Ở Đồng Nai có 2 nấm mồ tập thể như vậy, nấm mồ của những chiến sĩ đã hy sinh thời kháng Pháp.
1. Mộ Đoàn văn Cự và 16 nghĩa binh
Trong phong trào chống thực dân Pháp ở Biên Hòa đầu thế kỷ XX có tổ chức yêu nước được thành lập dưới hình thức Hội kín (Thiên Địa hội). Ở Biên Hòa có tổ chức Thiên Địa Hội do ông Đoàn Văn Cự lãnh đạo. Ông sinh năm 1835, quê tại làng Bình An, Thủ Đức (trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa), trong một gia đình nho học. Cha ông là nhà nho uyên thâm, có tinh thần yêu nước. Gia đình ông bị thực dân Pháp theo dõi. Đoàn Văn Cự đưa gia đình đến vùng Bưng Kiệu, Vĩnh Cửu (khu vực Tam Hòa ngày nay) sinh sống. Dưới danh nghĩa một người dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, ông đi nhiều địa bàn tuyên truyền về việc tập hợp nghĩa quân chờ thời cơ đánh Pháp.
Lực lượng của Thiên Địa Hội do Đoàn Văn Cự lãnh đạo khá đông đảo và có mặt trên địa bàn rộng lớn của tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ. Một số hội viên đông đảo tập trung vùng Chợ Đồn, Bình Đa, Cù lao Phố, Núi Nứa (nay thuộc Bà Rịa). Để chuẩn bị cho đại cuộc đánh Pháp, ông cho tích lũy lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn vũ khí, luyện tập cho nghĩa quân… và chọn vùng rừng Bưng Kiệu làm căn cứ.
Thực dân Pháp nắm được tin tức về hoạt động và theo dõi. Ngày 8 tháng 4 năm 1905, chúng cử một đội lính mã tà dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan người Pháp bao vây căn cứ Bưng Kiệu. Biết được tin, Đoàn Văn Cự tổ chức cho nghĩa quân bố phòng, mai phục chờ thời cơ khi địch tấn công vào căn cứ. Thế nhưng, mai phục cả ngày vẫn chưa thấy địch xuất hiện, Đoàn Văn Cự cho nghĩa quân nghỉ ngơi. Thừa lúc sơ hở này, đội lính xiết chặt vòng vây và dẫn quân tiến thẳng vào ngôi nhà Đoàn Văn Cự đang ở.
Trước bàn thờ Tổ, Đoàn Văn Cự trong bộ trang phục uy nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình thắt dây lưng màu hồng, hông giắt đoản đao đầu hổ…Khi thấy viên sĩ quan Pháp dẫn lính vào, Đoàn Văn Cự quắc mắt nhìn và vung đoản đao chém thẳng vào chúng. Viên sĩ quan Pháp bị thương nhưng kịp rút súng bắn thẳng vào Đoàn Văn Cự. Ông hy sinh!
Sau khi giết được thủ lĩnh của Hội kín, quân lính địch càn phá căn cứ và truy đánh lực lượng nghĩa quân. 16 nghĩa quân bị chúng giết đem chôn cùng xác của cụ Đoàn Văn Cự trong một nấm mồ chung bên dòng Suối Linh.
Hương án thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa sĩ Thiên địa hội
Suối Linh, nay đã cạn dòng
Ngoài ra, nhân dân còn lập đền thờ ông. Di tích đền tọa lạc trên Quốc lộ 15 – nay là đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp. Ngôi đình cũng được xây cất từ năm 1956 làm chỗ tôn thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, cách phần mộ khoảng 1km về hướng đông bắc. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, kiến trúc xây theo kiểu chữ tam, gồm hai phần chính: nhà võ ca và chánh điện. Nhà võ ca đối diện với đền thờ chính; bên trong có sân khấu nhỏ dùng để tổ chức hát bội trong những dịp tổ chức đại lễ. Chánh điện chia thành ba gian bởi những hàng cột gỗ sao, trên cột đều có liễn đối. Gian chính giữa thờ thần, bàn hương án bằng gỗ khắc chạm rồng chầu mặt trời, chim muông... được sơn son thếp vàng, hai bên là hàng bát bửu. Hai gian bên thờ tả hữu ban liệt vị. Dọc mặt tường tả hữu thờ Tiền Hiền, Bạch Mã, Tiên Sư, Thổ Công.
Đền thờ Đoàn văn Cự
2. Mộ lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh:
Ngày 24 tháng 2 năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Duy tử trận, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương phải rút về Biên Hòa dựng đồn lũy chống giặc. Để ngăn chặn quân Pháp đánh chiếm toàn tỉnh Biên Hòa, Triều đình Huế cử Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng vào Biên Hòa chỉ huy, xây dựng tuyến phòng ngự Bá Ký, sông Kỳ Giang, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng đã thu nạp tàn quân sau trận đại đồn Chí Hòa, chiêu mộ nghĩa quân người địa phương, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp từ Biên Hòa xuống.
Ngày 13 tháng 12 năm 1861, tướng Bonard ký lệnh đánh chiếm Biên Hòa do đích thân tướng Bonard cùng các đại tá Foucault, đại tá Domenech Diego, thiếu tá Lecbris chỉ huy với 1.000 quân Pháp, Tây Ban Nha và 2 chiến hạm. Ngày 15 tháng 12 năm 1861, quân Pháp tấn công tỉnh Biên Hòa. Quân triều đình ở đồn Mỹ Hòa rút chạy. Khi chúng tới phá cản đá ở sông Đồng Nai, quân triều đình và nghĩa quân chống trả quyết liệt, bắn trúng 54 phát thần công vào tàu Alarne, nhưng đạn công phá kém, chỉ làm gẫy cột buồm. Quân Pháp phá được cản. Ngày 18 tháng 12 năm 1861, quân Pháp chiếm được tỉnh thành Biên Hòa. Quân Pháp đánh chiếm các pháo đài ven sông một cách dễ dàng.
9 giờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 1861, đại tá Domenech Diego chỉ huy một cánh quân đánh chiếm huyện lỵ Long Thành. Khi chúng tới gần ngã ba Nha Mát, ấp Bà Ký thì bị Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy quân triều đình và nghĩa quân đánh trả quyết liệt, quân ta chỉ có súng trường khai hậu, bắn phát một và giáo mác, song đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc Pháp, giết và làm bị thương nhiều tên. Cuộc chiến đấu kéo dài đến tận 14 giờ, quân ta bị tổn thất nhưng vẫn giữ vững trận địa. Quân Pháp đã phải rút về phía sau củng cố đội hình. Đúng lúc đó thì đại tá Lepperut đã vượt sông Đồng Nai đến tiếp viện cho đại tá Diégo. Cuộc chiến đấu giữa quân ta và quân Pháp trở nên gay go quyết liệt. Nguyễn Đức Ứng bị trọng thương và hy sinh vào ngày 26 tháng 12 năm 1861.
Quân sĩ và nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu, cho tới khi quân Pháp hoàn toàn chiếm được Long Thành.
Mặc dù bị giặc Pháp ngăn cấm, nhân dân vẫn đấu tranh, an táng lãnh binh Nguyễn Đức Ứng cùng 27 quân triều đình và nghĩa quân trong một ngôi mộ chung.
Nhớ ơn những người đã dũng cảm hy sinh vì nước, nhân dân từ đời nọ đến đời kia vẫn chăm sóc, hương khói của ngôi mộ chung của 28 liệt sĩ. Ngày 15 tháng 10 năm 1994, Nhà nước đã xếp hạng Di tích lịch sử ngôi mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh huyện Long Thành.
Kỷ niệm 149 năm ngày mất của lãnh binh Nguyễn Đức Ứng, sáng 1-1-2010, huyện Long Thành đã tổ chức lễ khánh thành khu di tích lịch sử mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp.
Khu di tích Lãnh binh Ứng
Khu mộ lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh.
Ở Đồng Nai có 2 ngôi mộ tập thể như thế đó. Ngoài 2 vị lãnh đạo được ghi tên là lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và ông Đoàn văn Cự, những người còn lại là chiến sĩ vô danh. Họ đã đồng sinh cộng tử, chết cùng nhau, an giấc ngàn thu trong cùng một nấm mồ.
Những người chiến sĩ vô danh ấy không là người chiến thắng quân giặc, nhưng là những người sống mãi trong lòng dân. Một ngày nào đến đất Đồng Nai, mong bạn hãy đến trước mồ thắp cho họ nén hương tưởng niệm anh linh những người đã vị quốc vong thân.
Gươm anh linh
Đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành
Thời gian luống vô tình
Rùng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Ôi người chiến sĩ vô danh!
Phạm Hoài Nhân
Nhin giong Suoi Linh ma nghe chua xot
Trả lờiXóaRoi co mot ngay...mat dat hoa thanh song
Nho mot ngay qua ngang cau soi bong
Nuoc lang lo.The su ngam may troi
Giong Suoi Linh goi lai nhung boi hoi
Chieu Tam Hiep gio Long Binh man mac
Hon Nghia Si ngay xua gio troi giat
Dat Bien Hoa - Bien Tran mai con ghi !