22 thg 11, 2011

Chùa Cô Hồn ở Biên Hòa


Người dân thường gọi tên ngôi chùa theo cái tên rất dân dã, do dân gian tự đặt. Ở Biên Hòa, bạn nói tên chùa Đại Phước thì ít người biết, nhưng nói chùa Ông Tám là người ta biết ngay, hoặc chùa Đại Giác thường được gọi là chùa Phật Lớn. Tương tự như vậy, có một ngôi chùa người dân thường gọi là chùa Cô hồn, dù tên chính thức của chùa là Bửu Hưng Tự.

Chùa Cô hồn nằm gần cổng sân bay Biên Hòa, trên đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh.

So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa Cô Hồn có quy mô nhỏ, kiến trúc được xây theo lối chữ nhị. Phía trước là gian chính điện được bày trí hệ thống tượng thờ Phật khá phong phú. Chùa được xây bằng vật liệu kiên cố, bốn bên là tường gạch, mái ngói lợp vẩy cá. Giá khung kiến trúc của chùa bằng gỗ, phía trên bàn thờ chánh được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

Nhìn chung kiến trúc và quy mô của chùa không có gì đặc sắc. Đây cũng không phải là ngôi chùa cổ, vì mới được xây dựng từ 1920. Điều đặc biệt chính là xuất xứ của chùa và tên gọi chùa Cô Hồn.


Năm 1861, Pháp đánh chiếm và xây dựng chính quyền thuộc địa tại Biên Hòa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã đứng dậy chống lại kẻ thù với nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải kể đến tổ chức Hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại, được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Mục đích của Lâm Trung Trại là tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng để chống Pháp. Trại có căn cứ đóng tại xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu, do nhiều nhân vật tinh thông võ nghệ như: Tư Hy, Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lực, Ba Vạn, Bảy Đen... tổ chức, ngày đêm luyện tập võ nghệ để mưu cầu đại sự cho quê hương.

Tháng 2/1916, Lâm Trung trại tổ chức tấn công vào các công sở của Pháp ở Biên Hòa nhưng do vũ khí thô sơ, lực lượng lại mỏng nên đã thất bại. Thực dân lùng sục và tìm mọi cách bắt giam các nghĩa sĩ chỉ huy.

Tháng 6/1916, thực dân Pháp xử bắn 9 nghĩa sĩ Lâm Trung trại tại Dốc Sỏi (gần thành cổ Biên Hòa), và chôn xác 9 người chung một nấm mồ trước sự chứng kiến đau thương của người dân địa phương. Cảm động tấm lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, người dân địa phương đã xây dựng ngôi miếu nhỏ trên triền đồi nhằm tưởng nhớ và thờ cúng những linh hồn các sĩ tử.

Đến năm 1920, nhân dân địa phương góp tiền của, công sức xây dựng ngôi miếu thành ngôi chùa có tên gọi Bửu Hưng tự.

Chùa Bửu Hưng được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử từ năm 1979.

1 nhận xét: