Nguyễn Thành Phương là ai? Những người tuổi hàng 7 hoặc hàng 6 đời cuối có lẽ còn nhớ đó là tên một nhân vật khá nổi tiếng. Tui cũng nhớ mang máng đó là một tướng lãnh của quân đội Cao Đài cùng thời với Trịnh Minh Thế, nhưng để chắc ăn, tui search Google để biết thêm chi tiết. Thì đây, Wikipedia cho biết:
Nguyễn Thành Phương (1912-) là một chỉ huy quân sự cao cấp trong Lực lượng vũ trang của Đạo Cao Đài. Ông từng là Tổng chỉ huy Quân đội Cao Đài, giữ vai trò như một quân phiệt cát cứ trong thời kỳ nửa cuối Chiến tranh Đông Dương, về sau quy thuận Chính phủ Quốc gia Việt Nam, rồi phục vụ cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa với cấp bậc Trung tướng.
Vậy là nhớ đúng rồi, nhưng mà ủa, hình như có cái gì sai sai ở đây. Ông này là tướng của Cao Đài, rồi sau là Việt Nam Cộng Hoà, vậy sao lại được nhà nước Việt Nam Cộng sản ưu ái ghi ơn bằng cách đặt tên đường? Hay là sau này ổng tiếp tục quy thuận chính quyền cách mạng, hoặc hơn nữa ổng là... gián điệp kiểu Phạm Xuân Ẩn hay Vũ Ngọc Nhạ?
Tui tiếp tục tìm đọc tiểu sử trung tướng Nguyễn Thành Phương coi có công lớn gì với cách mạng không. Nhưng không, cũng theo Wikipedia:
Tháng 11/1955, tân Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh khởi tố ông trong bản án gây tranh cãi về tội "tàng trữ xe hơi", sa thải ông khỏi các chức vụ trong quân đội và chính quyền, đồng thời tịch thu tài sản. Từ đó ông có thái độ bất mãn, nhưng do sự kiểm soát quá chặt chẽ, nên hầu như không thể làm được gì. Năm 1961 ông tìm cách ra tranh cử với vai trò ứng cử viên Phó Tổng thống đứng cùng với ứng cử viên Tổng thống Nguyễn Đình Quát nhiệm kỳ 1961-1966 trong liên danh II nhưng không đắc cử vì số phiếu quá ít. Cuộc đời chính trị của ông chấm dứt thê thảm trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn.
Vậy chắc ông Nguyễn Thành Phương được đặt tên đường phải là ông Phương khác rồi. May quá, tui còn một mớ tài liệu để sục sạo và được biết thông tin như sau:
Nguyễn Thành Phương là liệt sĩ, đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, nguyên chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Bình Trước, Biên Hoà. Đường Nguyễn Thành Phương dài 2.000 met, rộng 10,5 met, lộ giới 20,5 met, từ đường Hà Huy Giáp vào ấp Vĩnh Thị (phường Thống Nhất). Đường nằm trên khu vực quê ông, tưởng nhớ người liệt sĩ cách mạng của Bình Trước, Biên Hoà.
Theo "Đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại TP. Biên Hoà", được nghiệm thu và thông qua năm 2000
Ờ, vậy đó. Ai chưa biết thì đọc cho biết. Ai là đạo hữu đạo Cao Đài có đi ngang Biên Hoà thấy đường Nguyễn Thành Phương đừng tưởng rằng một nhân vật cấp cao trong đạo của mình được đặt tên đường nghen!
Phạm Hoài Nhân
Thứ nhứt, Nguyễn Thành Phương không phải là nhân vật cấp cao của đạo Cao Đài. Thứ hai, Nguyễn Thành Phương còn tội đồ của đạo Cao Đài.
Trả lờiXóa