12 thg 3, 2019

1/7 ngày trong Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước diện tích khoảng 700.000 ha của đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó nhiều nhất là ở Long An. Thủ phủ của vùng đất này là Kiến Tường - Mộc Hóa của Long An.

Xưa kia Nguyễn Hiến Lê viết Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nay để tiết kiệm thời gian ta chỉ đi tới chỗ trung tâm của Đồng Tháp Mười cho gọn, và dĩ nhiên là tới chỗ đã tổ chức thành điểm tham quan du lịch cho đỡ nhọc công thám hiểm. Hành trình vì thế trở thành Một phần bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, tức khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ thôi. Điểm du lịch đáp ứng được điều này là Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, ở Mộc Hóa, Long An.


Rừng tràm Đồng Tháp Mười

Không như hành trình của Nguyễn Hiến Lê ngày xưa, từ Sài Gòn bạn có thể đi xe hơi theo đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tới Tân An (Long An) rẽ phải theo quốc lộ 62, đi một mạch là tới làng nổi Tân Lập (cổng vào Khu Du lịch ngay QL 62). Hành trình này khoảng 100 km, mất khoảng 2 tiếng (nếu không trùng giờ cao điểm), và chúng ta không tính vào thời gian 1/7 ngày trong Đồng Tháp Mười. Chỉ tính từ lúc qua cổng thôi!



Sao kêu là Làng nổi? Có thể suy đoán dễ dàng rằng đây là vùng ngập nước, mà có nước thì... nổi! Gần đúng như vậy. Theo giải thích của cư dân sống lâu năm tại địa phương, Làng nổi Tân Lập trước kia là một vùng đất quanh năm ngập nước, dân quen sống chung với lũ và xây nhà ở trên những gò cao lêu khêu, cứ mỗi lần nước dâng là sàn nhà cũng được nâng lên theo mực nước, dần dà người ta quen gọi là “làng nổi”. Ngày nay, nơi này không còn cư dân sinh sống kể từ khi nhà nước có dự án phát triển thành khu du lịch sinh thái.

Gọi là Làng nổi, dễ hình dung rằng thời điểm đến đây hợp lý nhất trong năm là mùa nước nổi, tức khoảng tháng 8 - tháng 11 dương lịch. Đúng vậy, lúc đó phong cảnh đẹp hơn, mang nét đặc trưng của Đồng Tháp Mười hơn, nhưng lỡ đi vào thời điểm khác thì... cũng được, miễn là về nhà đừng chê: "Sao người ta đi chụp hình đẹp vậy mà tui thấy hổng phải vậy?"!

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập có diện tích hơn 135 ha vùng lõi và 500 ha vùng đệm. Đây là một khu rừng tràm nguyên sinh rộng lớn cùng với hệ động thực vật phong phú tại đây. Ngoài hệ sinh thái động thực vật đa dạng được bảo tồn tự nhiên, tại Làng Nổi Tân Lập còn có một số loài được bảo tồn và chăm sóc đặc biệt giúp chúng phát triển nhanh và đồng bộ, điển hình là cây tràm được trồng thêm suốt hơn 10 năm nay, tạo nên một mảng xanh mênh mông, nổi lên giữa đồng bằng. Vào mùa nước nổi, đồng ruộng xung quanh ngập chìm trong nước. Đứng trên cao nhìn xuống, Làng nổi Tân Lập tựa những chiếc bè xanh khổng lồ nổi bấp bênh trông như một quần đảo xanh thẳm giữa biển nước trắng xóa. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên với một môi trường xanh vô cùng sống động về một hệ sinh thái rừng ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười.


Bản đồ quy hoạch Làng nổi Tân Lập. Click vào hình để phóng to

Khi tui đến đây cùng bạn Giang Huỳnh thì mua vé combo giá 180.000 đ/người, bao gồm:
  • Tham quan các nhánh cung đường đan xuyên rừng tràm với tổng chiều dài trên 5 km, len qua từng điểm tham quan bên trong khu du lịch như Tháp Quan Sát, Cầu Chữ X, Hồ Bán Nguyệt. (Thời gian dự kiến 60 phút - 150 phút tùy theo lựa chọn lộ trình, quỹ thời gian & sức khỏe)
  • Tham gia tour thuyền chèo ba lá, du khách được người lái đò đưa đi qua cánh đồng lúa ma & len sâu vào trong những tán rừng tràm mát rượi. (Thời gian 25 - 30 phút)
  • Tham gia tour ngồi thuyền cáp kéo trên sông rạch Rừng, đi qua các cánh đồng sen & súng và tận mắt cảm nhận thực tế về hệ sinh thái động thực vật vùng ngập nước (Thời gian 50 phút)
  • Tham quan & tham gia các trò chơi vận động tại khu trò chơi dân gian (tự do)

Nếu đi vào thứ Bảy, Chủ Nhật thì có thêm loại vé 350.000 đ/người, ngoài các hạng mục trên còn thêm:
  • Buffet + BBQ nướng buổi trưa ( 10:30 - 14:30 : thứ 7, CN & ngày lễ ) với 20 món ăn mang hương vị đồng quê miền tây nam bộ.
Tour "thuyền chèo ba lá" hoặc "xuồng ba lá" là kêu vậy thôi, chớ thiệt ra... hông có cái lá nào hết, mà là xuồng composite. Thôi kệ, cái chính là mình được xuồng đưa đi (hoặc tự chèo, nếu biết) len lỏi qua những luồng nước trong rừng tràm. Trên là những tán lá tràm xanh mát, dưới là mặt nước miên man, xung quanh là tiếng chim ríu rít, tiếng lá xào xạc. Thỉnh thoảng có những chú chim bánh ít nhào xuống mặt nước bắt cá. Bức tranh Đồng Tháp Mười là đây.

Bảng ghi là xuồng ba lá

nhưng thật ra là xuồng composite

Xuồng đưa bạn đi qua đồng mênh mông nước, bao quanh là rừng tràm. Khung cảnh yên ả tuyệt vời.

Loài dây leo quấn chằng chịt quanh những thân tràm là dây bòng bong, giúp ta dễ hiểu thế nào là... rối bòng bong!

Những vùng lúa ma trên đồng nước


Tiết mục hấp dẫn khác là đi bộ xuyên rừng tràm. Vẫn là đi qua đồng ngập nước, nhưng người ta đã làm sẵn cầu bê tông để đi trên mặt nước. Con đường này dài đến 5 km (đánh một vòng sẽ quay lại chỗ cũ). Tùy, bạn có thể đi trọn con đường hoặc chỉ đi một phần nếu mỏi chân.



Dọc đường đi có những điểm dừng nghỉ như vầy:



À, dĩ nhiên là không thể thiếu nhà vệ sinh (mặc dù xung quanh toàn là nước, nhưng ai lại thải nước trong người ra bừa bãi, phải không bạn?)


Trên cung đường này có điểm dừng chụp ảnh khá thú vị, gọi là cầu chữ X, hồ bán nguyệt, hồ sen.


Cầu chữ X và hồ sen

Tiết mục đi thuyền cáp kéo là tiết mục... khá chán, vì nó dài (50 phút) và không quan sát được nhiều điều mới lạ hơn nếu bạn đã đi xuồng và đi bộ xuyên rừng tràm. Thuyền cáp kéo là những chiếc thuyền được moteur kéo vận hành theo dây cáp đặt dưới mặt nước. Kiểu như thang cuốn vậy, nghĩa là các chiếc thuyền này cứ mải miết chạy vòng vòng theo lộ trình vạch sẵn (dài khoảng 3 km) dù có người trên đó hay không.Công bằng mà nói, hình thức thuyền cáp kéo này khá mới lạ và có lẽ đầu tư cũng tốn bộn tiền. Có khách đi hay không đi thì cáp kéo vẫn kéo, chính vì vậy mà khu du lịch dụ khách mua vé đi thuyền cáp kéo bằng cách bán vé combo và tui là một trong những người bị dụ.

Đây là thuyền cáp kéo. Thuyền tự động di chuyển, không có người lái. Điều này đồng nghĩa với việc du khách không hề có người hướng dẫn hay trò chuyện gì trên chuyến đi.


Thuyền cáp kéo đi ngang qua hồ sen

Hãy khéo tính toán sao cho khi đi qua cả 2 tiết mục này và trở ra phía cổng thì... tới giờ cơm, vì nhà hàng nằm ở đây (xuồng chèo 30 phút, thuyền cáp kéo 50 phút, đi bộ xuyên rừng tràm thì... vô chừng). Món ăn ở đây khá ngon và rẻ. So với mua vé combo có ăn buffet trưa là 350.000 đ - nghĩa là phần ăn buffet 350.000 - 180.000 = 170.000 đ/người - thì tự gọi món ăn gần như chắc chắn là rẻ hơn, phù hợp hơn. Cẩn thận hơn nữa thì ngay khi mua vé hãy đặt thức ăn luôn để khi vừa về là có ngay phần ăn, khỏi đói bụng.

Cá lóc nướng trui

Cá linh chiên giòn. (Xin lỗi, ăn gần hết rồi mới nhớ chụp hình)

Ở đây còn một số tiết mục nữa mà tui chưa tham gia, vì đã lố thời gian cho chương trình 1/7 ngày trong Đồng Tháp Mười. Ngoài ra khu du lịch cũng đang xây dựng thêm những nội dung mới. Vậy chờ các bạn đi sau sẽ lại tiếp tục kể chuyện du lịch Đồng Tháp Mười nhé!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét