Bảo tàng Đắk Lắk được xây dựng trong khuôn viên của nơi mà ngày xưa là Biệt điện Bảo Đại. Khuôn viên này rộng gần 1 ha với nhiều cây xanh, thảm cỏ. Ngôi biệt điện Bảo Đại vẫn còn được giữ lại làm nơi tham quan. Do đó, đến đây ta sẽ tham quan cả 2 điểm luôn (mua vé 2 lần).
Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN
Bảo tàng Đắk Lắk được thiết kế mô phỏng hình dáng nhà dài của người Ê Đê với chất liệu hiện đại rất độc đáo. Nơi đây còn là một trong 5 Bảo tàng Việt Nam được xây dựng với sự hợp tác của các chuyên gia về bảo tàng học của Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ Dự án phát huy di sản bảo tàng Việt Nam.
Đọc những lời giới thiệu hấp dẫn như vậy, khi bước chân vào nơi trước đây là Biệt điện Bảo Đại, nhìn thấy tòa nhà bảo tàng uy nghi tui thấy phấn khích vô cùng. Tội gì không chụp một tấm hình để check-in!
Bước vô bảo tàng mua vé tham quan, tui hơi ngỡ ngàng vì sảnh ở tầng trệt của bảo tàng trống trải và có một khoảnh bày biện giống một gian hàng nhỏ trong hội chợ, đề là Quầy hàng lưu niệm. Chưa thấy dáng vẻ gì chuyên nghiệp, hiện đại như giới thiệu.
Quầy hàng lưu niệm giống một gian hàng hội chợ. Ảnh: PHN
Một góc khác ở tiền sảnh của bảo tàng. Ảnh: PHN
Vì tụi tui đi chỉ có 2 người, tui và một anh bạn già cùng tuổi, nên cùng tháp tùng một đoàn mua vé trước đó để đi theo người thuyết minh.
Đoàn khách mà tui tháp tùng có lẽ không phải của một công ty du lịch, mà là của một tổ chức ngoài Bắc, căn cứ vào giọng nói và kiểu nói chuyện của họ (nói nhiều, nói lớn tiếng). Và nhất là căn cứ vào phong thái của anh chàng (có lẽ là) trưởng đoàn. Anh chàng này thỉnh thoảng đệm vào giữa lời của cô thuyết minh những câu nói đùa - không, thực chất là những câu ghẹo gái - rất kém duyên, thô tục (đó là nói nhẹ, còn nói cho đúng thì phải gọi là mất dạy), và chẳng có tí gì liên quan đến văn hóa du lịch.
Một số hiện vật trưng bày ở bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN
Về hình thức trưng bày và những hiện vật, hình ảnh trưng bày thì khách quan mà nói tuy không như tui kỳ vọng khi đọc những lời giới thiệu trên mạng nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu. Về phía người thuyết minh, trình bày trôi chảy, mạch lạc, nhưng... Cái mà cô thiếu là cái hồn, cái chất Tây nguyên. Khi cô giới thiệu về những nét văn hóa, những đồ dùng sinh hoạt, những tập tục... của người Tây nguyên ta nghe như một học sinh thuộc bài đang trả bài chớ không phải một người đang tâm tình cho ta nghe về những nét đẹp của quê hương mình.
Cũng không chê trách cô được, vì như lời tự giới thiệu cô là người Nghệ An, vào Tây nguyên sinh sống chưa lâu chớ không hề là dân bản xứ! Mà thật ra không cần giới thiệu, chỉ nghe giọng nói thôi là biết cô xuất thân từ nơi khác.
Thật tình, cho dù thuyết minh có tốt hơn đi nữa thì cảm xúc của tui cũng đã bay đi tứ tán rồi khi phải đi chung với một đám đông hỗn độn, trò chuyện huyên náo, được điểm tô thêm bằng những câu đùa thiếu hẳn sự có duyên!
Một số hiện vật trưng bày ở bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN
Điểm nhấn đặc biệt của buổi tham quan - theo lời của hướng dẫn viên - là cả đoàn được xem một buổi chiếu phim đặc biệt. Đó là bộ phim về Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột năm 1975.
Đó là một đoạn phim tài liệu mà có lẽ tôi, bạn đã từng xem đâu đó nhiều lần trong gần 50 năm qua về những tháng ngày bi thảm tháng 3/75 ở Buôn Ma Thuột. Bi thảm của bên thua cuộc, nhưng hùng tráng của bên thắng cuộc. Có khác chăng là trước nay bạn và tui xem ở một khung cảnh khác, còn bây giờ tui và anh bạn mình là 2 kẻ lẻ loi đại diện cho bên thua cuộc đang xem cùng một đám đông của bên thắng cuộc. Khán giả, người tổ chức chiếu phim và cả người làm phim đều là người của bên thắng cuộc.
Cái đám đông ấy hò hét, vỗ tay khi xe tăng của quân giải phóng tiến rầm rộ hay khi đạn pháo của quân giải phóng nổ vang. Và cười to khi màn ảnh chiếu những đoàn người chạy tán loạn...
Cao trào diễn ra ở cuối phim, khi đoàn quân giải phóng chiến thắng tiến vào Buôn Ma Thuột. Nhạc khải hoàn hùng tráng vang lên.
Như đám trẻ con chơi game hò hét khi trên màn hình hiện lên dòng chữ Congratulation! You Win!, đám đông trong trong khán phòng gào rú: Hoan hô! Thắng rồi! Thắng rồi! và vỗ tay ầm ĩ.
Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: PHN
Anh bạn cùng đi run rẩy nắm tay tôi kéo ra khỏi phòng chiếu phim và lẩm bẩm chửi thề: ĐM! Anh không phải là người phục vụ trong quân đội VNCH, nhưng là người dân Tây nguyên, đã sống ở đây thời gian ấy và có rất nhiều người thân trong đám người thất thểu chạy loạn hồi tháng 3/1975 được thể hiện lại trong phim.
Còn tui, sự hưng phấn khi mới bước vô bảo tàng Đắk Lắk vốn đã giảm sút rất nhiều thì giờ tuột xuống tới tận đáy, đúng với cái từ mà giới trẻ ngày nay hay dùng: tụt mood!
💔💔💔
Tui ra khỏi bảo tàng Đắk Lắk, bước sang Biệt điện Bảo Đại. Bạn tui chắc bị tụt mood nặng quá nên biểu tui vô tham quan một mình đi, ảnh không vô.
Tui và bạn tui ở Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: PHN
Người phụ trách thuyết minh ở đây lại cũng là một người Nghệ An. Bài thuyết minh của anh ta nhấn mạnh những thú vui chơi của Bảo Đại ở Đắk Lắk (vua mà) chớ không nói gì đến kiến trúc của biệt điện.
Tâm trạng cũng đã chùng xuống khá nặng nên tui cũng chẳng quan tâm gì, đi rảo qua các phòng để tham quan. Phải nói 2 điều:
- Một là nếu chỉ tham quan các đồ nội thất trong biệt điện thì thua xa cái dinh khác như Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3 ở Đà Lạt. Và tui nghĩ nếu so với biệt phủ của các quan thời nay chắc còn thua xa hơn nữa.
- Hai là hiện giờ Biệt điện Bảo Đại chỉ là một công trình phụ trong khuôn viên thực sự của mình (công trình chính là Bảo tàng Đắk Lắk) nên không được chăm chút đúng mức.
Một số hiện vật bên trong Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: PHN
Vậy là kết thúc chuyến tham quan Bảo tàng Đắk Lắk và Biệt điện Bảo Đại của tui. Bạn thấy thế nào? Vui không?
Phạm Hoài Nhân