16 thg 5, 2018

Giống chi toàn là giống đực?

Có một loài cây rất gần gũi và thân thương với người dân miền Tây Nam bộ, mọc nhiều ở ven sông. Nó gần gũi và thân thương đến nỗi đã đi vào ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích; và có thể ăn trái nữa. Hiềm một nỗi, nó có cái tên quá quê mùa và... xấu: cây bần. Nghe tên là thấy nghèo mạt rệp! Đâu chỉ như vậy, rễ của loài cây này lại ngóc đầu nhô lên khỏi mặt đất để hút dưỡng khí, và người dân gọi nó bằng cái tên chẳng lấy chi làm thanh tao: cặc bần.


Từ cái tên thô kệch ấy, dân gian có câu đố rằng:

Giống chi toàn là giống đực
Thiếu tứ bề cam cực chung thân

Trả lời rằng: ấy là cây bần. Bần cùng quá nên mới thiếu tứ bề cam cực chung thân, và dĩ nhiên chỉ là giống đực thôi, bởi vì nếu bần là giống cái thì làm gì có... cặc.

Còn nữa, rễ bần nhô lên khỏi mặt nước, khi nước chảy mạnh sẽ rung lắc qua lại. Ai đó bèn nghĩ ra cặp câu đối như sau::

Nước chảy cặc bần run bây bẩy
Gió đưa dái mít giẫy tê tê

Quả là xứng đôi vừa lứa!

Bần

và mít

Bên cạnh cái tên quá... bần cùng, bần còn cái tên khác, như chuyện kể sau đây:

Cuối năm 1787, Nguyễn Ánh chạy trốn tránh Tây Sơn, trú ở nhà ông Trần văn Hạc ở Ba Tri, gần mé sông Hàm Luông. Bữa nọ, Nguyễn Ánh muốn dùng một bữa cơm đạm bạc. Đang trốn tránh mà, nên ông Hạc đâu thể làm món gì thịnh soạn được, ổng đành nấu cơm, ăn với mắm sống, và ra mé sông hái trái bần chua chua chát chát để đãi khách. Món "mắm sống bần chua" này là món nhà quê, dân Ba Tri ăn hoài, dè đâu Nguyễn Ánh ăn xong hỏi:
  • Trái chi mà ngon thế?
Ông Hạc ngập ngừng, nói:
  • Muôn tâu, tên trái ấy xấu lắm, kẻ bề tôi hông dám nói ạ!
  • Nói đi, sợ giống gì!
  • Thưa, trái bần ạ!
May, ổng không có cho vua ăn... rễ bần, chớ nếu không thì khi trả lời vua lại tưởng ổng chửi tục. Nguyễn Ánh nghe xong xuýt xoa:
  • Trong lúc gian truân này ta mới hiểu trái bần thật ngon lành, nó chẳng kém gì cam quýt, nhãn, hồng. Ta phải đặt cho nó một cái tên thiệt đẹp mới được.
Rồi nhìn ra sông Hàm Luông, vị vua thuở hàn vi thấy những rặng bần xanh tươi lả lướt trong gió, soi bóng xuống dòng sông như liễu rủ, vua liền nghĩ ra cái tên mới:

  • Từ nay, ta sẽ gọi cây bần là cây thủy liễu, tức là cây liễu mọc dưới nước.
Vậy là cây bần được cái tên mới, là cây thủy liễu. Ờ, tên này thì chắc là giống cái à nha!

Trái bần

Bây giờ, ngoài món mắm sống bần chua như vua Gia Long từng ăn ngày xưa, người ta đã chế biến nhiều món đặc sản khác từ nguyên liệu trái bần, hoa bần như: gỏi hoa bần, canh chua/lẩu trái bần, cá kho trái bần... Mùa mưa đến rồi, giờ này miền Tây nhiều bần rồi, về ăn thử đi. Không sợ nghèo đâu!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét