5 thg 1, 2024

Bông giấy

Miền Nam kêu hoa là bông. Hầu hết các loại bông hoa đều có thể thay đổi lẫn lộn giữa chữ hoa và chữ bông, như hoa mai, hoa cúc, hoa huệ... thành bông mai, bông cúc bông huệ. 

Có một thứ bông mà không đổi thành hoa, và tên của nó phải đi kèm chữ bông chớ không đứng một mình được, đó là bông bụp. Không ai kêu là hoa bụp, cũng không kêu gọn lỏn là bụp (ờ, kêu bụp là hiểu khác à nghen).

Bông giấy ở La Gi, Bình Thuận

Một loại bông khác có thể đổi thành hoa, nhưng rất hiếm, đó là bông giấy. Tên của loại flower này cũng phải đi kèm với chữ bông chớ không đứng đơn lẻ một mình. Hai chữ bông giấy đi liền nhau quen thuộc tới mức ai kêu là hoa giấy ta có cảm giác lạ lạ. Lại có người cho rằng tên đầy đủ của loại hoa này là "bông giấy", nên họ gọi nó là hoa bông giấy (như minh họa trong hình).


Thật ra cái mà mọi người gọi là bông của cây bông giấy không hẳn là bông mà là lá bắc, thành phần tiếp nối giữa lá và bông.


Như hình trên, cái ở giữa mới là bông, còn cái giống như cái lá bao bên ngoài thì là... lá bắc. Nhưng thôi, ông bà ta đã kêu nguyên cái cụm đó là bông giấy rồi thì đương nhiên nó là bông giấy, ta chẳng cần đính chánh theo thuật ngữ thực vật học chi cho nó rắc rối.

Bông giấy dễ trồng, dễ sống, chịu hạn tốt, lâu tàn, bông đơn giản nhưng nhìn nguyên chùm lại rất đẹp. Chính vì vậy nên bông giấy được trồng rất nhiều nơi. Đâu cũng có.

Không biết ở đâu bông giấy nhiều nhất và đẹp nhất, nhưng theo cảm nhận cá nhân tui ở những nơi đã đi qua thì Bình Thuận là nơi có nhiều bông giấy nhất và rất đẹp.

Giàn bông giấy to nhất, rực rỡ nhất, nổi tiếng nhất Bình Thuận - và có thể là nhất nước - là giàn bông giấy ngay trước cổng cảng Phan Thiết, nơi du khách thường đón tàu đi đảo Phú Quý. Vị trí này quá thuận lợi, ở ngay ngã ba, ngay cảng nên chủ nhà mở quán cà phê Bông Giấy. Khách du lịch, khách đi tàu có thể đến đây uống cà phê, chờ tàu, chụp hình với giàn bông giấy. Mà tới chỉ để chụp hình với giàn bông giấy chớ không uống gì hết chủ quán vẫn vui vẻ, nhiệt tình. Trên mạng có rất nhiều hình về giàn bông giấy này, ví dụ đây là hình của báo Thanh niên.


Bông giấy nở rộ như hình trên là vào khoảng tháng 2 đến tháng 5, mùa nắng. Càng nắng càng nhiều bông rực rỡ. Tui cũng ham vui, tới đây check in, nhưng không phải vào thời điểm đó nên bông không nhiều.




Giàn bông giấy này không phải từ một gốc mà đến 5 gốc, được trồng từ năm 2010. Hồi mới trồng gia đình không hề có ý tưởng tạo nên một giàn bông giấy khổng lồ như vậy. Giàn bông phát triển tự nhiên, và vài năm gần đây có khách du lịch thấy thích thú chụp hình đăng lên mạng nên nổi tiếng tới giờ.

Như đã nói ở trên, không chỉ ở Phan Thiết, tới Bình Thuận ta sẽ gặp rất nhiều bông giấy ở rất nhiều nơi như Hòn Rơm, Mũi Né, La Gi... Trời càng nắng bông giấy càng rực rỡ.

Bông giấy ở Coco Beach resort

Bông giấy ở Dinh Thầy Thím

Phạm Hoài Nhân

PS:
 
Một chút nhiều chuyện về quán Bông Giấy ở Phan Thiết:

Quán Bông Giấy ở số 252 Võ thị Sáu, Hưng Long, Phan Thiết. Như ta thấy trong hình đây không chỉ là quán cà phê mà còn là quán ăn, giá món ăn khá rẻ (thời điểm cuối năm 2023).

Anh Hai Chương (áo đen), chủ quán, rất nhiệt tình tiếp chuyện khách.

Người trồng cây bông giấy là cụ Nguyễn Khanh, ba anh Hai Chương, năm nay 85 tuổi. Trước đây là ông cụ là nghệ sĩ đờn ca tài tử trong đoàn cổ nhạc Ánh Sao, đêm thứ sáu hằng tuần biểu diễn bên bờ sông Cà Ty. "Di tích" của đoàn Ánh Sao là đây (người trong hình không phải nghệ sĩ của đoàn).

Má của anh Hai Chương, nay cũng trên 80.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét