4 thg 3, 2023

Tháp chuông ở nhà thiếu nhi

Hồi đó lâu rồi, trong một dịp làm anh khách lạ đi lên đi xuống ở đường phố Pleiku, tui thấy thấp thoáng phía xa nhô lên một tháp chuông. Có tháp chuông thì tất nhiên là có nhà thờ chớ còn gì nữa. Vốn thích tìm hiểu về các kiến trúc chùa, nhà thờ, tui rảo bước về hướng đó để chụp vài tấm hình. Tới nơi, tui mới ngạc nhiên kêu lên: Ủa, hổng phải nhà thờ! Đó là nhà thiếu nhi tỉnh Gia Lai.

Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, năm 2012

Tui ngạc nhiên lắm, nhưng rồi cũng quên đi, chỉ thắc mắc thầm: Tay kiến trúc sư nào có ý tưởng lạ đời quá, không biết xây cái tháp cao như vậy trong khuôn viên nhà thiếu nhi để làm gì!

Nhiều năm sau, ngồi uống cà phê ở Biên Hoà với người bạn thân, biết tui thường về Pleiku, anh nhắc kỷ niệm ngày xưa từng uống cà phê ở một quán cà phê rất đẹp, rất ngon ở Pleiku. Tui hỏi quán tên gì, ở chỗ nào. Anh nói lâu quá quên rồi, chỉ còn nhớ quán nằm gần bên Nhà thờ Quân đội.

Tui sục sạo trên Google Maps tìm hoài cũng không thấy cái nhà thờ quân đội ở Pleiku nằm tại đâu hết.

Sau cùng, tui mới biết ra rằng Nhà thờ Quân đội chính là cái nơi mà bây giờ là Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai.

Nhà thờ giáo xứ Hiếu Đạo khi mới khánh thành năm 1968. Ảnh: Giáo phận Kontum

Theo website của giáo phận Kontum thì giáo xứ Hiếu Đạo được thành lập từ năm 1960 với tên là Giáo xứ Pleiku II, có 900 giáo dân. 
Ngày 02/05/1962, giáo xứ Pleiku II được gọi là Giáo xứ Hiếu Đạo, với 2.000 giáo dân.

Do số giáo dân tăng nhanh, ngày 01/04/1968, cha sở Tôma Lê Thành Ánh cho khởi công xây cất nhà thờ mới, thánh lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 22/06/1968. Nhà thờ Hiếu Đạo tọa lạc tại trung tâm thành phố Pleiku với 4 mặt đường: Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám ngày nay (cổng chính đường Hai Bà Trưng). Diện tích khu đất: 6.529 m²; Diện tích xây dựng: 500 m² có sức chứa 1.200 người.

Biến cố năm 1975, Cha sở Tôma Lê Thành Ánh bị "đi cải tạo". Website nhathothaiha.net ghi nhận: Nhà cầm quyền lấy lý do linh mục chính xứ làm tuyên úy cho quân đội: “Nhà thờ Hiếu Đạo là của quân đội chế độ cũ, nên thuộc diện ‘chiến lợi phẩm” để đóng cửa nhà thờ và chiếm nhà xứ chia cho các gia đình cán bộ".

Nhà thờ Pleiku II (Hiếu Đạo) thuở ban đầu. Ảnh: Giáo phận Kontum

Linh mục Giuse Trần Sơn Nam bị bắt đi học tập cải tạo hồi 8 g 30 ngày 07/06/1976 và được cải tạo 12 năm. Trong bản tường trình về nhà thờ Hiếu Đạo gửi cho Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh ngày 18/10/2006 ông viết:

“Khi bị bắt, Cha Phaolô Hoàng Văn Quy được con ủy quyền về nhà này để chứng kiến việc xét nhà, cha chưa về kịp con đã bị bắt đưa đi. Toàn bộ tài sản vật dụng và hồ sơ về Nhà Xứ đều để lại hết. Con chỉ kịp đem theo vài bộ quần áo và chiếc áo dòng đen đựng trong một túi xách đeo lưng”

“Hiện ngôi nhà xứ được chia cho cán bộ sử dụng, gồm năm căn hộ. Một số ghế nhà thờ còn thấy tại Thành đội Pleiku. Cây đàn lớn phòng văn hóa thông tin đang sử dụng. Quả chuông lớn trong số 3 quả chuông hiện đang để tại nhà hầm của nhà thờ.”

Trang web của Giáo phận Kontum viết nhẹ nhàng hơn:

Ngày 24/12/1975 Nhà nước kiểm kê, niêm phong và quản lý Nhà thờ Hiếu Đạo, lấy lý do là “nhà thờ quân đội”.

Sự thật, cũng như người ta thường gọi: Nhà thờ Thăng Thiên là Nhà thờ núi đá hay Nhà thờ Diệp Kính (đối diện rạp chiếu bóng Diệp Kính), Nhà thờ Thánh Tâm là Nhà thờ gà cồ (gần tiệm giặt ủi hiệu Gà cồ) hoặc Nhà thờ bến xe (gần bến xe); người ta cũng thường gọi Nhà thờ Hiếu Đạo là Nhà thờ Chợ mới (vì ở khu Chợ mới) hoặc Nhà thờ quân đội (vì tọa lạc trước Bến xe quân đội), hoặc Nhà thờ Pleiku II (để phân biệt với Pleiku I là Thăng Thiên, Pleiku III là Thánh Tâm và Pleiku IV là Đức An).

Như vậy, theo Giáo phận Kontum thì nhà thờ Hiếu Đạo còn được gọi là Nhà thờ Quân đội chỉ là vì toạ lạc trước Bến xe quân đội mà thôi.

Nhà thờ Hiếu Đạo đang xây dựng năm 1968. Ảnh: Giáo phận Kontum

Các linh mục, giáo dân làm chứng và chưng dẫn đầy đủ các giấy tờ cần thiết để cho thấy đây là một nhà thờ Công giáo của Giáo hội Công giáo với công sức xây dựng của bà con giáo dân Hiếu Đạo và Giáo phận Kontum, nhưng... quyền quyết định là của chính quyền tỉnh Gia Lai.

Gần nửa thế kỷ qua, giáo xứ Hiếu Đạo vẫn còn đó nhưng không có nhà thờ, các đoàn thể, từng giáo họ và ban hành giáo vẫn nhờ các Giáo xứ bên cạnh để sinh hoạt.

Giáo phận Kontum đã nhiều lần xin chính quyền giao trả nhà thờ Hiếu Đạo lại cho giáo dân. Trong lá thư Mùa Vọng năm 2019 được gửi đến cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum có viết: “Có một thông tin tôi muốn gửi đến anh chị em để xin lời cầu nguyện. Giáo xứ Hiếu Đạo thuộc Giáo Hạt Pleiku hiện nay không có nơi thờ tự. Tòa Giám Mục đang xin với chính quyền thành phố Pleiku và tỉnh Gia Lai cấp lại cho giáo xứ ngôi Nhà Thờ đã bị trưng thu vì một sự hiểu lầm đáng tiếc. Cầu mong cho anh chị em giáo xứ Hiếu Đạo sớm được như ý nguyện”.

Đến giờ - đầu năm 2023 - nơi đây có chút thay đổi, nhưng chỉ là đổi từ Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai thành Nhà thiếu nhi thành phố Pleiku, chớ không phải trở lại thành Nhà thờ Hiếu Đạo như nguyện ước của giáo dân.

Nhà thiếu nhi TP Pleiku. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, năm 2022

Tui không phải là dân Pleiku, cũng không phải giáo dân nên chỉ tìm hiểu và ghi lại thông tin ở đây thôi, không dám có ý kiến đúng sai. Chỉ có điều, về mặt cảm nhận thấy quả là... bất nhẫn.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét