21 thg 8, 2016

Tản mạn về một ngôi chùa

Mỗi ngôi chùa có một tên gọi chính thức, gọi là tên hiệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người ta quen gọi chùa bằng tên dân dã do mình tự đặt, thường là dựa theo một đặc điểm dễ thấy, dễ nhớ nào đó của chùa. Chính vì vậy, các tư liệu giới thiệu về chùa thường ghi 2 tên, một là tên chính thức và hai là tên thường gọi.

Tất nhiên tên hiệu chùa là chính danh, do các bậc trưởng thượng của Phật giáo ban đặt. Tên thường gọi thì hoặc là đúng tên hiệu, hoặc là dân gian đặt ra thì chỉ để thuận tiện cho việc gọi thôi chứ không hề được thừa nhận chính thức.

Cá biệt có một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sài Gòn, cái tên do người dân tự đặt cho chùa lại được dùng làm tên hiệu của chùa luôn.


Năm 1953, đại đức Narada Mahathera, tọa chủ chùa Vajirarama ở Tích Lan sang Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên Xá lợi và 3 cây Bồ đề con, để dâng cúng cho 3 nơi. Sau khi thảo luận với đạo hữu Chánh Trí (ông Mai Thọ Truyền), đại đức Narada đã quyết định dâng ngọc xá lợi lên đức Đoan Huy-Hoàng thái hậu (thường gọi là đức Từ Cung, thân mẫu cựu hoàng Bảo Đại –lúc đó đang làm quốc trưởng chính quyền vùng Pháp tái chiếm), để bà Thái hậu tùy ý giao lại cho đoàn thể Phật giáo nào mà bà xét thấy đáng phụng thờ di tích của đức Thế tôn. Hai năm sau, đức Từ Cung quyết định giao cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam trách nhiệm phụng thờ ngọc xá lợi. Tổng hội xét công lao của hội Phật học Nam Việt, đã ủy nhiệm cho hội nhiệm vụ thờ phụng, lúc ấy trụ sở của hội còn đặt tại chùa Phước Hòa ở khu Bàn Cờ, cũ kỹ và chật hẹp.

Đến năm 1955, hội Phật học Nam Việt quyết định xây dựng chùa mới tại một vị trí khác, để có nơi xứng đáng phụng thờ di bảo đức Thế tôn và đủ chỗ cho thiện nam tín nữ đến lễ Phật chiêm bái xá lợi. Ngôi chùa này được khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 trên thửa đất diện tích hơn 2500 m2, hoàn thành ngày 2/5/1958.

Chùa Xá Lợi hiện nay

Vì mục đích chính của chùa là nơi để thờ xá lợi, nên trong thời gian xây dựng người dân quen gọi đó là chùa Xá Lợi. Đến lúc khánh thành, hội Phật học đến thỉnh ý Hòa thượng Khánh Anh, Pháp chủ giáo hội Tăng già Nam Việt và cũng là Chứng minh Đạo sư của hội Phật học Nam Việt để xin đặt tên hiệu cho chùa, Hòa thượng dạy: “Còn đặt tên gì nữa! công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người”, đó là duyên cớ có tên là chùa Xá Lợi. (theo website của chùa Xá Lợi, www.chuaxaloi.vn).

Chùa Xá Lợi là một ngôi chùa nổi tiếng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, là một danh lam thắng cảnh của TPHCM. Chẳng những thế, chùa còn liên quan đến... Biên Hòa nữa! Đó là: tượng Phật chính ở chùa do trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) tạo tác! Website của chùa Xá Lợi ghi:


Chùa thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca lớn, trong tư thế ngồi kiết già trên tòa sen. Ban đầu khi xây chùa, pho tượng được giáo sư Trương Đình Ý thực hiện bằng xi măng và thạch cao, tiếc rằng pho tượng đúc xong quá lớn không đưa lên chính điện trên lầu được, nên nhượng lại cho chùa khác (nay là tượng Phật cô đơn ở huyện Bình Chánh). Sau đó, hội Phật học nhờ trường Mỹ nghệ Biên Hòa đắp tạo pho tượng khác bằng bột đá màu hồng theo như kích thước của tòa sen trên Phật đài. Tượng đúc xong được an vị vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu -1958. Đến năm 1969, pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Tượng Phật chùa Xá Lợi là một tác phẩm mỹ thuật, đường nét hài hòa cân đối, mang tính cách một vị Phật Việt Nam, không chịu ảnh hưởng các nền văn hóa khác, là khuôn mẫu tiêu biểu cho nhiều tượng Phật được thực hiện sau này.

Tượng Phật trên chánh điện chùa Xá Lợi năm 1965. Ảnh: Thomas trên Panoramio

Tượng Phật trên chánh điện chùa Xá Lợi hiện nay. Ảnh: Website chùa Xá Lợi

Phạm Hoài Nhân
Theo thông tin từ bài viết của TT Thích Đồng Bổn trên website Chùa Xá Lợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét