27 thg 2, 2019

Cá vồ đém

Khi anh Lâm văn Sơn dẫn tui vô bếp của Vườn trái cây Vàm Xáng để chọn món ăn, tui được hỏi: Ăn cá gì? Cá lóc hay cá vồ đém?

Tui hả họng, hỏi anh Sơn: Cá vồ đém là cá gì? Ảnh nói: Nó là một loại cá tra, hiếm và ngon hơn cá lóc. Chọn ăn vồ đém đi. Và ảnh chỉ cho tui coi một dĩa cá vồ đém đã làm sẵn như trong hình sau.


Tui hỏi: Sao kiu là vồ đém? Anh Sơn trả lời là: Tại hai bên ngực nó có hai cái đém. Mấy bạn nhà bếp nghe vậy liền kêu lên: Dẫn ổng ra ngoài ao bắt con vồ đém còn sống lên coi thì mới biết chớ con này đã chặt khúc ra rồi sao thấy cái đém!

25 thg 2, 2019

Anh Bình Định

Đọc lại một tùy bút rất hay và dễ thương của nhà văn Võ Phiến (1925 - 2015), viết về anh Bình Định. Đăng lại để những anh quê ở Bình Định thấy thích. Riêng tui thì chỉ có gốc gác từ thời ông nội là anh Bình Định thôi, có điều ông nội tui đúng là sinh ở Phù Mỹ, Bình Định - nơi sinh của Võ Phiến!
-----

Ðề tựa một cuốn sách của ông Nguyễn Ðình Tư, ông Nguyễn Hiến Lê cho biết đã từng muốn kiếm một khu vườn ở lại vũng Lắm hay Xuân Đài.

Vị học giả từ đất Bắc vào toan mua vườn làm nhà ở Phú Yên vì ông "thương" cảnh đẹp Phú Yên, muốn thưởng ngoạn cho thỏa thích. (Thương là chữ của ông Nguyễn, nhại một tiếng trong ca dao địa phương). Làm dân Bình Định, tôi có hơn ông Nguyễn thêm một lý do nữa để lưu luyến Phú Yên: ở đây, người ta "thương" trai Bình Định. "Người ta" là con gái, thế mới càng thú vị. Thú vị và hiếm có. Bởi vì trong văn chương bình dân của từng địa phương không dễ tìm ra một câu thắm thiết tình tứ của miền này hướng về miền kia như câu hát của gái Phú Yên:

Anh về Bình định chi lâu
Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng.
Hai hàng nước mắt rưng rưng,
Chàng xa cách thiếp dậm chưn kêu trời.


Tìm đâu cho được những câu như thế? Câu hát về trai Quảng gái Huế chăng?