16 thg 3, 2011

Tất nhiên là Nguyễn Tất Nhiên



Nhà thơ Biên Hòa nào nổi tiếng nhất?

Of course, đó là Nguyễn Tất Nhiên!

Bài viết về ông rất nhiều (search trên Google cụm từ "Nguyễn Tất Nhiên" cho ra 170.000 kết quả). Người thuộc thơ và đọc thơ ông rất nhiều. Nhưng nhiều hơn hết có lẽ là những người nghe và hát những bài hát phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên (Thà như giọt mưa, Em hiền như ma soeur, Hai năm tình lận đận, Vì tôi là linh mục, Cô Bắc kỳ nho nhỏ...)

Thế nhưng từ sau 1975 đến nay không có bài thơ, tập thơ nào của ông được tái bản (tại Việt Nam).

Trong những đêm thơ, không ai dám đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên (dù rất muốn và rất thích).

Những người bạn cùng thời với ông ở Đồng Nai (và những người thuộc hàng em út của ông, như tôi chẳng hạn) ấp ủ trong lòng việc in lại các tác phẩm của ông nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì những lý do khó nói.

Địa chí Đồng Nai có ít dòng về ông, xin trích ra đây để các bạn cùng biết cái nhìn chính thức của Nhà nước Đồng Nai về nhà thơ tài hoa này:


Về thơ, Nguyễn Tất Nhiên (1952-3/8/1992) có thể xem như một hiện tượng trong đời sống văn nghệ vùng tạm chiếm. Tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Tất Nhiên là một học sinh Trường trung học Ngô Quyền. Làm thơ khi còn là học sinh. Năm 1970, Nguyễn Tất Nhiên xuất bản tập thơ Thiên tai. Nhưng nhà thơ trẻ chỉ được mọi người biết đến khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nhiều bài thơ của anh: Thà như giọt mưa, Em hiền như masoeur, Hai năm tình lận đận... Thơ tình học trò của Nguyễn Tất Nhiên chân thật, nhưng mới lạ và phóng khoáng trong thể hiện:
Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.
 (Nỗi sầu khổ dịu dàng)
Tình yêu của nhà thơ luôn hướng đến một vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện. Nhưng, anh cũng sớm nhận ra sự mong manh, dễ vỡ của nó. Điều này xuất phát từ thực tế, Nguyễn Tất Nhiên trong đời cũng như trong thơ, là một người tình không mấy may mắn. Song thơ Nguyễn Tất Nhiên có lẽ cũng phản ánh ít nhiều tâm trạng của một bộ phận không nhỏ tầng lớp thanh niên đô thị bế tắc trong cuộc sống thời bấy giờ. Cách sống, thái độ ấy hẳn nhiên không có gì đáng để lứa tuổi học trò noi theo. Nhưng, Nguyễn Tất Nhiên đã để lại cho đời không ít câu thơ hay và đẹp:
Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng,
Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa...
 (Tình một hai năm)
Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn.
 (Trúc đào)

Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, nhưng Có còn hơn không!

Còn bây giờ, ta cùng thưởng thức vài bài thơ của ông nhé!


Khúc tình buồn
(1)
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng



(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)



Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn



(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)



Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ



(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)



(2)



Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng



(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)


(1970)

Ma soeur
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai

Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng !

Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur

Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời

Cuộc đời tên vô đạo
Vết thương hành liệt tim!

Ðưa em về dưới mưa
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc!

Ðưa em về dưới mưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa

Ðưa em về dưới mưa
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?

Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn ma soeur

(1971)

(Có một vài bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên tại đây, bạn có thể tìm đọc nhé)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét