12 thg 5, 2020

Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi

Chuyện là nhà bên cạnh có đám tang. Đến giờ di quan, giàn nhạc bỗng trỗi lên một giai điệu hết sức quen thuộc:

Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi...

Đó là bài Biệt kinh kỳ của Minh Kỳ - Hoài Linh, và tất nhiên đó không phải là... nhạc đám ma! Đó là khúc ca của người trai giã từ thành đô để ra chiến trận. Thế nhưng giai điệu thiết tha của một thuở xa xưa cùng với lời ca đi theo "Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi" tưởng như phù hợp với lời chia tay người ra đi vĩnh viễn, làm lòng tui chùng xuống, u hoài...



Hoài Linh là người viết lời cho bài Biệt kinh kỳ. Ông nổi tiếng là người có tài viết lời văn hoa, bay bướm, và có lẽ Biệt kinh kỳ là một trong những bài thể hiện tài năng ấy rõ nhất. Bài hát rất nhiều từ Hán Việt như quan hà, ly bôi, chiến y, kinh kỳ, thành đô... được lồng vào một cách tự nhiên khiến ta thấy như vẽ ra trước mắt một khung cảnh bi tráng hào hùng của một thời xa vắng.




Nhắc Biệt kinh kỳ, lại nhớ tới một bài biệt kinh kỳ khác, cũng của Minh Kỳ - Hoài Linh. Đó là bài Nếu một mai anh biệt kinh kỳ, thường được gọi tắt là Nếu một mai. Ừ nếu giới thiệu là Nếu một mai anh biệt kinh kỳ thì sẽ hát luôn cả hai bài Nếu một mai Biệt kinh kỳ. Bài nào cũng hay và thể hiện tài năng đặt lời của Hoài Linh. Không biết trong hai bài thì bài nào có trước, chỉ biết trên bìa sau một tờ nhạc có quảng cáo như sau:



Bạn đã có bản nhạc
biệt kinh kỳ
chưa đủ!!!
phải nên có
nếu một mai "anh biệt kinh kỳ"





Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Tôi yêu nhạc ngày xưa với những lời rất đẹp. Tuy nhiên tiếng Việt có đến 70% là Hán-Việt và lắm lúc dùng quen nên ta không cảm tưởng là như thế. Bây giờ thì lời đi đằng lời, nhạc đi đường nhạc. Lắm bài ỷ ôi bên tai vì bắt chước lối nhạc hiện tại "ma-dzê i Diu-ét-ê", viết nhạc rồi nhét lời nghe chướng mẹ nó cả tai.

    Trả lờiXóa