dẫn đâu mình đi đó) và cũng chả nhớ quán tên gì (vì hình như chả thấy tên quán). Chỉ nhớ một điều là... ngon!


Gọi là quán, thật ra chỉ có xe bánh, chung quanh bàn thấp và che dù vậy thôi, nhưng người ăn đông lắm.

31 thg 8, 2017

Triệu người quen, có mấy người thân?

Có khi nào bạn ngồi trước trang Facebook của mình, nhìn số bạn bè trên đó và tự hỏi: Triệu người quen, có mấy người thân? Một nghiên cứu của giáo sư Robin Dunbar, trường đại học Oxford, đã cho câu trả lời hơi rầu: với bạn bè trên Facebook thì Triệu người quen, có... bốn người thân!

Mà khoan đã, trước khi xem kỹ kết quả nghiên cứu này, ta hãy dừng một chút để định nghĩa...

“Bạn” nghĩa là gì?



22 thg 8, 2017

Bánh xèo chợ Kỷ Niệm, Biên Hòa

Hôm trước, tui có nhắc tới chợ Kỷ Niệm ở Biên Hòa, luôn tiện nhắc tới món vang danh ở đây là bánh xèo. Nay xin mượn bài của anh Bùi Thuận để nói thêm về món bánh xèo nổi tiếng này, bài anh viết đã lâu (năm 2006), đã đăng trên báo Đồng Nai và sau đó tập hợp lại trong sách Đậm đà hương vị Đồng Nai. Tui mượn thêm một số hình ảnh trong video clip của trường dạy nghề Rosa để minh họa, đồng thời tán dóc thêm một chút ở dưới. Cảm ơn anh Bùi Thuận, Rosa và cả chị Nga bánh xèo chợ Kỷ niệm về những nội dung này.

Bánh xèo chợ Kỷ Niệm

Nhà báo Châu Đức Trí, công tác ở Đài truyền thanh TP. Biên Hòa đã trên 30 năm và lại là cháu ngoại của nhà cách mạng Nguyễn Văn Nghĩa (tên ông được đặt cho một con đường ở Biên Hòa). Thế mà khi đến nhiều công sở, cơ quan ở thành phố để dự họp hoặc làm việc, anh cứ hay bị chị em những nơi này gọi to: "Anh... chồng của bà bán bánh xèo ở chợ Kỷ Niệm!". Không ít lần anh Châu Đức Trí suy bì: "Mình làm ở đài lâu năm như vậy mà ... "danh tiếng" lại thua xa bà vợ bán bánh xèo chưa đến 20 năm!". 

Bánh xèo chợ Kỷ Niệm. Ảnh: Rosa Media

19 thg 8, 2017

Tam Tông Miếu - Long đong số phận một ngôi chùa

Nghe 3 chữ "Tam Tông Miếu" mọi người (ở miền Nam) đều nghĩ ngay đến một loại lịch dùng để xem ngày tốt xấu. Một số ít người khác biết thêm rằng đây là tên một ngôi chùa ở đường Cao Thắng, Sài Gòn, nơi biên soạn và phát hành những bộ lịch này (trước 1975).

Ấy, xin dừng lại một chút ở cái tên Chùa Tam Tông Miếu. Đã "chùa" sao lại còn "miếu"? Bạn có thấy kỳ không?

Nói thiệt, cho tới gần đây, tui vẫn nghĩ Tam Tông Miếu là một ngôi chùa, tức là nơi thờ Phật. Nhưng đi tới nơi rồi, tìm hiểu thêm thì mới biết không phải. Tam Tông Miếu đâu phải là ngôi chùa Phật giáo! Vậy Tam Tông Miếu là gì?

Tam Tông Miếu là cơ sở tín ngưỡng của Minh Lý đạo, và tên chính thức Minh Lý đạo gọi nơi đây là: Thánh Sở Tam Tông Miếu.


Thánh sở Tam Tông Miếu, tại 82 Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn

17 thg 8, 2017

Phú Quốc ở miền nào?

Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang thuộc miền Tây Nam bộ. Vậy Phú Quốc ở miền Tây Nam bộ. Có người sẽ nói: Đơn giản vậy mà cũng hỏi!


Nhớ hồi 2007, cùng nhóm bạn đi Phú Quốc chơi. Dẫn đoàn là anh Trần Kiêm Đính, người ở Cần Thơ nhưng rất nặng tình với Phú Quốc. Tiếp đoàn ở Phú Quốc là cha con bạn Trịnh Công Phát, những người gắn bó với hòn đảo này đã biết bao năm. Những buổi dạo chơi, trò chuyện, những bữa ăn thân mật đúng là thấm đẫm chất Phú Quốc và miền Tây Nam bộ. Một chuyến đi đáng yêu và đáng nhớ.

14 thg 8, 2017

Ánh trăng Khmer

Cả nước Việt Nam có hơn 15.000 ngôi chùa, trong đó hầu hết là chùa Bắc tông, chùa Nam tông chỉ có 539 ngôi (hơn 3%). 539 ngôi chùa Nam tông ấy tập trung chính ở miền Tây Nam bộ và chủ yếu là Nam tông Khmer. Thí dụ, riêng Trà Vinh đã có tới 141 ngôi chùa Nam tông Khmer.

TPHCM có hơn 1.000 ngôi chùa, nhưng chỉ có 19 ngôi chùa Nam tông (dưới 2%). Khác với miền Tây, ở TPHCM chùa Nam tông chủ yếu là của người Việt, cả thành phố chỉ có 2 ngôi chùa Nam tông Khmer thôi. Đó là chùa Chantarangsay ở 164/235 đường Trần Quốc Thảo, thuộc phường 7, quận 3 và chùa Pothiwong ở 1985B Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình.

Chùa Chantarangsay là ngôi chùa Nam tông Khmer to và đẹp nhất ở TPHCM (chùa Pothiwong to và đẹp... nhì!).

Cổng chùa

13 thg 8, 2017

Chạy như tôm tươi

Tui có gã bạn là nhà văn. Gã vừa in được một tập truyện ngắn và mang đến tặng tui. Tui chia vui và hỏi: Sao? Sách bán chạy hông? Nhuận bút có khá hông?

Gã cười hề hề: Sách biếu chạy như tôm tươi!


Mới nghe, tui tưởng gã nói “sách bán chạy như tôm tươi”, tính chúc mừng thì bỗng hiểu ra, tui hỏi lại:
Vậy... bán được có nhiều không?

Gã tỉnh queo trả lời: Tui đâu có biết! Chuyện đó là của bên xuất bản và phát hành. Còn tui, phải bù thêm tiền vợ vô tiền nhuận bút mới đủ mua sách biếu đó!

Tui thắc mắc: Vậy thì ông sống thế quái nào được với cái nghề nhà văn?

Gã vẫn cười hề hề: Tui sống bằng nghề khác chớ! Còn sách tui được in ra, có người đọc là tui khoái rồi. Biếu cũng được, bán cũng được... Miễn có người đọc! Hà hà!

Ra là vậy. Giá trị mà gã nhà văn này được hưởng trong việc in sách là giá trị tinh thần.
...

8 thg 8, 2017

Nhất Dương Chỉ - Nhị Thiên Đường - Tam Tông Miếu

Ai ở miền Nam ngày trước chắc đều biết hoặc nghe mấy câu: Nhất Dương Chỉ - Nhị Thiên Đường - Tam Tông Miếu... Tiếp theo là Tứ đổ tường - Ngũ Vị Hương - Lục tào xá. Ngộhay là bài đồng dao (hoặc vè) này ngoài việc đếm từ 1 tới 6 (Nhất đến Lục) nó còn liệt kê các hạng mục khác nhau. Từ một môn võ công (nhất dương chỉ), đến một loại dược phẩm (dầu gió Nhị Thiên Đường), văn hóa phẩm (lịch Tam Tông Miếu), tệ nạn xã hội (tứ đổ tường), gia vị (Ngũ vị hương), món ăn đường phố (lục tào xá). Nhận định theo kiểu truyền thông bây giờ là Tôn vinh Top thương hiệu của từng ngành hàng theo bình chọn của người tiêu dùng. Qua đó ta có thể biết được những thứ nổi tiếng của miền Nam thuở xưa (thập niên 1960, 1970).

Hai trong số 6 thương hiệu trên khá đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là tên sản phẩm mà còn là tên địa điểm nữa. Đó là Nhị Thiên Đường, vừa là tên một loại dầu gió, vừa là tên một chiếc cầu (gần nơi sản xuất dầu). Đó là Tam Tông Miếu, vừa là tên một loại lịch, vừa là tên một ngôi chùa (là nơi làm ra lịch).

Bài viết này chỉ lan man về lịch Tam Tông Miếu thôi, không nói về 5 cái top còn lại.

Lịch Tam Tông Miếu là gì?




26 thg 7, 2017

Chợ Năm Căn

Trước đây, quốc lộ 1A tới Năm Căn là hết. Từ Năm Căn ra tới mũi Cà Mau tận cùng đất nước bắt buộc phải đi bằng đường thủy. Du khách có thể chọn một trong hai cách để ra tới mũi Cà Mau. Một là khởi hành từ TP Cà Mau, đi tàu khách ra Đất Mũi, quãng đường (thủy) dài hơn 110 km. Hai là đi đường bộ tới Năm Căn rồi từ đó đi ca nô, vỏ lãi ra Đất Mũi, khoảng hơn 50 km. Tui đã từng ra Đất Mũi bằng cả 2 cách. Đi từ Năm Căn thì thú vị hơn. vì vừa có dịp dừng ở Năm Căn, vừa đỡ chán vì ngồi tàu khách quá lâu (khoảng 3 tiếng).

Đầu năm 2016, con đường nối từ Năm Căn tới Đất Mũi đã được thông xe. Từ ấy đã có thể đi một lèo tới Mũi Cà Mau bằng đường bộ.

Tui lại có dịp ra mũi Cà Mau vào tháng 4/2017. Đáng lẽ chạy thẳng bằng xe ra Đất Mũi, tui lại thèm và nhớ cái cảm giác bồng bềnh trên sông nước U Minh Hạ nên cho xe dừng ở Năm Căn và thuê vỏ lãi để ra Mũi.


Chợ Năm Căn ở vị trí phía ngoài bên tay phải của hình này, đi tới phía trước, rẽ trái đi dưới gầm cầu sang bên kia là bến tàu Năm Căn.

25 thg 7, 2017

Bún ốc Tây Hồ

Tui không phải là người thích ăn bún ốc (nghe nói phụ nữ thì thích ăn, nhưng tui... hổng phải phụ nữ!). Nhưng mà nghe nói một trong những món ngon PHẢI ĂN khi tới Hà Nội là bún ốc, mà phải là bún ốc Tây Hồ mới là số một nghen! Ờ, Tây Hồ, chớ hông phải hồ Tây. Tức là cũng ở bờ hồ Tây, nhưng phía bên phủ Tây Hồ á, chớ không phải ở đường Thanh Niên bên này. Người ta nói là ở đó ốc tươi mới bắt lên nên ngon, và blah blah blah... đủ thứ hết. Tóm lại là ngon khó cưỡng!

Ăn chơi ngại gì mưa rơi, nên tui qua tuốt bên Phủ Tây Hồ để ăn bún ốc.

Tô bún ốc Tây Hồ là đây.



18 thg 7, 2017

Chợ đêm Cà Mau

Trước khi nói về chợ đêm Cà Mau tui cần phải rào trước rằng tui vốn là người không quen đi chợ, nhưng nghe nói là đi du lịch thì phải đi chợ cho biết với người ta, với lại nghỉ đêm ở Cà Mau thì buổi tối lang thang ở chợ đêm cũng là việc... hợp lý. Vậy nên, tui... viết cho có (để chứng tỏ mình có đi chợ!), còn nhận xét có gì... ngu ngu thì mọi người cứ cười, nhưng đừng chê nghen!

Chợ đêm Cà Mau nằm ở các đường 6B, Phan Bội Châu và Quang Trung phường 7, cạnh sông Cà Mau. Nghe nói chợ đêm này mới dời về đây từ giữa năm 2015, sau 2 vị trí "bất ổn" khác ở đường Lưu Tấn Tài rồi An Dương Vương.


Nhiều trang mạng du lịch nói rằng chợ đêm Cà Mau là điểm đến hấp dẫn cho du khách, mang đậm sắc thái miền Tây và cực Nam tổ quốc, nhưng phải nói là dưới cặp mắt không chuyên nghiệp của tui thì chợ đêm này... hổng có gì đặc sắc hết, chẳng những không mang nét đặc thù Cà Mau mà còn không mang nét đặc thù chợ đêm nữa! Ngoài ra, không biết do tui đi không đúng thời điểm hay sao mà chợ rất vắng khách.

Ngay lối vào chợ đêm Cà Mau là các gian hàng quần áo, thời trang

Đi tìm di tích khảo cổ

Khu di tích khảo cổ Bình Tả ở Đức Hòa, Long An là một khu di tích quan trọng. Chẳng những đây là một khu di tích khảo cổ cấp quốc gia mà còn là nơi có bảo vật quốc gia nữa.

Khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh, được nhà khảo cổ học người Pháp Henry Parmentier. phát hiện đầu tiên vào năm 1910. Năm 1931 J. Y. Claeys khai quật một di tích kiến trúc được xây bằng gạch ở phía tây nam cụm di tích này (Gò Tháp Lấp), đến nay, di tích này đã bị hủy hoại, di vật bị thất lạc. Trong hai năm 1987-1988, Sở Văn hóa - Thông tin Long An phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM khai quật 3 di tích trong khu vực này, được gọi tên là: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước (Gò Xoài vì ngày xưa nơi đây là vườn xoài, Gò Đồn vì xưa đây là đồn lính, Năm Tước là tên chủ đất).

17 thg 7, 2017

Anh Hai

Người Việt ta có phân định rất rõ ràng về tôn ti trật tự trong quan hệ họ hàng. Anh của ba mình kêu bằng bác, em của ba thì kêu bằng chú. Hể ba mình là bác thì đương nhiên mình là anh của tất cả những đứa con của các cô, chú (em ba), bất chấp tụi nó có thể lớn tuổi hơn mình. Bên ngoại cũng vậy, tất cả những đứa con của dì, cậu em của má đều phải kêu mình bằng anh/chị cho dù mình nhỏ tuổi hơn tụi nó.

Tui nhắc lại quy định này để tự hào về cái uy của mình. Ông nội tui, ông ngoại tui, rồi đến ba tui, má tui đều là con lớn trong gia đình. Tui lại là con trưởng của ba tui. Vì vậy, tui hoàn toàn xứng danh là anh Hai của một đống em con chú, cô, dì cậu. Xác suất tui phải kêu một người nhỏ hơn mình là anh/chị cực kỳ thấp!





6 thg 7, 2017

Đèo cao! Dô ta! Thì mặc đèo cao!

Nói chuyện qua đèo, bỗng nhớ hồi nhỏ (nhỏ lắm á, lúc học lớp 1, lớp 2 gì đó) có một bài hát nghêu ngao suốt:


Đèo cao! Dô ta!
Thì mặc đèo cao! Dô ta!
Nhưng lòng yêu nước. Dô ta!
Còn cao hơn đèo
Dô tà, dô tà là hò dô ta, dô ta.

Rừng sâu! Dô ta!
Thì mặc rừng sâu! Dô ta!
Nhưng lòng yêu nước. Dô ta!
Còn sâu hơn rừng
Dô tà, dô tà là hò dô ta, dô ta.

Anh em! Dô ta!
Hăng hái hò reo! Dô ta!
Vượt sông vượt núi. Dô ta!
Vượt bao nhiêu đèo
Dô tà, dô tà là hò dô ta, dô ta.