1 thg 8, 2020

Về Phú Quốc để... tôn vinh phụ nữ

Người Việt ta không theo chế độ mẫu hệ, nhưng từ xa xưa vị trí và vai trò của Mẫu đã vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Đạo Mẫu không phổ biến nhiều ở trong Nam như ngoài Bắc, nhưng ở trong Nam vào các đền, miếu có rất nhiều hình tượng nữ thần, bà chúa... được người dân tôn thờ.

Không biết có nhận xét phiến diện chăng, nhưng đến Phú Quốc tui có cảm giác các Mẫu được người dân thờ cúng ở đây nhiều hơn hẳn những nơi khác.

Thánh mẫu cung ở Bảo tàng Cội nguốn, Phú Quốc. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Trước tiên là Thủy Long Thánh Mẫu. Cứ theo tên gọi, thì đây là vị nữ thần được ví như rồng trông coi việc sông nước, biển cả. Bà còn được gọi với nhiều tên khác nhau: Thủy Long Thần nữ, Bà Thủy, Bà Thủy Tề, Thủy Đức Thánh Phi... Ở Phú Quốc có tới 4 nơi thờ bà, gọi là Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu, ở các nơi sau: 1. Khu phố 2, thị trấn Dương Đông; 2. Ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh; 3. Ấp Hòn Thơm, xã Hòn Thơm; 4. Ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn. Được du khách nhiều nơi biết đến nhất là Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu ở Dương Đông (gần Dinh Cậu), kế đến là Dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu ở Hàm Ninh.

Thánh Mẫu Thủy Long ở Bảo tàng Cội nguốn, Phú Quốc. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Kế đến là Bà Chúa Xứ. Các nhà nghiên cứu cho rằng Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ chính là Po Nagar của người Chăm, Việt hóa thành Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi. Theo Sơn Nam (Đình miếu và lễ hội dân gian) thì Thiên Y A Na, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ là những biến thể của nhau ở Nam bộ. Tại Phú Quốc có đến 6 nơi thờ Bà Chúa Xứ, hầu hết là miếu thờ nằm trong khuôn viên chùa, có một Dinh Bà Chúa Xứ ở xã Thổ Châu.

Bà Chúa Xứ và... những Bà khác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Kế tiếp nữa không phải một mà đến... 5 bà, đó là Ngũ Hành nương nương, hay Bà Ngũ Hành. Đây 5 vị nữ thần thường được thờ trong các đền miếu Nam bộ, gồm: Thổ Đức thánh phi (áo vàng),  Hỏa Đức thánh phi (áo đỏ), Kim Đức thánh phi (áo trắng), Thủy Đức thánh phi (áo đen), Mộc Đức thánh phi (áo xanh lục). Ở đây ta lại thấy có tên Thủy Đức thánh phi trùng với tên của Thủy Long thánh mẫu. Ở Phú Quốc có đến 3 nơi thờ Ngũ Hành Nương Nương riêng lẻ gồm Vạn Bàng Ngũ Hành Dinh Ngũ Hành ở đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Dương Đông), miếu Năm Bà (thị trấn An Thới). Ngoài ra 5 bà Ngũ Hành cũng xuất hiện trong một số ngôi chùa trên đảo.

Kế đến là những nhân vật thờ phụng mà người dân gọi là Bà Cô - Ông Quận. Đó là những đồng nam, đồng nữ chết vào giờ linh nên hiển thánh (tương tự như Cô ở Dinh Cô Long Hải). Ở Phú Quốc có khoảng chục nơi thờ cúng Bà Cô - Ông Quận như vậy, trong đó đến 7 nơi là thờ Bà Cô. Trong số các bà cô ấy thì linh thiêng nhất chắc là Cô Sáu, có tới 4 nơi thờ Cô Sáu là: Am Cô Sáu nằm trong chùa Hưng Sơn; Miếu Cô Sáu ở khu phố 4, thị trấn An Thới; Dinh Cô Sáu ở ấp Hòn Thơm và ấp Bãi Nam, xã Hòn Thơm.

Sau cùng là hai nhân vật đặc sản của Phú Quốc, nơi khác không có.


Kim Giao Thần Nữ. Ảnh Phạm Hoài Nhân

Thứ nhất là Bà Kim Giao, tức Kim Giao Thần Nữ. Tương truyền bà là người có công khai phá đảo Phú Quốc, được dân chúng biết ơn. Có thuyết cho rằng: Kim Giao Thần Nữ là người xuất thân từ dòng dõi vua chúa Cao Miên. Do triều đình chiến tranh loạn lạc nên Bà đã ra đi, đặt chân lên hòn đảo này định cư và dạy dỗ những người dân theo Bà cách làm ăn sinh sống. Bà cỡi trên lưng trâu để vượt biển sang đây, và ngày nay có những địa danh gắn liền với Bà như: Đồng Bà (nơi Bà buộc trâu), Búng Dinh Bà (nơi Bà dựng Dinh Trại), ngã Ba Trại hay Vũng Trâu Nằm (đều ở Cửa Cạn). Nhiều nguồn tư liệu cho rằng các Dinh Thủy Long Thánh Mẫu chính là thờ Bà Kim Giao. Điều này có phần hợp lý vì người dân khi yêu kính ai thường thần thánh hóa người đó và gán cho họ hình ảnh một vị thần linh có sẵn. Tuy nhiên có những nguồn khác cho rằng Kim Giao Thần nữ là nhân vật khác với Thủy Long Thánh Mẫu. Ở Cửa Cạn, có dinh Kim Giao Thần nữ, nằm cạnh dinh Ông Bổn, dinh Ông Nam Hải, mặt hướng ra sông Cửa Cạn.

Bà Lớn Tướng Lê Kim Định. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thứ hai là Bà Lớn Tướng. Bà tên thật là Lê Kim Định, là vợ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Bà cùng chồng ra đảo khi Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp truy đuổi sau trận Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần. Bà Lớn Tướng nghĩa là vợ lớn của ông Tướng. Khi giặc Pháp truy đuổi, trong điều kiện khốn khó giữa rừng, bà mất sau khi sinh đứa con trai. Người dân cho rằng bà rất linh thiêng, giúp dân nên thờ cúng ở nhiều nơi. Linh vị Bà đặt ở đình thần Cửa Cạn, dinh Bà được thờ ở ấp Ông Lang.

Vậy đó, ở Phú Quốc dường như đi đâu cũng thấy những phụ nữ được kính yêu, tôn thờ. Bạn thấy như vậy đã đủ nhiều chưa?


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét