Lối mòn lên núi đá hoang sơ như vầy
và dĩ nhiên, đã gọi là lên núi thì phải có những đoạn dốc như vầy (có đoạn có bậc thang, có đoạn không)
Đến nơi rồi, nhưng không phải chốn Bồng Lai, mà là nhà trưng bày - lưu niệm khu di tích Núi Dinh!
Hỏi chị: Bồng lai tiên cảnh ở đâu chị?
Trả lời: Đây nè!
Hỏi: Vầy sao kiu là bồng lai tiên cảnh?
Trả lời: Chị đâu có biết! Nghe người ta kiu dzậy mà!
Đi thêm chút nữa, thấy một ngôi chùa khá lớn, nhưng cũng không phải đặc sắc, gây ấn tượng lắm.
Thế là... xuống núi, không gặp tiên, đi tiếp về Long Hải.
Thuở ấy, tui còn bận rộn khá nhiều việc kinh doanh của công ty nên không có thời gian và điều kiện để tìm hiểu xem nơi này là gì, vì sao người ta lại gọi là bồng lai tiên cảnh. Câu chuyện bị quên bẵng đi tới mười mấy năm sau.
...
Bây giờ, qua tìm hiểu, tui biết thêm chút ít về nơi mình đã đến hơn 15 năm trước...
Nơi tui đến nằm trong quần thể núi Dinh. Nơi đây vừa là nơi tu hành, vừa là căn cứ kháng chiến, cả chống Pháp lẫn chống Mỹ.
Ở lưng chừng núi, có ngôi chùa Linh Sơn nằm trong lòng núi non hùng vĩ, với bề dày lịch sử hơn 200 năm. Linh Sơn Tự trải qua 08 đời liệt vị tổ sư thừa kế, trong đó hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước là người thừa kế thứ 7.
Hòa thượng Thích Thiện Phước tên thật là Lê Minh Ý, sinh ngày mùng 01 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), tại Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cơ duyên học Phật đến, Ngài được Đức Sư ông Thích Bửu Đức truyền đăng pháp môn Tịnh độ. Sư ông dạy: “nên về miền Đông hành đạo, về sau sẽ được nên đạo lớn, công viên quả mãn…”. Năm 1956 Ngài về Biên Hòa, sống ẩn dật tại Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba, Tân Uyên, khi đó thuộc Biên Hòa) tham vấn cầu pháp với Hòa Thượng Hồng Ân – Trí Châu và trở thành môn đệ của dòng Lâm Tế Chánh Tông, thứ 41, húy Nhựt Ý từ đây. Nhưng cũng năm này, Ngài bị tình nghi ẩn náu để hoạt động cách mạng, nên bị nhà cầm quyền yêu cầu ra khỏi tỉnh Biên Hòa.
Sau khi ra khỏi Biên Hòa, Ngài đăng sơn ẩn dật tại Điện Phổ Đà, thuộc Tổ đình Linh Sơn tự, Núi Dinh. Thầy chủ tự quyết định giao Tổ Đình Linh Sơn cho Ngài làm trụ trì vào năm 1957. Để phát huy truyền thống đạo pháp và dân tộc, tôn sư tiến hành các Phật sự: khẩn hoang, trùng hưng chùa cũ, tu bổ chùa hư nền sập trở lại khang trang tốt đẹp. Hòa thượng tôn sư đặt tên cho quần thể Núi Dinh là Bàn Cổ Sơn Phật hay Tây Phương Bồng đảo.
Cũng từ đây Ngài đã khai sơn môn phái Liên tông Tịnh độ Non bồng.
Như vậy, có thể hiểu được chữ Bồng Lai Tiên Cảnh mà dân gian truyền khẩu về khu vực các chùa ở Núi Dinh này xuất phát từ đâu. (Tên đúng không có chữ tiên cảnh, nhưng người dân thích tiên nên thêm vô cho nó... bay bổng lãng mạn).
Chiến tranh khốc liệt, núi Dinh lại là căn cứ kháng chiến nên bị tàn phá dữ dội, hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước cùng toàn thể tăng ni, Phật tử tản cư về Biên Hòa, đầu tiên tạm ở Chùa Phổ Hiền (Bửu Long) rồi đến tịnh xá Thắng Liên Hoa (tức chùa Bà Trầu ở cù lao Phố)... Đến năm 1966, chiến tranh bùng nổ khắp nơi, tôn sư chỉ giáo cho ni sư Thích Nữ Huệ Giác và tập thể tăng ni đứng ra xây dựng ngôi Quan Âm Tu viện tại Biên Hòa để có nơi cho tăng ni tu học, hành đạo.
Quan Âm Tu viện tại Biên Hòa
Ngày nay, Quan Âm Tu viện tại Biên Hòa là tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non Bồng. Nơi đây có bảo tháp an vị của tôn sư Hòa thượng Thích Thiện Phước.
Bảo tháp Tôn sư Hòa thượng Thích Thiện Phước
Vậy là sau khi đi một vòng, tui đã lại quay trở về Biên Hòa rồi. Non Bồng, Liên tông Tịnh độ Non Bồng là ở đây.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét