17 thg 5, 2018

Hỡi anh ở lại Charlie

Bài trên báo Thanh niên ngày 16/5 cho biết: Ngày 12.5, tại xã Rờ Kơi, H.Sa Thầy (Kontum), Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 tổ chức lễ khánh thành công trình nhà bia di tích lịch sử điểm cao 1015 (Charlie) và 1049 (Delta).

Nhà bia di tích lịch sử vừa được xây dựng trên đỉnh đồi Charlie. Ảnh: Độc Lập, báo Thanh niên


Vậy là sau 46 năm, đồi Charlie đã có bia kỷ niệm, nhưng... không phải như tôi tưởng tượng hồi 46 năm trước.

Trận chiến đẫm máu trên đồi Charlie năm 1972 đã qua lâu lắm rồi, khi ấy nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn chưa ra đời, ngay cả những người ở tuổi tôi hoặc lớn hơn cũng có thể đã quên, nếu không có một bài hát xúc cảm vẫn còn được nghe lại: Người ở lại Charlie.

Đồi Charlie là một ngọn đồi trong dãy đồi có độ cao khoảng 900 met, ở địa phận tỉnh Kontum. Đỉnh đồi từng được quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sử dụng để xây dựng một cứ điểm quân sự để kiểm soát một vùng rộng lớn ở ngã ba Đông Dương (ngả ba biên giới Việt - Miên - Lào), bao gồm cả sân bay Phượng Hoàng và tuyến phòng thủ ngoại vi cho căn cứ Tân Cảnh. Tháng 4 năm 1972, trận đánh đẫm máu để dành quyền kiểm soát đồi Charlie diễn ra. Tiểu đoàn 11 Nhảy dù của quân đội VNCH do trung tá Nguyễn Đình Bảo chỉ huy trấn giữ ngọn đồi này. Sau 2 tuần lễ hứng đạn pháo của cả 2 phía, gần như toàn bộ tiểu đoàn 11 Nhảy dù hy sinh, trong đó có tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo (ngày 12/04/1972).

Tháng 5/1972, để tưởng niệm Nguyễn Đình Bảo, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tức ca sĩ Nhật Trường) sáng tác bài Người ở lại Charlie.

Nơi tôi đứng là sân bay Phượng Hoàng năm xưa, đồi Charlie nằm trong dãy đồi phía xa.

Tháng 10 năm 2000, tôi đến chiến trường Đắc Tô - Tân Cảnh năm xưa, dừng chân trên sân bay Phượng Hoàng, nhìn về đồi Charlie trong dãy đồi phía xa. Nhưng chỉ nhìn để xao xuyến thôi, chứ không lên được. Còn bây giờ, nơi đỉnh đồi đã có bia kỷ niệm, và đã có đường lên đó, dù chỉ là đường dành cho người đi xe máy hoặc đi bộ.


Đường lên đỉnh đồi Charlie. Ảnh: Độc Lập, báo Thanh niên

Nghe ca khúc Người ở lại Charlie với những ca từ:


Anh! Hỡi anh ở lại Charlie 
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý 
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý 
Một lần dậy cánh bay 
Người để cho người nước mắt trên tay


thì trong đầu cứ mặc nhiên nghĩ rằng nếu trên đồi Charlie có bia tưởng niệm thì ắt là tưởng niệm Trung tá Nguyễn Đình Bảo và đồng đội của ông. Nhưng không phải, đó là bia di tích ghi nhận chiến công của bên còn lại.


Bên thắng cuộc tất nhiên có quyền ghi nhận chiến thắng của mình. Biết vậy, biết rằng cuộc chiến nào cũng có kẻ thắng người thua, có mất mát, hy sinh, nhưng đều là người Việt, lòng không khỏi bùi ngùi...

Có chút nhẹ lòng khi trên bia này không còn dùng những từ quân ngụy, quân thù, quân giặc để chỉ những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa như trước kia nữa, mà dùng những từ ngữ tôn trọng hơn: Tiểu đoàn dù 11, Lữ dù 12, quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm giữ.

Và ở bên đường lên đỉnh đồi, có một ngôi miếu nhỏ:

Miếu thờ các quân nhân tiểu đoàn nhảy dù 11, quân lực VNCH được người thân dựng lên ngay trận địa đồn trú của họ 46 năm trước, cạnh điểm cao Charlie. Ảnh: Mai Thanh Hải , báo Thanh niên



Xin một lần cuối, một lần cuối
Vẫy tay tạ từ Charlie
Xin một lần nữa, một lần nữa 
Vẫy tay chào buồn anh đi...


Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. Lúc đánh Charlie ngoài Bắc dùng tới 1 Sư đoàn bao vây họ kết hợp chiến thuật "xâm lấn" và "biền người" để tác chiến. Mặc dù thua nhưng những người lính dù đã buộc đối phương phải biết tôn trọng họ. Các A đã hy sinh đến người cuối cùng....Tôi vẫn nhớ họ . . .

    Trả lờiXóa
  2. Lữ`đoàn 2 không phải Lữ đoàn 12 Tiểu đoàn 11 Song Kiếm trấn ải

    Trả lờiXóa