15 thg 4, 2017

Xoài bự chảng ở Cù lao Dung

Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh sát bên nhau, cách nhau bởi con sông Hậu. Vì cách nhau bằng con sông nên đi đường bộ từ Sóc Trăng qua Trà Vinh phải đi qua cầu, đó là cầu Cần Thơ. Lộ trình là từ Sóc Trăng đi theo quốc lộ 1 ra tới Cần Thơ, qua cầu Cần Thơ tới Vĩnh Long rồi từ Vĩnh Long đi quốc lộ 53 tới Trà Vinh, dài 150 km. Nếu muốn ngắn hơn một chút thì tách khỏi quốc lộ 1 ở thị xã Bình Minh, đi theo quốc lộ 54, dài 134 km (đường màu xám trên bản đồ).



Nhìn bản đồ ta thấy phải đi theo hình chữ U, trong khi có một đường ngắn hơn rất nhiều, đó là đường ngang nối 2 đầu chữ U. Trên bản đồ, đó là con đường màu xanh, đi theo quốc lộ 60. Con đường này đi qua một cù lao, có hình dạng như chiếc nêm, đó chính là Cù lao Dung. Quãng đường đi chỉ còn là 68 km, chỉ còn bằng một nửa với đường qua cầu Cần Thơ. Nhược điểm là quốc lộ 60 đường nhỏ hơn quốc lộ 1 nhiều, và phải qua tới 2 chiếc phà, một đến và một đi khỏi Cù lao Dung! Tuyến phà này chỉ mới được mở từ đầu năm 2013!

Từ Sóc Trăng qua Trà Vinh, tui chọn con đường quốc lộ 60 vì 2 lý do:
  • Con đường này ngắn hơn nhiều.
  • Con đường này đi qua Cù lao Dung và tui đang tò mò muốn biết về nơi đó.
Tại sao muốn ghé Cù lao Dung?

1. Thơ, nhạc và lịch sử

Có một bài thơ tựa đề là Ở phía Cù lao Dung của Lê Đức Đồng với những câu như sau:

Có bao giờ em về thăm nơi ấy.
Một miền xanh biêng biếc hai mùa.
Có bao giờ em nghe tên ấy.
Cù Lao Dung đẹp tựa bài thơ


"Đẹp tựa bài thơ" thì đáng đến thăm quá đi chứ!

Và không chỉ bài thơ, còn bài hát nữa. Chắc mọi người còn nhớ bài Du kích Long Phú của cố nhạc sĩ Quốc Hương, trong đó có câu:

Ai về Cù Lao Dung 

nhớ ghé viếng Rạch Già
Nhớ về An Thạnh Nhứt 
hỏi Tây chết mấy thằng

Bài hát nhắc tới chiến thắng Rạch Già nơi đây do du kích đánh thắng giặc Pháp năm 1947.


2. Địa lý

Hiện nay Cù lao Dung là huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, có 1 thị trấn và 7 xã, diện tích khoảng 25.000 ha. dân số khoảng 63.000 người.

Sông Cửu Long có 9 cửa đổ ra biển thì nhìn trên bản đồ ta thấy có 2 cửa ở Cù lao Dung, đó là cửa Định An (ở trên) và Trần Đề (ở dưới). Và thật ra thì tới 3 cửa, như bản đồ Sóc Trăng năm 1891 cho thấy:


Cửa thứ 3 nằm giữa 2 cửa sông nói trên, đó là cửa Bassac (Ba Thắc). Do lâu ngày phù sa bồi đắp nên hiện nay cửa sông này đã biến mất, 2 dải đất 2 bên đã liền lại để thành hình dáng cù lao Dung như hiện giờ. Cùng với sự biến mất của cửa Ba Lai (do làm cống đập) thì hiện giờ Cửu Long đổ ra biển chỉ còn 7 cửa, thành Thất Long giang!

3. Khu du lịch sinh thái

Hãy đọc mô tả về một hình ảnh khu du lịch sinh thái Cù lao Dung nhé:

Đứng trên phà nhìn trên sông Cù Lao Dung như một tấm thảm xanh um trải dài đến tận cửa biển xa khơi. Bước lên bờ là xã An Thạnh Nhất của huyện Cù Lao Dung, đi quá lên một chút là thị trấn Cù Lao Dung. Hiện nay Cù Lao Dung đã là huyện lỵ với 7 xã và một thị trấn. Mỗi xã, thị trấn mang một nét đăc trưng riêng để du khách tha hồ khám phá: nếu đến An Thạnh I, khách sẽ “lạc” vào những vườn cây trái xanh tươi, từng chùm nhãn, sapô, cam mật, xoài như mời gọi. An Thạnh II bạt ngàn đồng mía, An Thạnh Đông có nhiều khoai mì, khoai lang, củ sắn còn An Thạnh Nam nổi bật với vuông tôm, cá kèo...

Ngay đầu thị trấn có một vòng xoay xinh xắn. Đó chính là Ngã Tư Bến Bạ. Đi quá một chút vào phía trong chừng 2km, quẹo vào con đường bên trái thuộc ấp Phước Hòa A của thị trấn, khách sẽ gặp tấm Bia Chiến Thắng Rạch Già sừng sững giữa màu xanh của đất cù lao.  Phía dưới là hai bia nhỏ mở ra như một quyển sách, bên trái khắc bài ca “Du kích Long Phú”(1949) của cố nhạc sĩ, ca sĩ Quốc Hương, bên phải là những dòng chữ khắc về chiến thắng Rạch Già.

Sâu vào bên trong xã An Thạnh Nam, cách thị trấn 22km là ấp Võ Thành Văn. Đây là nơi có rừng bần phòng hộ lớn nhất và dài nhất nước. Rừng bần chạy dài hai bên con rạch Tráng, xưa là cửa Ba Thắc, xanh um, ngút ngàn, bần nối bần đổ ra cửa biển.

Trong tương lai gần, Cù Lao Dung sẽ mở ra các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trên sông rạch với những di tích lịch sử, những vuông tôm, cá kèo, những rẫy khoai mì, mía, bắp của vùng đất cồn hứa hẹn sẽ là điểm du lịch sinh thái, đặc trưng của vùng quê Nam bộ với những nét duyên thầm của vùng đất cù lao.

Có dịp đến Cù Lao Dung, bạn sẽ  thưởng thức đặc sản “cá bống sao kho chồn” nổi tiếng, với cây trái và những sản vật địa phương.

Hy vọng, một ngày không xa, đất cù lao sẽ thức dậy như là một điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Theo Báo Cần Thơ

Cái triển vọng về khu du lịch sinh thái Cù lao Dung mà bạn vừa đọc ấy, là viết năm... 2008, nghĩa là cách đây gần 10 năm, nhưng đến bây giờ cũng... chưa có gì đâu các bạn à! 

Từ Sóc Trăng đi phà Đại Ngãi qua Cù lao Dung, trước khi đi tiếp phà Cầu Quan sang bờ Trà Vinh tụi tui đi trên trục đường chính của Cù lao liếc qua liếc lại để gọi là có đặt chân tới Cù lao Dung thôi (Cù lao Dung chỉ có một trục đường chính chạy theo chiều dọc của chiếc nêm).




Tưởng vậy là xong, nhưng khi trở lại bến phà bỗng nhiên thấy mấy sạp bán trái cây thu hút sự chú ý với những trái xoài bự bành ki.




Người dân ở đây nói đó là giống xoài Đài Loan mới du nhập gần đây, dân Cù lao Dung trồng nhiều vì nó dễ trồng và cho năng suất cao (trái to tổ bố). Trái to màu vàng gọi là xoài lê, còn trái màu nâu đỏ nhỏ hơn gọi là xoài Ngọc Vân hoặc xoài Đài Loan đỏ.



Bạn thấy đó, trái xoài to bằng đầu người và nặng đến 2,5 kg! 

Trái xoài Ngọc Vân to vừa vừa nhưng cũng trên 1 kg, còn trái xoài lê thì nặng tới 2,5 kg như trên hình. Giá bán cả 2 loại đều là 40.000 đ/kg. Thật lòng mà nói, trái xoài to như vầy chỉ gây sự chú ý thôi chớ ăn thì chẳng có gì đặc sắc. Nhưng có lẽ dân Cù lao Dung trồng nhiều vì nó lạ và cho hiệu quả cao (giá mỗi kg ngang ngửa xoài thường mà trái to đùng nên bán được nhiều tiền hơn)!

Vậy là xong, không khám phá được Cù lao Dung nhưng khám phá được... xoài. Lên phà Cầu Quan về bờ Trà Vinh. Tạm biệt Cù lao Dung!




Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. "hiện giờ Cửu Long đổ ra biển chỉ còn 9 cửa, thành Thất Long giang!"
    quán tính chữ "chín" :)

    Trả lờiXóa
  2. Từ Sài Gòn về Sóc Trăng đi ngã Trà Vinh gần hơn đi đường Vĩnh Long nhiều lắm.

    Trả lờiXóa