23 thg 8, 2016

Nghe nè bà con ơi!

Tiếng Việt mình có một chữ mà tiếng Anh (và nhiều tiếng khác) hổng có chữ tương đương. Đó là chữ Ơi.

Thí dụ vầy:


Em ơi!
Ơi!


Tui dám cá là chỉ cần nghe âm điệu của 2 chữ ơi trong 2 câu trên là có thể đoán được tình cảm của 2 nhân vật này đối với nhau, có khi còn hàm xúc hơn cả câu Anh yêu em, em yêu anh nữa.


21 thg 8, 2016

Tản mạn về một ngôi chùa

Mỗi ngôi chùa có một tên gọi chính thức, gọi là tên hiệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người ta quen gọi chùa bằng tên dân dã do mình tự đặt, thường là dựa theo một đặc điểm dễ thấy, dễ nhớ nào đó của chùa. Chính vì vậy, các tư liệu giới thiệu về chùa thường ghi 2 tên, một là tên chính thức và hai là tên thường gọi.

Tất nhiên tên hiệu chùa là chính danh, do các bậc trưởng thượng của Phật giáo ban đặt. Tên thường gọi thì hoặc là đúng tên hiệu, hoặc là dân gian đặt ra thì chỉ để thuận tiện cho việc gọi thôi chứ không hề được thừa nhận chính thức.

Cá biệt có một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sài Gòn, cái tên do người dân tự đặt cho chùa lại được dùng làm tên hiệu của chùa luôn.

19 thg 8, 2016

Đặt tên chùa theo kiểu dân gian

Chùa bao giờ cũng có một cái tên. Tên nghiêm trang, thành kính. Vậy đó mà nhiều khi dân gian không chịu gọi (thậm chí không nhớ, không biết) tên chính thức của chùa, chỉ thích gọi tên do mình... tự đặt, nhiều cái tên nghe mà giựt mình.

Nhiều nhất có lẽ là... tên loài vật: 

Chùa có nhiều con gì thì đặt tên con đó cho chùa. Như chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Cò ở Trà Vinh, chùa Khỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hic, như chùa Khỉ chẳng hạn, tui vô chùa lạy Phật đàng hoàng mà... hổng biết chùa tên gì. Hỏi cả đoàn người đang khấn vái sì sụp thì ai cũng nói tên chùa này là... chùa Khỉ, vì khỉ nó giỡn chơi đầy ở chùa. Mãi 2 năm sau, tình cờ đọc tài liệu mới biết tên chùa là chùa Chơn Nguyên.

Chùa Chơn Nguyên ở chân núi Kỳ Vân, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặt tiền chùa đơn sơ thế này, không có tên, làm sao biết là chùa Chơn Nguyên?
(Ghi chú: đây là ảnh chụp cũ, hiện nay ngôi chùa đã được xây mới rất hoành tráng, riêng ngôi chùa cũ trong hình vẫn được giữ lại để lưu niệm)

12 thg 8, 2016

Du lịch quá giang

Năm 1986, tui ra Hà Nội lần đầu tiên, bằng xe U-oát, đi chung với vị lãnh đạo công ty (đi họp ấy mà).

Hồi đó mới có cầu Thăng Long do Liên Xô làm, báo chí vẫn gọi là "công trình thế kỷ". Tui mong được tận mắt nhìn thấy cầu Thăng Long, xin với bác phó giám đốc cho xe chạy qua cầu để ngắm. Bác ấy gạt đi, phán một câu xanh dờn: Cầu là cái bắc qua sông ấy mà, có gì mà xem!

Nay tui về Quy Nhơn cùng một số bà con để dự đám cưới. Quy Nhơn có cầu Nhơn Hội (giờ đổi tên thành cầu Thị Nại) là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (7 km). Mấy đứa nhỏ trong đoàn muốn được qua cầu đề chiêm ngưỡng. Gã tài xế phán một câu cũng xanh lè như ông phó giám đốc năm nào: Cầu là cái bắc qua sông ấy mà, có gì mà coi! May là tui còn biểu được hắn chạy qua. Nhưng chạy qua rồi, gã vẫn phán: Thấy chưa, cũng là cái bắc qua sông thôi! (ừm, có điều là ở đây bắc qua biển).

Cầu Thị Nại. Ảnh chụp năm 2015, không phải trong câu chuyện kể ở trên

5 thg 8, 2016

Nhớ... Bà Chúa Xứ!

Theo Tổng cục Du lịch, 3 lễ hội có lượng người tham dự đông nhất nước là:
  • Lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc)
  • Lễ hội Chùa Bà Bình Dương
  • Lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh
Đông tới cỡ nào? Có thể lấy một con số minh họa: Dịp lễ hội rằm tháng Giêng hàng năm, số lượng người đến chùa Bà Bình Dương là 1,5 triệu người! Còn ở miếu Bà Chúa Xứ là 2 triệu người nhân dịp vía bà (23 đến 27/4 âm lịch)! Ở chùa núi Bà Đen thì không thấy số liệu thống kê về lượng người dự, nhưng chắc cũng phải hàng triệu!

Lễ vía Bà Chúa Xứ

3 thg 8, 2016

Chợ

Như nhiều gã đàn ông khác, tui ngại đi chợ (nói là không biết đi chợ thì đúng hơn!). Bởi vậy, đi chơi lông bông thì hầu như tui không thèm ghé chợ, trừ những loại chợ đặc biệt như chợ nổi (chợ tình thì quan tâm lắm, nhưng... chưa có dịp đi!). Thậm chí, đi du lịch đoàn thì khi các bà, các cô lăng xăng vô chợ mua sắm tui ngồi ngoài uống cà phê và lầm bầm rằng mất thời gian quá!

Ấy, nhưng mà càng đi nhiều thì tui càng hiểu rằng chợ là một thành phần quan trọng của một tour du lịch. Nơi đó người ta thấy được nếp sống vùng miền, hiểu thêm về văn hóa địa phương. Người ta thống kê rằng Việt Nam có hơn 15.000 ngôi chùa, khoảng 6.000 ngôi nhà thờ và hơn 8.000 cái chợ. Vậy mà chùa, nhà thờ... tui ghé tứ tung, còn chợ thì... hổng có cái nào.

Soạn lại hình cũ thì thấy có hình chụp chợ Cái Sao ở Long Xuyên, ngôi chợ nằm bên con rạch Cái Sao nên đăng lại đây chơi. Mà nói trước, đây không phải là chủ đích đi chợ, chỉ là đi thăm một người bà con nhà ở trong chợ nên ra ngoài vòng vòng chụp hình chơi thôi. Chợ Cái Sao không phải là ngôi chợ nổi tiếng, nhưng có điểm đặc thù của một ngôi chợ miền Tây, nằm bên sông rạch.


2 thg 8, 2016

Tản mạn chuyện đất trời

Trời lạnh. Bão.

Bất chợt có những suy nghĩ về đất trời…

Bạn có khi nào có cảm giác đất trời mỗi nơi mỗi khác, mỗi nơi có một "phong cách" riêng không lẫn với nơi khác không?

Riêng tôi, tôi cảm nhận điều đó thật nhiều…