28 thg 3, 2019

Kim Long cổ tự - chùa cổ mà không cổ

Từ TP Biên Hòa đi theo Tỉnh lộ 24 về hướng Trị An, tới ngã tư Bến Cá đi thẳng theo hương lộ 7 khoảng 800 met, nhìn bên phải ta thấy một ngôi chùa có bảng tên: Kim Long cổ tự.



Có điều, khi bước vào trong, ta thấy ngôi chùa này... rất mới. Sao lại gọi là cổ tự?

Câu chuyện về ngôi chùa và cái tên của nó có liên quan đến quá khứ cách đây hơn ba trăm năm.


Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Sau vài thập kỷ hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài mang giáo pháp Phật Tổ cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn trực chỉ phía Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tại đây, Tổ cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật Nhất Tri kiến lập ngôi tổ đình Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong. Các ngôi Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong hiện vẫn tồn tại ở Biên Hòa, Đồng Nai và những ngôi cổ tự danh tiếng.

Cùng thời kỳ Tổ sư Nguyên Thiều kiến lập ngôi tổ đình Kim Cang thì một số người Hoa trong đoàn Trần Thượng Xuyên cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long để thờ Quan Công, gọi là chùa Ông, cả hai trong cùng một ấp. Ngôi tổ đình Kim Cang và đền Thanh Long được trùng tu nhiều lần nên được tồn tại cho đến năm 1946. Cuối 1946, ngôi tổ đình Kim Cang đã bị chiến tranh thiêu hủy hoàn toàn. Ngôi đền Thanh Long cùng chung số phận, cả hai di tích cùng được kiến tạo một thời thì cũng bị thiêu hủy một lúc.

Sau năm 1946, người dân mua lại ngôi nhà gỗ 3 gian dựng lại ngôi đền Thanh Long trên nền cũ và giữ biển hiệu là đền Thanh Long. Đến năm 1968, thửa đất tổ đình Kim Cang cũng còn nằm trong vùng bất an không được xây cất, tín đồ Phật giáo và hương chức trong địa phương mới đứng ra xây dựng đền Thanh Long thành một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo cũng như Quan Công. Chùa được ghép tên của hai di tích cổ là chùa Kim Cangđền Thanh Long lại thành Kim Long Cổ Tự. Năm 1998, chùa Kim Long được trùng tu lần thứ ba bằng bê tông cốt thép nguy nga tráng lệ như hiện nay.




Như vậy Kim Long cổ tự chính là ngôi chùa phát sinh từ chùa Kim Cang và đền Thanh Long. Thế nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó.

Năm 1988, tức hơn 40 năm sau khi chùa Kim Cang bị phá hủy, HT. Thích Minh Lượng, trụ trì Kim Long cổ tự được nhân dân phát hoang báo tin có tháp cổ của chùa. Ngay sau đó thầy cùng chư tăng đến dọn dẹp, cạo mối, chùi rửa và nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền Đức, tác giả quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đã đến sưu tầm cùng quý cụ đồ nho giúp đọc văn bia, mới phát hiện là bảo tháp của Tổ sư... Kế đó được cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, làm lễ chứng minh, nguyện hương cho công cuộc trùng tu ngôi bảo tháp của Tổ sư.

Mãi cho đến 20 năm sau nữa, Hòa thượng Thích Minh Chánh, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, trụ trì chùa Giác Minh mới đủ túc duyên phát nguyện xây dựng và trùng tu ngôi Tổ đình. Ngày 19/10 Mậu Tý (16/11/2008) tại bảo tháp Tổ sư và trên nền chùa xưa, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai hân hoan cung đón chư vị tôn đức giáo phẩm và chính quyền địa phương cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong vùng đến dự lễ húy kỵ Tổ sư khai sơn và lễ đặt đá trùng tu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang... trên khuôn viên rộng 4.609 
m2.

Bây giờ đã có ngôi chùa Quốc Ân Kim Cang thực thụ xây dựng đúng trên nền chùa cũ ngày xưa, nhưng Kim Long cổ tự vẫn xứng đáng là một ngôi chùa cổ, chứng nhân của những biến cố trong lịch sử Phật giáo Đồng Nai. Đây còn là ngôi chùa có kiến trúc rất đẹp, kết hợp hài hòa đường nét kiến trúc cổ mang đậm phong cách Á Đông và triết lý nhà Phật sâu sắc.

Chánh điện Kim Long cổ tự

Tượng Phật nơi chánh điện

Tháp mộ Hòa thượng Thích Minh Lượng


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét