3 thg 2, 2016

Tản mạn về những bài hát được cấp phép

Có lần tui tự hỏi: Làm sao biết một bài hát xưa (trước 1975) đã được cấp phép hay chưa?

Nghĩ là làm, tui lên mạng, vô nơi đáng tin cậy nhứt là website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (cucnghethuatbieudien.gov.vn), quả nhiên là có danh sách của các bài hát này. Về mặt database, phải nói là hơi khó tra cứu vì danh sách này bố trí theo từng trang, mỗi trang có 30 tựa bài và theo một thứ tự hơi lộn xộn. Có tới hơn 80 trang như vậy (hơn 2.000 bài hát) và mình không thể biết bài hát mình muốn tìm ở trang nào, chỉ có nước lật từng trang và... đọc cho hết! Tui phải cất công copy ra hết, đưa vô Excel để sort cho dễ đọc. Bỏ qua chuyện đó đi, trong quá trình làm, tui phát hiện ra nhiều chuyện hay lắm. Kể nghe chơi.

1.
Gây sốc nhứt là có một quyết định mang số 42/QĐ-NTBD ngày 7/10/2009, cấp phép cho 2 bài hát của Văn Cao, đó là bài... Quốc ca Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Tui giựt mình, vậy là trước ngày 7/10/2009 ai hát Quốc ca là hát nhạc cấm và sẽ bị phạt!

Bữa nay tui vô coi lại thì trong list không còn 2 bài này nữa, ai đó đã rút xuống rồi. Nhưng tui thề là trước đây tui có thấy 2 bài đó trong danh sách được cấp phép năm 2009 và đã copy đưa vô trong list Excel của tui. Số và ngày ký Quyết định còn hẳn hoi đó.

2.
Bài Tình bơ vơ của Lam Phương được cấp phép ngày 16/4/2008 theo QĐ số 16/QĐ-NTBD, nhưng chỉ hơn một tháng sau thì bị thu hồi theo QĐ số 02/QĐ-NTBD ngày 23/5/2008.

Sao vậy? Trong khi những bài khác của Lam Phương như Phút cuối, Thu sầu, Thành phố buồn... vẫn được cấp phép như thường. Tui đoán là do trong bài có câu Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi - mùa thu năm ấy khí thế rạo rực vậy mà ổng nói buồn lắm! Đã vậy lại còn viết "để bước phong trần tha hương, em khóc cho đời viễn xứ", rồi lại "cả đời mình xây ước mơ, cho ngày mộng được nên thơ. Cuối cùng là tình bơ vơ!".



Vụ này tui có kể lể ở đây: Cuối cùng là tình bơ vơ, ai rãnh thì đọc nghen.

3.
Trong danh sách những bài hát được cấp phép, tui thấy có rất nhiều bài của nữ nhạc sĩ Hoàng thị Thơ ("thị" thì chắc chắn là nữ rồi!). Tui nghĩ đây chắc là nữ nhạc sĩ nào đó mà mình chưa biết, thế nhưng coi lại tên bài hát của bả thì thấy khá quen thuộc:Rước tình về với quê hương, Gạo trắng trăng thanh... Các bạn cho rằng lỗi tại người đánh máy, gõ lộn Hoàng Thi Thơ thành Hoàng Thị Thơ hả? Ừa, có thể như vậy, nhưng Hoàng Thi Thơ có rất nhiều bài hát được cấp phép và tất cả các bài ấy đều ghi tên tác giả là Hoàng thị Thơ!

Quyết định là pháp lệnh, đã ghi là đúng, cấm cãi, và khi cấp phép cho bài hát thì chỉ ghi tên bài hát và tên tác giả. Vì vậy, căn cứ theo quyết định cấp phép thì nếu bạn trình diễn bài Gạo trắng trăng thanh của ông Hoàng Thi Thơ chẳng hạn, bạn có thể bị phạt vì người ta chỉ cấp phép cho bài Gạo trắng trăng thanh của bà Hoàng thị Thơ thôi mà!


Trong list này ngoài các bài hát của "Hoàng Thị Thơ" còn có bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương ghi là Thơ: Quang Dũng. Ủa, bài Tiếng dân chài là phổ thơ Quang Dũng sao ta?

4.
Bài Chiều của Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh được cấp phép theo Thông báo số 2 ngày 10/8/1991, nhưng ghi tên tác giả là Dương Thiệu Tước - Hồ Szếnh. Chịu! Hồ Szếnh là cái tên lạ hoắc, tui không biết là ai. Ly kỳ hơn nữa là luôn mấy bài của Dương Thiệu Tước như Ơn nghĩa sinh thành, Tiếng xưa... cũng đều ghi tên tác giả là Dương Thiệu Tước - Hồ Szếnh. Vụ này mới à nghen, theo tui biết thì mấy bài ấy nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đâu có phổ thơ của ai. Hay là của ông Hồ Szếnh nào đó mà tui hổng biết?



Tình huống tương tự xảy ra với nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Có nhiều bài hát của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư được cấp phép, như Ngày xưa Hoàng thị..., Đưa em tìm mộng hoa vàng (tui ghi đúng chữ mộng theo Quyết định, riêng tui thì hổng biết bài này, chỉ biết bài Đưa em tìm động hoa vàng thôi). Thế nhưng một lô một lốc bài hát khác của Phạm Duy như: Nghìn trùng xa cách, Xuân ca, Hoa Xuân, một số bài trong Trường ca Con đường cái quan... cũng đều ghi tác giả là Phạm Duy - Thơ: Phạm Thiên Thư. Vụ này cũng mới biết đó nghen!

Còn nữa, bài Cỏ hồng của Phạm Duy thì ghi tác giả là Phạm Duy - phổ từ ca dao. Bài Vợ chồng quê, Tiếng đàn tôi thì ghi tác giả là Phạm Duy - Sơn Nam (???).



À, còn có một tác giả có nhiều bài hát được cấp phép, tên là Nguyễn Ánh Chín. Bạn biết là ai không? Chắc là Nguyễn Ánh 9 phải hông?

5.
Còn nhiều chuyện nữa mà kể ra đây thì dài quá. Tui chỉ kết luận một điều: Người ta là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, vậy chắc chắn là am hiểu về nghệ thuật, nhạc phẩm, nhạc sĩ hơn hẳn mình rồi. Xin đội ơn Cục đã cho tui thấy là hiểu biết của tui nông cạn và sai sót tới chừng nào!


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Khóc lên đi, ôi, quê hương yêu dấu!

    Trả lờiXóa
  2. thông cảm đi. Trình độ cấp 2 bổ túc trường làng nhưng lý thuyết Mác Lê và tầm vông vát nhọn đầy cả rổ!Sẽ kiểm tra lý lịch của bà Hoàng thị Thỏ (đế) và đính chính lại mấy hồi!!

    Trả lờiXóa