Khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh, được nhà khảo cổ học người Pháp Henry Parmentier. phát hiện đầu tiên vào năm 1910. Năm 1931 J. Y. Claeys khai quật một di tích kiến trúc được xây bằng gạch ở phía tây nam cụm di tích này (Gò Tháp Lấp), đến nay, di tích này đã bị hủy hoại, di vật bị thất lạc. Trong hai năm 1987-1988, Sở Văn hóa - Thông tin Long An phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM khai quật 3 di tích trong khu vực này, được gọi tên là: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước (Gò Xoài vì ngày xưa nơi đây là vườn xoài, Gò Đồn vì xưa đây là đồn lính, Năm Tước là tên chủ đất).
Đây là những bảo vật quốc gia, được khai quật từ Di tích Gò Xoài
Khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng đây là trung tâm chính trị - quyền lực- tôn giáo của người xưa. Niên đại chung của khu di tích Bình Tả được phỏng định là 1.588 ±56 năm cách ngày nay. 26 hiện vật là lá vàng có chạm khắc hình ảnh và minh văn được phát hiện tại đây đã được công nhận là bảo vật quốc gia và hiện được trưng bày tại Nhà bảo tàng Long An.
Biết được những thông tin hấp dẫn về khu di tích Bình Tả như vậy tui rất muốn đến thăm. Hông phải vì muốn kiếm coi còn miếng vàng nào sót lại không đâu nghen, mà vì muốn tận mắt chiêm ngưỡng một di tích cổ xưa. Nhưng lại ngần ngại, vì hiểu rằng không giống Di tích Kiến trúc hay Di tích Văn hóa, Di tích khảo cổ là nơi mà người ta đã khai quật và các cổ vật dĩ nhiên đã mang đi trưng bày hoặc lưu trữ rồi, nơi đó chỉ còn lại... dấu vết khai quật thôi. Hai là, di tích quan trọng như vậy người ta có cho mình vô coi hông? Tính tò mò thắng thế, tui quyết tâm tìm tới coi sao.
Tượng Dvarapala (hộ pháp) - di tích Gò Đồn
Có chút trở ngại nho nhỏ khi tìm đến khu Di tích Bình Tả. Đó là trên Google Maps không hề có định vị địa điểm này, điều đó chứng tỏ khu Di tích Bình Tả chẳng hề được dân du lịch quan tâm và không là địa điểm tham quan nổi tiếng. Các trang mạng nói về khu di tích Bình Tả thì hoặc là không chỉ đường, hoặc chỉ... trật lất! Dù sao thì sau một hồi lần mò tui cũng tìm tới được. (Cũng xin thông báo là sau khi tới đây, tui đã định vị và bổ sung địa điểm trên Google Maps, vì vậy giờ đây bạn nào muốn tới đây thì có thể search trên Google Maps Di tích Khảo cổ Gò Đồn).
Đi trên đường tỉnh 824 thấy bên đường có bảng chỉ dẫn này thì bạn quẹo vô
Như thấy trên bảng, cụm di tích này bao gồm 3 điểm ở rời rạc là Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước. Từ ngoài đi vô thì tới Gò Xoài trước, bên tay phải. Đi thêm chút nữa là Gò Đồn, bên tay trái. Sâu thêm nữa là Gò Năm Tước. Dù Gò Xoài là nơi quan trọng nhất (tìm được những lá vàng, sau này là bảo vật quốc gia), nhưng coi được nhất là Gò Đồn, vì vậy tui kể chuyện thăm Gò Đồn trước.
Ngoại trừ bảng chỉ dẫn ở đầu đường như hình chụp trên, không còn bảng hướng dẫn hay bảng tên nào nữa, nên bạn phải hỏi thăm người dân thôi (nhưng dễ lắm, dân ở đó ai cũng biết).
Từ đường nhỏ, quẹo trái đi khoảng vài trăm met trên đường đất rộng khoảng 2 - 3 met, ta vô tới một khu đất được bao tường thấp chung quanh. Đó là Di tích Khảo cổ cấp Quốc gia Gò Đồn. Không có bảng tên, biển báo, không có người quản lý hay hướng dẫn, không có khách tham quan (hổng kể tui!).
Và đúng như tui hình dung, nơi đây chỉ còn lại hố khai quật. Thành hố đã được gia cố lại để thuận tiện bảo quản. Chung quanh là xoài, những cây xoài lâu năm khiến cho ta dễ lộn rằng đây là... Di tích Gò Xoài.
Kể ra thì nếu có gì đó liên quan đến di tích khảo cổ thì tui cũng... hổng hiểu, vì không có ai để hỏi hết. Nhưng mà ngồi chơi ở chỗ này cũng... hay hay.
Ăn xoài rụng hông?
Đi lòng vòng chơi chán, tui ra ngoài, tấp vô ngôi nhà lụp xụp gần đó. Đó chính là nhà của chủ đất. Tui cà kê với ông chủ.
Bạn có thể bấm vô clip này để coi cuộc trò chuyện. Còn nếu làm biếng thì tui kể lại sơ sơ như sau: Dù là Di tích cấp quốc gia nhưng đây vẫn là đất tư nhân, thuộc sở hữu của ông già trong clip. Từ khi khai quật (1987) đến giờ đã 30 năm, lúc ổng còn là thanh niên, Nhà nước chưa hề đền bù gì cho ông, trừ... một buổi mời ra Long An ăn bữa cơm thân mật. Cũng từ đó đến nay, khu đất này gia đình ông không được làm gì trên đó cả, những cây xoài có từ hơn 30 năm nay được giữ lại, nhưng không được phép canh tác gì thêm.
Thiệt là rầu cho tình trạng dở dở ương ương này. Nhà nước không có tiền đền bù, nên đất vẫn là của dân, Nhà nước không triển khai gì trên di tích được. Dân là chủ đất, nhưng vì đất được xác định là di tích quốc gia nên không được canh tác hay xây dựng gì hết. Tình trạng dở dở ương ương này kéo dài mới có... 30 năm và không biết còn kéo dài tới bao giờ!
Tui trở ra di tích Gò Xoài. Tình hình ở đây cũng tương tự như vậy, có phần còn tệ hơn nữa.
Trừ di tích cổng đá ở ngoài như trên hình (với tấm bảng di tích xộc xà xộc xệch) thì khuôn viên nơi khai quật không cho vô luôn!
Tui định tới gò Năm Tước, nhưng ông chủ đất này nói: Nó cũng giống như vầy mà nhỏ hơn nhiều, cũng bỏ hoang sơ vậy đó. Tui thấy vậy cũng đủ rồi nên đi về.
Vậy là đi tới khu di tích khảo cổ cấp quốc gia nhưng không tham quan cổ vật được gì. Dù vậy, cũng mở mang trí óc, biết thêm nhiều chuyện. Biết chuyện gì hả? Bộ muốn tui nói rõ ra sao?
Phạm Hoài Nhân
Vì thông tin tui viết quá ít kiến thức chuyên môn về khảo cổ, nên tui trích 2 tài liệu sau đây để ai muốn hiểu thêm về Khu Di tích Khảo cổ Bình Tả thì tham khảo.
Khu di tích khảo cổ học Bình Tả
Nằm trong một tổng thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học đã được khảo sát, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 16 di tích kiến trúc phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh. Từ phát hiện đầu tiên của nhà khảo cổ học người Pháp - H. Parmentier vào năm 1910;Năm 1931 J.Y. Claeys khai quật một di tích kiến trúc được xây bằng gạch ở phía tây nam cụm di tích này (Gò Tháp Lấp), đến nay di tích này đã bị hủy hoại , di vật bị thất lạc. Trong 2 năm 1987-1988, Sở Văn Hóa Thông tin phối hợp với Viện Khoa Học Xã Hội tại thành phố Hồ Chí Minh khai quật 3 di tích trong khu vực này.
1.Di tích Gò Đồn: là loại kiến trúc đền tháp xây bằng gạch , chiều dài đông- tây 78,5 mét; chiều ngang chỗ rộng nhất đo được 60 mét (chiều bắc- nam), toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất , chỗ gần mặt đất nhất là 0,4 mét. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dvarapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni, mi cửa chạm trổ hoa văn hình hoa lá, máng dẫn nước thiêng (somasutra)…và nhiều đồ gốm cổ . Trong hố thờ trung tâm của di tích sâu khoảng 3 mét còn có một linh vật yoni đã vỡ và nhiều viên đá cuội – được đoán định là đá thờ.
Với kiểu dáng kiến trúc và những linh vật được phát hiện trong lòng di tích, có thể xác định Gò Đồn là một di tích kiến trúc Ấn Độ Giáo , thuộc văn hóa Óc Eo.
2.Di tích Gò Xoài: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch , có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20 mét , nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất chắc chắn và phức tạp , gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (badan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng…Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông ,cạnh 2,2 mét; sâu trên 2,5 mét, ở gần đáy hố thờ đã phát hiện được tro xương và một sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản văn minh Sanskrit-Pail gồm 5 dòng : dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú (cả hai đoạn minh văn trên đều thuộc về Phật Giáo), dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam ấn ( Deccan ), thếkỷ VIII-IX Công nguyên. Qua phát hiện trên, kiến trúc Gò Xoài được nhận định là một di tích stupa của Phật Giáo, có niên đại sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.
3. Di tích Gò Năm Tước: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, dài 17,20 mét; rộng 11,10 mét, phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng ở phần nền móng còn giữ được những đặc điểm của kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo như cấu trúc bẻ góc, các đường móng gạch rất thẳng, tam quan hình bán nguyệt hướng về phía đông … là cơ sở để nhận định đây là một kiến trúc đền thờ Ấn Độ Giáo.
Nhìn chung, khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng đây là trung tâm chính trị - quyền lực- tôn giáo của người xưa. Niên đại chung của khu di tích Bình Tả được phỏng định dựa trên tuổi tuyệt đối của hai chiếc trục bánh xe cổ làm bằng gỗ , phát hiện trong một bàu nước cổ bên cạnh di tích Gò Sáu Huấn (khu Bình Tả) : 1.588 ±56 năm cách ngày nay.
Với quy mô lớn trên toàn khu vực, cụm di tích khảo cổ học Bình Tả có một vị thế trung tâm trên vùng đất phù sa cổ thuộc vùng Đức Hòa- Đức Huệ (Long An) mà trung tâm này có thể có mối quan hệ rất gần với các di tích : Thanh Điền (Tây Ninh), Angkor Borei, Phnom Da, Ba Phnom, Sambor Prei Kuk ở mạn đông nam lãnh thổ Vương quốc Kampuchia. Khu di tích khảo cổ học Bình Tả đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 5/9/1989.
(Website tỉnh Long An)
Bảo vật quốc gia: Bộ sưu tập hiện vật vàng
* Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Long An
* Số đăng ký: Từ số BTLA 2505/KL40 đến BTLA 3565//KL82
* Chất liệu: Vàng
* Kích thước: dài từ 2,9cm đến 5,0cm; rộng từ 2,1cm đến 3,3cm.
* Số lượng: 26 hiện vật
* Miêu tả: Bộ sưu tập hiện vật là những mảnh vàng lá dạng dạng hình gần hình chữ nhật, tứ giác, ngũ giác, lục giác. Trên mặt mỗi mảnh có chạm một hình voi đang đứng; 01 lá vàng hình rùa, dát mỏng, cắt chạm thành hình con rùa với đầy đủ đầu, mình, 4 chân và đuôi trong tư thế như đang di chuyển; 01 lá vàng chạm hình người hình tứ giác, có 3 góc bo tròn, một góc nhọn nhô ra ngoài. Trên mặt có khắc hình một phụ nữ dáng đứng lệch hông, hai bàn chân hơi chếch ra hai phía, khuôn mặt tròn ngoảnh về bên phải, tóc se thành từng búi lớn sau gáy; 01 lá vàng hình hoa sen lớn, hình tròn, chạm hoa sen 12 cánh, mỗi cánh hoa có đuôi hình núm tròn, nhụy hoa được tạo bởi một dãy chấm nổi tròn nhỏ tạo thành hình tròn; 01 lá vàng hình hoa sen nhỏ hình tròn, chạm hoa sen 12 cánh, mỗi cánh hoa có đuôi nhọn; 01 lá vàng hình hoa sen tám cánh kèm theo mảnh cuốn; 4 mảnh lá vàng trơn, dát mỏng không trang trí; 02 lá vàng trơn, dát mỏng, có nhiều nếp nhăn do gấp lại; 01 nhẫn, vòng nhẫn tròn, đặc, thuôn nhỏ dần về phần đối diện mặt nhẫn. Mặt nhẫn có gờ nổi cao hình e-lip bao quanh hạt nhẫn bằng đá quý màu đỏ; 01 nhẫn có đính hạt đá quý màu xanh hình e-lip; 01 nhận có chỗ đính 3 hạt đá quý nhưng hiện còn 2 hạt: màu xanh và màu đỏ tía; 01 nhẫn hạt trắng trong hình chóp nhọn; 01 trang sức hình lá đề, rìa ngoài cùng trang trí vành lửa gồm những ngọn lửa cách điệu; 01 lá vàng hình rắn, đầu nhọn, thân có sống nổi, mắt là hai vòng trong chấm nhỏ; 01 lá vàng khắc minh văn chữ Phạn, lá vàng có hình chữ Nhật, trên mặt khắc nổi chữ gồm có 5 dòng: dòng thứ nhất là Pháp thân kệ của Phật giáo; dòng thứ 2 là một đoạn kinh pháp cú, 3 dòng còn lại là những câu thần trú dhàranì.
* Hiện trạng: Một số mảnh bị sứt, vỡ quanh rìa và bị oxy hóa.
* Niên đại: Thế kỷ IX sau Công nguyên (Văn hóa Óc Eo).
* Nguồn gốc, xuất xứ: Thu được từ khai quật di chỉ Gò Xoài, ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, năm 1987.
* Lý do lựa chọn: Đây là bộ sưu tập hiện vật được phát hiện tại chỗ (in situ) trong lòng phế tích tháp Gò Xoài, được khai quật năm 1987. Có thể thấy trong số các di tích Óc Eo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là bộ sưu tập nguyên vẹn nhất, có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt nhờ những yếu tố sau:
- Văn minh khắc trên một mảnh vàng trong bộ sưu tập này có nội dung rõ ràng về Phật giáo, là di vật duy nhất thuộc loại này trong các di tích Óc Eo, góp phần xác định chức năng của kiến trúc Gò Xoài là một tháp Phật giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỉ 8 SCN.
- Cách thức xếp đặt các di vật trong lòng tháp phản ánh nghi thức xây dựng một kiến trúc tôn giáo – đặc biệt là kiến trúc Phật giáo, bắt nguồn từ truyền thống Ấn Độ, nhưng đã có những chi tiết khác biệt, có thể phản ánh tính chất địa phương.
- Ngoài nội dung văn khắc, các hình vẽ và các di vật thể hiện các triết lý có nguồn gốc Phật giáo Ấn Độ, nhưng đã thể hiện những yếu tố Đông Nam Á, Ví dụ, một số hình vẽ tương tự như một số điêu khắc thể hiện trên các tháp Phật giáo thuộc giai đoạn Dvaravati (Thái Lan).
- Chất lượng nghệ thuật và kĩ thuật tạo tác phản ánh sự phát triển cao của nghề kim hoàn của cư dân Óc Eo.
Trên cơ sử phân tích các giá trị độc đáo nêu trên, nhóm di vật này xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, chúng cần luôn luôn được xem là một bộ di vật hoàn chỉnh, phản ánh thực hành và tư duy tín ngưỡng độc đáo của cư dân Óc Eo.
(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét