Theo Nguiễn Ngu Í, ông là một trong "tam kiệt" sáng tác nhiều nhất của Việt Nam (cùng với Lê văn Trương và Hồ Biểu Chánh).
Bút danh của ông là Bình-Nguyên Lộc - ông nhắc: chữ Bình và Nguyên có gạch nối, chữ Lộc thì không - bình nguyên là đồng, còn lộc là nai. Bình-Nguyên Lộc là Đồng Nai.
Ông sinh ra ở Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (hiện nay thì Tân Uyên thuộc Bình Dương). Nơi ông sinh ra cách bờ sông Đồng Nai chừng hơn 100 met, con sông Đồng Nai và vùng đất Đồng Nai đã là chất liệu để ông viết nên phần lớn các tác phẩm của mình (tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo).
Năm 1959, tiểu thuyết Đò dọc của Bình-Nguyên Lộc đoạt Giải thưởng Văn chương Toàn quốc (Việt Nam Cộng Hòa). Thời gian 1970-1975 ông làm ủy viên Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa). Năm 1985 ông sang định cư tại California, Hoa Kỳ và mất ở đó năm 1987.
Vì Bình-Nguyên Lộc là một nhà văn nổi tiếng ở chế độ cũ, lại định cư ở Mỹ vào cuối đời nên những thông tin nhắc nhở đến ông sau này khá ít ỏi, tác phẩm ít được tái bản, và giới trẻ hầu như không biết tới ông.
Nội dung viết về Bình-Nguyên Lộc sau đây được trích từ Địa chí Đồng Nai - công trình biên khảo chính thống của Đồng Nai - nhằm để giới thiệu về ông với những người chưa biết và để những người yêu mến ông thấy được cách nhìn nhận, đánh giá chính thức của Nhà nước đương thời về nhà văn Đồng Nai này:
Bình Nguyên Lộc xuất hiện trên văn đàn muộn, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lại viết chưa nhiều. Nhưng từ đó về sau, Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất ở miền Nam và trên nhiều lĩnh vực.
Về sáng tác, có các tác phẩm chính: Các tập truyện ngắn: Nhốt gió (Nxb. Thời Thế,1950), Ký thác (Bến Nghé, 1960), Mưa thu nhớ tằm (Phù sa, 1965), Tâm trạng hồng (Sống vui, 1963), Tình đất (Tia sáng, 1966), Nụ cười, nước mắt học trò (Miền Nam, 1967), Cuống rún chưa lìa (Lá Bối, 1969). Tiểu thuyết: Đò dọc (Bến Nghé, 1958), Gieo gió gặt bão (Bến Nghé, 1959), Tân liêu trai (Bến Nghé, 1959), Nhện chờ mối ai (Nam Cường, 1962), Nửa đêm trảng sụp (Nam Cường, 1963), Mối tình cuối cùng (Thế Kỷ, 1963), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (Thế Kỷ, 1963), Hoa hậu bồ đào (Sống Vui, 1963), Bóng ai qua ngoài song cửa (Thế Kỷ, 1963), Bí mật của nàng (Thế Kỷ, 1963), Xô ngã bức tường rêu (Sống Mới, 1963), Đừng hỏi tại sao ? (Tia sáng, 1965), Quán tai heo (Văn Xương, 1967), Uống lộn thuốc tiên (Miền Nam, 1967), Một chàng hai nàng (Thụy Hương, 1967), Trăm nhớ ngàn thương (Miền Nam, 1967), Diễm Phượng (Thụy Hương, 1967)...
Ngoài ra, Bình Nguyên Lộc còn viết nhiều tác phẩm về ngôn ngữ học, dân tộc học, nghiên cứu văn học, sáng tác thơ, sưu tầm văn hóa dân gian. Tiêu biểu là các tác phẩm: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (Bách Khoa, 1971), Lột trần Việt ngữ (Nguồn xưa, 1972), Tự vựng đối chiếu 10 ngàn từ (1971)...
Sáng tác đầu tay của Bình Nguyên Lộc là truyện ngắn Câu dầm được một người bạn gửi cho hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận, lúc bấy giờ đang ở Sài Gòn. Hai thi sĩ nổi danh của phong trào Thơ Mới rất tán thưởng, đã đưa đăng báo Thanh niên vào năm 1942. Truyện ngắn Câu dầm sau được tác giả đưa vào tập Hương gió Đồng Nai. Rất tiếc, tập bản thảo này, gồm nhiều truyện ngắn và tùy bút, đã bị thất lạc hầu hết khi quân Pháp đánh chiếm quê hương ông, huyện Tân Uyên.Trước và sau năm 1945, Bình Nguyên Lộc còn dành nhiều tâm huyết để sưu tập hàng ngàn câu ca dao, dân ca trong công trình rất công phu: Thổ ngơi Đồng Nai. Mở đầu công trình này, Bình Nguyên Lộc có viết bài thơ nói lên tình yêu tha thiết của mình đối với quê hương và văn hóa dân tộc:
...Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa
Đâu đây đồng vọng của xa xưa:
Thổ ngơi thơm phức: hồn mả cũ,
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ.
...
- Ngược dòng năm tháng, mấy trang này
Những ánh tuyết xưa gợi lại đây.
Gởi cả muôn thương cùng vạn nhớ
Tân Uyên, đất má, thảm vơi đầy!
(Dâng má thương)
Đâu đây đồng vọng của xa xưa:
Thổ ngơi thơm phức: hồn mả cũ,
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ.
...
- Ngược dòng năm tháng, mấy trang này
Những ánh tuyết xưa gợi lại đây.
Gởi cả muôn thương cùng vạn nhớ
Tân Uyên, đất má, thảm vơi đầy!
(Dâng má thương)
Nhưng tác phẩm đáng ghi nhận của Bình Nguyên Lộc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp là tập Nhốt gió (Nxb. Thời Thế, 1950) gồm 13 truyện ngắn, được giới cầm bút thời bấy giờ rất hoan nghênh. Truyện ngắn Không trốn nữa kể chuyện một gia đình bác sĩ tản cư, toan trốn về thành vì thèm nhớ những mùi vị quen thuộc của phố phường: những miếng đường, miếng mỡ, món thịt ram cuốn bánh tráng... Nhưng vị bác sĩ kia, trong giây phút nhìn lại mình, “một niềm tủi nhục minh mông bỗng trào lên, vặn thắt trái tim không bao giờ biết thổn thức của bác sĩ lại. Bác sĩ cúi gầm mặt xuống chiếc bàn cũ. Trong giây phút những hình ảnh xưa ở đâu hiện về chớp nhoáng: hai người bịnh nghèo ăn cắp giá xào nhau, mười lăm năm trước; những người nhà quê bu quanh một cái hòm, ăn nhậu; những miếng thịt heo đút lò, cả chống mỡ, trong đình làng...”. Và “Sự thật nảy ra như tia lửa trong một buổi sáng thèm thịt, nơi óc một người rất lười nghĩ nầy, làm ông ta lảo đảo. Ông nghe cả một sự sụp đổ trong người ông. Sự sụp đổ của nhơn sinh quan sẵn có của ông. Sự thật đầu tiên, đến tóc bạc hoa râm của ông mới tìm thấy ”. Thế là, “ba chơn, bốn cẳng, ông chạy u về nhà, miệng lẩm bẩm: Thôi không thèm trốn nữa”. Truyện ngắn này, đương thời, khi mới đăng báo, Dương Tử Giang nhận xét: “Trong năm năm nay, tôi chưa được đọc truyện ngắn nào hay như vậy ([49]). Đặc biệt, truyện ngắn được lấy làm tên chung cho cả tập, Nhốt gió, miêu tả về một thằng bé chơi trò cất nhà bị gió thốc đổ. Tức tối, cậu bé cởi quần đưa về trước gió: “Nhốt mầy lại coi mầy còn phá nữa hết” . Nhưng rồi, “Gió chun vào thổi phồng quần lên. Hai ống quần bọc no nứt gió, bay ngang trên không trung như hai khúc dồi. Nó vừa túm lưng quần lại để gói gió trong ấy, thì chợt nhận ra rằng ở đâu cũng có gió hết (...) Đứa bé luýnh quýnh vì gió nhiều quá không biết đâu mà hốt cho hết...”. “Nhốt gió” là một ẩn dụ nghệ thuật về hành động của thực dân Pháp đối với Việt Nam “khi toan nhốt phong trào lớn của dân ta chống ngoại xâm”, nhưng “gió là giông tố cách mạng chẳng ai nhốt lại được”.
Các bạn có thể đọc thêm về tiểu sử của Bình Nguyên Lộc do Tống Diên là thứ nam của ông biên soạn (file PDF, download tại đây)
Các bạn cũng có thể đọc trọn bộ tiểu thuyết Đò dọc của ông (file PDF, download tại đây).
Thị trấn Uyên Hưng, nơi ra đời của Bình Nguyên Lộc, ngày nay (Ảnh chụp tháng 2/2009)
Đoạn sông Đồng Nai ở Uyên Hưng
Phạm Hoài Nhân
Hổm rày mắc lo...theo dõi tình hình thế giới, không ghé nhà anh. Hôm nay hơi...rảnh, vô thăm thì thấy có 2 bài, nói về 2 ông mà tui biết...hơi hơi. Thôi nói về ông BNL trước:
Trả lờiXóaTrong số tác phẩm mà anh điểm qua, tui chỉ đọc có 2, mà cũng rất lâu rồi (chắc cỡ...40 năm chớ không ít): "Đò dọc" và "Xô ngã bức tường rêu"
"Đò dọc" thì khó quên, bởi vì ngoài bài hát cùng tên (do Hương Lan hát), thì vài trích đoạn cũng có trong sách GK lớp 6 (VNCH - tất nhiên). Tui nhớ nhứt là 5 chị em Hương-Hồng-Hoa-Quá-Thơm có tới 3 cô yêu 1 anh chàng (hình như tông xe vô cột điện) thì phải? Lát nữa download về xem lại.
"Xô ngã bức tường rêu" thì không biết anh có không, chớ tui thì chỉ nhớ mang máng: tình yêu của 1 anh người Việt (Tâm) với 1 cô người Triều Châu (Xíu Tin)vấp phải "bức tường rêu" là cha cô gái, ông không muốn gả con cho người Việt. Để bảo vệ tình yêu, cô gái đã hủy hoại nhan sắc của mình. Và cũng như "Đò dọc", XNBTR cũng có 1 kết thúc có hậu.
Cảm đề của XNBTR là bài thơ khá dài, tui chỉ nhớ có 4 câu:
"Anh là trai nước Việt,
Em là gái Triều Châu.
Không hẹn mà gặp gỡ,
trong tiếng sét nhiệm mầu"
Kết thúc tác phẩm là 1 bài hát theo điệu "Khổng Minh Tọa Lầu":
"Bánh tôm khô chiên
Giò cháo quẩy chiên,
Đồ bên Tàu cắc chú đem qua,
mì bên Tàu cắc chú bày ra" (?!)
Theo nhận xét của tui:
Văn của BNL nhẹ nhàng,chân chất và hơi...mộc mạc. Nội dung cũng không quá kịch tính. Nó cũng nhẹ nhàng và bình dị (chậc, không biết "bình lựng" có đúng không nữa?)