31 thg 7, 2020

Dinh Bà ở Phú Quốc

Ở Phú Quốc có tới 4 Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, trong đó Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu ở Dương Đông là một trong 2 dinh lớn nhất (còn lại là Dinh Bà ở Hàm Ninh). Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Dương Đông chỉ nằm cách Dinh Cậu vài chục mét.

Mặt tiền Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu Dương Đông. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thủy Long Thánh Mẫu là thần Nước (Bà chớ không phải Ông, tất nhiên rồi). Bà còn được gọi với nhiều tên khác nhau: Thủy Long Thần nữ, Bà Thủy, Bà Thủy Tề, Thủy Đức Thánh Phi...

Theo truyền thuyết về Dinh Cậu được ghi lại trong 
Sắc thái văn hóa sông nước miền U Minh (Nguyễn thị Diệp Mai, NXB Dân Trí, Hà Nội 2011) thì Thủy Long Thần nữ cai quản đảo Phú Quốc. Con của bà cãi lời mẹ, nghịch ngợm giải thoát cho Sấu Tinh đang bị giam giữ, nên Cậu phải đời đời canh giữ trên lưng Sấu Tinh, dù nó đã hóa đá nhưng linh khí vẫn còn (tức mõm đá nơi xây dựng Dinh Cậu hiện nay). Dân chúng thương Cậu phải chịu cảnh mưa nắng nên lập miếu thờ ngay trên lưng núi đá, đó là Dinh Cậu.

Như vậy Thủy Long Thần Nữ, hay Thủy Long Thánh Mẫu chình là mẹ của Cậu ở Dinh Cậu.

Cổng tam quan Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thế nhưng trên bài vị đặt ở Dinh Cậu, giữa tượng 2 cậu thì ghi Chúa Ngọc Nương Nương, ý rằng Bà Chúa Ngọc hay còn gọi Bà Chúa Tiên là mẹ của 2 cậu. Mà Bà Chúa Ngọc thì... không phải Thủy Long Thánh Mẫu!

Xa hon nữa, theo các nhà nghiên cứu thì từ mô thức Thiên Y A Na (thần nữ trong tín ngưỡng của người Chăm) cùng 2 người con trai của bà khi vào Việt Nam đã biến thiên thành nhiều dạng khác nhau: Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Ngung Man Nương, Thượng Động Cố Hỉ, Thủy Long Thánh Phi, Bà Chúa Hòn.... Như vậy Bà Chúa Ngọc hay Thủy Long Thánh Phi (Thủy Long Thánh Mẫu) cũng là do Thiên Y A Na biến thể mà ra thôi!

Dù sao đi nữa, nếu Thủy Long Thánh Mẫu không phải là mẹ của Cậu ở Dinh Cậu, thì cũng là bề trên của Cậu, ngang vai vế với mẹ.

Khác với Dinh Cậu nhỏ xíu, Dinh Bà rất rộng lớn, xây dựng tráng lệ, bề thế. 

Dinh Bà được xây dựng trên gò đất cao, rộng khoảng 500 m, mặt dinh hướng ra biển, được bao quanh bởi tưởng rào chắc chắn. Dinh được xây theo dạng chữ tam, có mái cong hình thuyến, trên đỉnh có hình Long - Lân - Quy - Phụng đắp nổi và nhiều bao lam hình hoa lá, muông thú thể hiện sự phồn thịnh, sung túc của vùng đất này. Nhìn từ ngoài cổng vào trong, gồm cổng tam quan được xây dựng kiên cố, toàn bộ sân lát đá hoa cương và cây phướn cao khoảng 18 m, tiếp đó là chánh điện và nhà khói.

Bên trong chánh điện được bài trí lọng che, bát bửu, tủ đựng trang phục. Tượng Bà đặt trên bàn thờ giữa chánh diện, hai bên là bàn thờ Tá ban và Hữu ban. Ngoài ra còn có nhiều câu đối, hoành phi được sơn son thếp vàng làm cho dinh Bà thêm trang nghiêm.

(phần mô tả này lấy theo Tín ngưỡng dân gian Phú Quốc, Nguyễn Bình Phương Thảo & Nguyễn Thanh Lợi, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016).



Chánh điện Dinh Bà uy nghi, lộng lẫy. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Dinh Bà to lớn hơn Dinh Cậu rất nhiều, vai vế của Bà cao hơn của Cậu mà khách du lịch lại chỉ được giới thiệu tham quan Dinh Cậu chớ ít (thậm chí là không) tham quan Dinh Bà?

Tui ngồi ngẫm nghĩ và tự trả lời như sau:

Xét về mặt tín ngưỡng thì chắc rằng Dinh Bà được tôn kính hơn Dinh Cậu, bằng chứng là trong thời gian ngắn lưu lại nơi đó tui thấy số người vô cúng bái ở Dinh Bà đông hơn hẳn ở Dinh Cậu.

Cả 2 dinh đều ở ngay bờ biển, nhưng Dinh Cậu nằm trên một mô đá nhô ra biển, sát bên đó là những khối đá nhấp nhô kỳ dị, còn Dinh Bà là một khối nhà nằm trong phố, tuy cũng hướng ra biển nhưng tầm nhìn bị khuất bởi một số dãy nhà trước mặt.

Tóm lại là Dinh Cậu hơn Dinh Bà ở cái View! Dân du lịch thì mục đích chính là ngắm cảnh, chụp hình chớ không phải đi lễ, nên không quan tâm đến Dinh Bà là điều tất nhiên thôi!

Rồng trước cửa Dinh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trước sân dinh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét