Nói đến Đồng Tháp Mười, nhiều người (trong đó có tui) nghĩ ngay rằng đó là vùng đất thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thiệt ra thì không phải vậy! Đồng Tháp Mười là tên gọi một vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường.
Còn Đồng Tháp là tên tỉnh như chúng ta đều đã biết. Điều cần biết là tên này chỉ mới được chính quyền cách mạng đặt từ 1976 thôi, trước đây chỗ này thuộc hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc. Đồng Tháp quả là có liên quan đến Đồng Tháp Mười, vì một phần vùng đất này nằm trong địa phận Đồng Tháp, nhưng chỉ là phần nhỏ thôi, còn hơn phân nửa Đồng Tháp Mười thuộc về Long An kia mà. Thủ phủ của vùng Đồng Tháp Mười cũng thuộc về Long An đó thôi.
Còn Tháp Mười là gì?
Cho đến giờ vẫn chưa rõ sao lại có tên Tháp Mười. Trong dân gian có 4 giả thuyết như sau:
- Ngày xưa, cánh đồng này thuộc một vương quốc giàu có. Trong nước có 10 đời quốc vương, mỗi ông xây cho mình một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng; ngôi tháp của ông vua thứ 10 là ngôi tháp mà chúng ta đang nói (Tháp Mười). Từ đó, có lời đồn là trong Tháp Mười có vàng.
- Cho rằng đây là cái chùa - tháp thứ 10, tính từ Lục Chân Lạp xuống, nối liền các chùa - tháp này là các con đường lót đá.
- Đây là cái tháp 10 tầng của Chân Lạp; có lẽ, theo thuyết này nên chính quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1958, cho xây lại một cái tháp 10 tầng cao 42 m, theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc.
- Đây là tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng của nghĩa quân Thiên Hộ Dương để canh chừng giặc Pháp.
Nghe qua thì... chẳng cái nào đủ sức thuyết phục! Nhà văn Sơn Nam (trong Danh thắng miền Nam, NXB Đồng Tháp 1998, trang 80-82) nhận định rằng:
Lối giải thích này mặc nhiên xác nhận vùng này trước kia không có tên, và mới được đặt tên từ thời Thiên Hộ Dương mà thôi. Nghe vô lý, từ xưa lưu dân đã đến làm ruộng, bắt cá rải rác. Hơn nữa, Thiên Hộ Dương vào Tháp Mười lúc quân Pháp đã chiếm đóng vùng phụ cận như Cai Lậy, Cần Lố rồi Cao Lãnh. Lập chiến khu bí mật mà bố trí tháp canh công khai chẳng khác nào "lạy ông con ở bụi này".
Lại giải thích đây là vị trí của trạm y tế thời Thủy Chân Lạp, nhà vua bấy giờ bị bệnh phong (cùi) nên tổ chức nhièu trạm y tế giúp dân, đây là trạm thứ 10.
Thuyết này nghe xa vời quá, vả lại làm sao thời xưa ở vùng này đông đúc dân cư để tổ chức một trạm?
Tháp Mười nghe qua, ta hình dung một ngọn tháp cổ xưa, thời xưa khi khẩn hoang, đồng bào ta đã gặp di chỉ. Đọc "Đại Nam Nhất Thống Chí" thời Tự Đức không nghe tên này, chẳng thấy mô tả dấu vết xây cất. Phải chăng đây là kiểu tháp nhỏ, không đáng ghi chép? Nay ta đã khai quật khá công phu, gặp nhiều hiện vật bằng đá, tượng Phật bằng cây mù u, đồ gốm không men, nền nhà, chứng tỏ thời xa xưa có lúc gò đất cao này là nơi dân cư trù mật, về sau, trước nạn ngoại xâm, dân bỏ xứ ra đi, không trở lại. Di chỉ còn tìm được cho thấy đây là kiểu văn minh Ấn Độ, dính dấp đến đạo Bà La Môn. Phải chăng đây là ngôi tháp không to như tháp của người Chăm nay còn thấy ở miền Trung, trên nóc có những khía từ to đến nhỏ, sau cùng là chót tháp, mỗi nấc gọi là một tầng?
Bạn Giang Huỳnh đang đi kiếm cái tháp trong Đồng Tháp Mười
Kỹ sư Hồ Đình Hải trích dẫn Lê Hương (không rõ nguồn) như sau:
Không biết chắc thuyết nào là đúng, chỉ biết dân ta gọi tên Tháp Mười từ xưa lắc xưa lơ, và vì vùng đất này là một đồng trũng nước nên gọi nó là đồng Tháp Mười, trong đó đồng là danh từ chung. Lâu ngày, chữ đồng gắn liền với Tháp Mười thành Đồng Tháp Mười tạo thành một danh từ riêng luôn.
Thôi kệ, Tháp Mười xuất phát từ đâu cũng được héng bạn!
Nguyễn Hiến Lê với Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười
Có lẽ cuốn sách viết về Đồng Tháp Mười được nhiều người biết đến nhất là Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Sự ra đời của cuốn sách này khá éo le. Trong hồi ký của mình, cụ Nguyễn kể:
Sau khi nhận lời anh Vũ Đình Hòe viết giúp tờ Thanh Nghị , tôi khảo cứu thêm các cuốn sử, địa phương chí, các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-1866, đọc tất cả những gì liên quan đến Đồng Tháp để viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười , nhưng sau sáu bảy tháng viết xong thì Sở Bưu điện Sài Gòn không còn nhận đồ bảo đảm ra Hà Nội nữa vì giao thông trắc trở, tôi đành cất bản thảo đi, đợi một cơ hội khác. Cuốn đó tôi viết công phu, nhưng sau bản thảo mất ngay trong ngay trong Đồng Tháp Mười hồi tôi tản cư về đó, năm 1946. Tôi rất tiếc, và tám năm sau tôi phải viết lại”.
Cuốn sách được viết lại và do chính cụ Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1954, được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả. Đây được xem là cuốn sách du khảo về đất nước Việt Nam đầu tiên.
65 năm sau ngày tác phẩm ra đời, đọc lại mà tui tự thấy xấu hổ cho chính mình quá trời luôn. Bây giờ, đầy đủ phương tiện tra cứu, đi lại, lại thêm kinh nghiệm của người đi trước quá nhiều về thể loại này, vậy mà tui dám chắc mình không tài nào viết hay được dù chỉ bằng một góc của cụ Nguyễn Hiến Lê. Để lâu sợ quên những điều mình cảm nhận, nên tui đành mạo muội viết chút đỉnh về Đồng Tháp Mười, đặt tựa là 1/7 ngày trong Đồng Tháp Mười (1/7 ngày tức là... hơn 3 tiếng đồng hồ á!), nhưng không phải bây giờ, mà là từ từ đã... Dài quá rồi, đọc chán.
Phạm Hoài Nhân
Đi Đồng Tháp anh có nghé mộ của ông Nguyễn Hiến Lê không ?
Trả lờiXóa