25 thg 2, 2020

Cây gòn

Hồi đó, trên đường vô nhà tui ở Long Khánh có một hàng cây gòn. Một đoạn không dài lắm đâu, chừng vài ba chục mét thôi. Những cây gòn thật cao, to, khi tới mùa thì trái gòn xanh treo lủng lẳng đầy cây nhìn thật vui mắt. Rồi khi trái khô, nó ngả màu nâu vàng, vỏ trái nứt ra, ruột gòn trắng trong đó bung ra bay theo gió, gọi là bông gòn. Nghĩ cũng ngộ, bông gòn không phải là bông (hoa) của cây gòn mà là ruột của trái gòn. 


Cây gòn với trái còn xanh

Hồi xưa lâu lắm rồi, người trong xóm có hái trái gòn khô hoặc lượm trái khô rớt xuống đất, về tách ruột gòn ra khỏi vỏ, đánh cho rớt hột gòn ra để làm bông gòn độn ruột gối. Sau này không thấy ai làm vậy nữa, bông gòn chì để bay trong gió cho mấy đứa con nít nghịch. Có lẽ vì mua gối đã có sẵn ruột rồi chẳng bao nhiêu tiền, trong khi đi hái gòn, tách bông gòn quá mất thời giờ.




Cây gòn với trái đã khô

và trái đã bung vỏ ra, bông gòn trắng phếu bên trong

Hàng cây gòn ấy gắn bó với tuổi thơ tui mãi cho tới khi tui lớn lên, đi học xa nhà rồi làm việc ở Biên Hòa. Cũng khá nhiều năm sau nữa, hàng cây gòn vẫn còn đó mỗi khi tui về Long Khánh thăm nhà. Nhưng rồi năm tháng qua đi, chúng đã biến mất hồi nào chẳng rõ.

Long Khánh có một nơi mang tên Hàng Gòn. Đó là xã Hàng Gòn, nơi có ngôi mộ cự thạch Hàng Gòn là di tích quốc gia nổi tiếng. Có lẽ mang tên Hàng Gòn vì nơi này ngày xưa có hàng cây gòn (chắc là dài và lớn hơn hàng cây gòn ở đường vô nhà tui nhiều). Tuy vậy, bây giờ tới Hàng Gòn tui... không thấy cây gòn nào!

Tui biết rằng cây gòn không phải cây đặc trưng của Long Khánh quê tui, chẳng qua là nó có kỷ niệm gắn bó với tui thôi. Bây giờ, mỗi khi đi đâu, bất chợt thấy cây gòn với những trái gòn dài rũ xuống là tui lại nhớ tới hình ảnh hàng cây gòn trên đường vô nhà ở Long Khánh thuở nào, và tôi không khỏi khựng lại ngắm nhìn, nếu tiện thì bấm vài tấm hình để lưu lại như lưu giữ kỷ niệm xưa.



Thấy cây gòn là khoái!

Tui coi video của đải truyền hình Kiên Giang mới biết ở miền Tây cây gòn còn có nhiều công dụng khác ngoài chuyện làm bông gòn, như: thân gòn làm cầu, làm vách, đốt lên làm tro gói bánh; lá gòn dùng để gội đầu, để con nít thổi bong bóng, đá gà; mủ gòn làm nước uống; vỏ trái gòn làm thuyền thả trôi sông... Ừ, vậy mới đúng là có nhiều kỷ niệm chớ. Các bạn có rảnh thì coi video này nhé, hay lắm đó!



Tui coi trên Wikipedia, thấy nói cây gòn còn có tên là cây bông gòn. Điều đó thì biết rồi, nhưng còn có tên là cây gạo thì tui phân vân quá, vì từ hồi nào tới giờ tui chưa nghe ai kêu cây gòn là cây gạo hết. Thêm nữa, có lần ra ngoài Bắc, được các bạn ngoài ấy chỉ cây gạo, cái cây được nhắc đến trong bài Chị tôi của Trọng Đài "Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo", tui thấy nó đâu phải cây gòn quen thuộc tui từng biết đâu? Tên trùng tên, hay hai loại cây cùng họ hàng? Tôi vẫn đang thắc mắc, ai biết giải đáp dùm tôi với.

Cũng qua mạng, tui biết cây gòn là cây biểu tượng của nước Guinea Xích đạo và nằm trên lá cờ của nước này. Oai ghê há!


Quốc kỳ Guinea Xích đạo với cây gòn ở giữa


Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. Cảm ơn chú vì đã đăng bài viết rất hay ạ. Con là người miền Bắc, chưa thấy cây Gòn bao giờ mà con tra Google cũng thấy người ta bảo cây Gòn là cây Gạo. Nhưng con thấy hình ảnh khác nhau hoàn toàn, chắc người ta nhầm. Hoa Gạo ở miền Bắc chính là cây Pơ lang trong Tây Nguyên đó chú,chắc chắn không phải cùng họ với cây Gòn ạ. Ở chỗ con thỉnh thoảng người ta lấy cái nhụy hoa đem xào thịt bò.

    Trả lờiXóa
  2. Bổ sung thêm, trái gòn non còn được dùng nhấn vô ống thụt bắn trong trò chơi con nít miền quê LK.

    Trả lờiXóa