Cổng chính thiền viện trong ngày khánh thành. Ảnh: Báo Giác ngộ online.
Khu vực nơi thiền viện tọa lạc thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp ranh với Long An, thuộc vùng đất Đồng Tháp Mười, ngày xưa là bối cảnh quay bộ phim Cánh đồng hoang. Đây là vùng đất thấp, ngập nước.
Từ TPHCM, để đến thiền viện có thể đi theo quốc lộ 1A, đến Tân An (Long An) thì rẽ phải theo QL 62 đi khoảng 20 km rồi rẽ trái theo tỉnh lộ 867, đến đường Tràm Mù, thấy bảng chỉ đường đến Thiền viện. Đường Tràm Mù được gọi theo tên này vì hai bên đường có nhiều tràm và thường có sương mù buổi sớm.
Đường Tràm Mù đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác
Còn nếu đi từ Mỹ Tho thi theo hướng QL 1A, cách Ngã Ba Trung Lương khoảng 10 km rẽ phải theo TL 867 khoảng hơn 20 km rồi theo đường Tràm Mù để đến Thiền viện.
Có nhiều điều để nói về ngôi Thiền viện này:
Mặc dù được khánh thành từ tháng 11/2015, nhưng tại thời điểm đó Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng chỉ mới hoàn thành các hạng mục chính, bao gồm: chánh điện, nhà Tổ, gác trống, lầu chuông, cổng tam quan và khu thiền thất chư Tăng. Khi tôi đến viếng vào tháng 4/2017, vẫn còn nhiều công trình đang thực hiện.
Có nhiều điều để nói về ngôi Thiền viện này:
- Như ta đã biết, Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ 13. Sau nhiều năm tháng, thiền phái này bị quên lãng. Từ năm 1968, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã gầy dựng lại Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Ngài đã cho xây dựng nhiều thiền viện Trúc Lâm trên khắp cả nước (và cả ở nước ngoài), trong đó được biết đến nhiều nhất là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tức Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, 1993), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh, 2002), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc, 2005)... Thế nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa hề có ngôi thiền viện Trúc Lâm nào ở miền Tây Nam bộ (trong khi sinh quán của ngài Thích Thanh Từ là ở Vĩnh Long). Vì vậy, để thỏa ước mong của Phật tử nơi đây về một nơi tu tập, ngôi thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được hình thành.
- Khởi đầu, ngôi thiền viện chỉ dự kiến xây dựng trên một diện tích vừa phải, nhưng do Phật tử phát tâm hiến đất xây chùa rất nhiều, nên diện tích khuôn viên thiền viện lên đến 30 ha. Đây trở nên ngôi thiền viện có quy mô lớn nhất Việt Nam.
- Kinh phí xây dựng thiền viện đều do lòng thiện tâm đóng góp của Phật tử. Đáng chú ý là thay vì từ các doanh nghiệp rất lớn bỏ ra số tiền khổng lồ để xây chùa (như khá nhiều ngôi chùa khác) thì ngôi thiền viện được góp phần dựng xây bởi rất - rất nhiều những Phật tử là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Rất nhiều cổ thụ trong sân chùa được người dân tự nguyện hiến từ cây quý ở nhà mình, với mong muốn tạo phúc cho đời sau.
- Khu đất nơi thiền viện tọa lạc là vùng đất trũng, nước ngập, toàn bộ diện tích xây dựng các công trình có cao độ thấp hơn mặt đường giao thông từ 2,5 - 3 mét. Vì vậy công việc đầu tiên là phải đắp đê bao xung quanh với chiều cao 3,7 m để bơm cát vào để đạt đến cao trình xây dựng +3 m. Bốn đoạn đê bao ấy có tổng chiều dài 2.200 m với lượng đất đào đắp là 109.890 m³. Sau đó, khối lượng cát lấp để tạo mặt bằng xây dựng cũng nhiều không kém, với hơn 100.000 m³.
Ngay trước cổng thiền viện vẫn còn một vùng trũng còn được chừa lại để làm cảnh quan tự nhiên
Từ bên ngoài nhìn vào
Từ bên trong cổng tam quan nhìn ra
Ngôi chánh điện
Lầu chuông
Gác trống
Tượng Phật Thích Ca ở chánh điện, bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát (cỡi voi), bên trái là Văn Thù Bồ Tát (cỡi sư tử).
Tượng Phổ Hiền Bồ Tát
Tượng thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm tam tổ ở bên phải chánh điện
Bên ngoài ngôi chánh điện
Điện Phật hoàng đã xây xong
... nhưng bên trong vẫn còn đang dang dở.
Một gốc cổ thụ trong khuôn viên chùa
Những hạng mục đang được thực hiện
Kiến trúc của ngôi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác theo phong cách chung của các ngôi Thiền viện Trúc Lâm khác (như TV Trúc Lâm Đà Lạt): cao rộng, thoáng, không bố trí quá nhiều tượng thần tiên. Đặc biệt, theo phong cách của các ngôi thiền viện Trúc Lâm được xây dựng sau này, tất cả các chữ dùng trong chùa đều là tiếng Việt (chữ quốc ngữ) chứ hoàn toàn không dùng chữ Hán nữa, từ bảng tên đến hoành phi, câu đối... Ta có thể thấy rõ điều này qua các ảnh trên.
Xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước - nơi thiền viện tọa lạc - vốn là một xã nghèo, đất nhiễm phèn nên khó canh tác, nơi đây chủ yếu trồng khóm, gần đây trồng thêm thanh long. Đi trên đường 867 ngắm những cánh đồng khóm bên đường cũng rất thú vị.
Cánh đồng khóm
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét