20 thg 2, 2016

Ngôi nhà của vợ anh hùng Trương Định

Trần thị Sanh là vợ thứ của anh hùng dân tộc Trương Định. Sinh trưởng trong một gia đình danh giá và giàu có bậc nhất ở Gò Công, thật kính phục bà đã chấp nhận gian nan nguy hiểm kết duyên cùng một con người quyết tâm hy sinh cho Tổ quốc trong thời buổi loạn lạc. Cũng chính bà đã hỗ trợ rất nhiều về vật chất cho nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái để chiến đấu chống giặc Pháp.

Ngôi nhà nơi bà sinh sống được xây dựng năm 1860, là ngôi nhà sang trọng nhất Gò Công thuở ấy. Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà vào chùa quy y, nhường ngôi nhà lại cho con gái riêng là Dương thị Hương và rể là tri huyện Trường Bình. Sau này, vợ chồng tri huyện Trường Bình qua đời, để lại cơ ngơi cho con gái là Huỳnh thị Diệu và chồng là đốc phủ Nguyễn văn Hải. Từ ấy ngôi nhà được gọi là nhà đốc phủ Hải.



Từ năm 1895-1900, Nguyễn Văn Hải cho xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu roman và xây hai nhà vuông ở hai bên để người làm công ở. Đến năm 1909-1917, nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt Tây 3 bên và phần sau xây lẫm lúa to lớn.

Ngôi nhà là một công trình chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khuôn đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và một số ở đầu thế kỷ XX. Vài khung có niên đại lâu hơn kết hợp chặt chẽ hài hoà từ ấp quả đến đầu hồi, khuôn bao, đến các chấn gạch, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài còn khá nguyên vẹn.

Tiền sảnh nhà làm theo kiểu châu Âu, trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn; trên đố và vòm cửa trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc thể hiện nhiều đề tài khác nhau.

Các tủ, bàn, ghế phong cách cũ chạm nổi theo kiểu Louis đều hoàn chỉnh và bằng gỗ quý hay bằng cẩm thạch, đá hoa, hai chiếc ché gốm màu hoa văn rồng nổi.

Ngoài các khuôn biển, các liễn đại tự, các đôi liễn trên các vách cột, phải kể đến các đồ dùng quý hiện nay còn để lại như: Tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo mặt lót 6 tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, thanh chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen…


(Đoạn này lấy theo báo Ấp Bắc ngày 29/05/2014)




Từ năm 1980 đến năm 1999, ngôi nhà này được Huyện ủy, UBND thị xã Gò Công làm Nhà truyền thống thị xã Gò Công. Từ năm 2000 đến nay, được đổi lại là Nhà Đốc Phủ Hải. Hiện nay, nơi đây còn là văn phòng làm việc của chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã Gò Công.

Công trình kiến trúc nghệ thuật này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 921 ngày 20/07/1994.


Với việc bảo toàn kiến trúc và hiện vật cổ khá hoàn hảo, đây là một điểm đến rất độc đáo ở Gò Công. Nhiều bộ phim đã chọn nơi đây làm bối cảnh để tái hiện lịch sử, cuộc sống người dân Nam bộ ở thế kỷ trước.

Người thích tìm hiểu về cổ vật sẽ thấy hài lòng với nhiều hiện vật cổ nơi đây. Người thích tìm hiểu lịch sử sẽ thấy sống lại một thời xa xưa. Người yêu kiến trúc sẽ có dịp chiêm ngưỡng một công trình đẹp.

Quên, còn chi tiết này nữa: nhà đốc phủ Hải ở 49 đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm thị xã Gò Công, rất thuận tiện để đến. Tham quan tự do, không tốn phí. Còn Gò Công thì chỉ cách Sài Gòn có 55 km thôi. Đến đây tham quan đi chứ?



Gian chính nhà đốc phủ Hải



Các bao lam cực kỳ tinh tế 


Bộ bàn ghế


Trường kỷ và chiếc giường cẩm thạch

Tủ sắt

Dãy nhà phía sau

Chân dung đốc phủ Hải

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét