15 thg 10, 2018

Hột mít lùi tro, ăn no... có sao không?

1.
Hồi nhỏ, một đám con nít đang chơi với nhau bỗng nhiên có tiếng động nhỏ và một mùi thum thủm phát ra. Có đứa la lên: Đứa nào địt thúi vậy bây? Hổng đứa nào chịu nhận hết. Vậy là tụi nó tìm ra thủ phạm bằng cách như sau:

Cả đám ngồi vòng tròn, một đứa vừa hát bài đồng dao sau đây vừa chỉ vào từng đứa ngồi trong vòng (kể cả chính nó)


Xù xì xục xịch
Hột mít lùi tro (*)
Ăn no té địt
Thằng cha nào địt
Hãy nói cho nghe
Thằng cha này... ĐỊT!

(*) Câu này hồi nhỏ tui hát là Ốc mít vùi tro, nhưng câu Hột mít lùi tro có vẻ thông dụng hơn


Tiếng ĐỊT cuối cùng phát ra khi đang chỉ vào đứa nào thì đứa đó chính là thủ phạm! Sau này, tụi nhỏ chế thêm câu:


Con mẹ này... HỬI!

Giống như trên, tiếng cuối phát ra khi đang chỉ đứa nào thì đứa đó... hửi! Dĩ nhiên, trò này... chả có cơ sở khoa học nào hết và chẳng thể xác định được thủ phạm, nhưng mà hát xong thì rất vui, cười ầm ầm luôn á!

Cơ sở chính của bài đồng dao trên là "hột mít lùi tro ăn no té địt". Tui là dân Long Khánh, xứ nhiều mít nên ăn hột mít là chuyện thường, chỉ có điều là nấu lên ăn chớ hổng có lùi tro. Theo kinh nghiệm bản thân thì chưa lần nào bị ăn no té địt. Tuy nhiên, chuyện hột mít lùi tro ăn no té địt là do ông bà ta truyền lại xưa nay, chắc là có cơ sở. Vậy bạn nào có trải nghiệm bản thân xin kể lại, hoặc ai lý giải về mặt khoa học xin có ý kiến dùm.

2.
Hồi thập niên 1970, để động viên tinh thần nhân dân trong hoàn cảnh vừa nghèo vừa đói thấy bà cố, có một câu nói rất nổi tiếng, tương truyền là của cố thủ tướng Phạm văn Đồng, như sau: "Một ký rau muống có chứa chất bổ dưỡng ngang với một ký thịt bò". Không biết ngài thủ tướng có phát biểu về hột mít không, nhưng ở thời điểm không đủ cơm ăn, đói sặc gạch sau năm 1975 có một luận điểm khoa học tương tự: Hạt mít chứa chất bổ dưỡng nhiều hơn thịt bò. (Tui dùng chữ hạt mít thay vì hột mít cho nó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử). Vậy là nhân dân không lo đói nhé! Đã có rau muống, hột mít thay cho thịt bò rồi nhé! (Có một dị bản của đề tài khoa học này như sau: Một hột mít có chất bổ tương đương một hột vịt lộn!)

Thiệt ra hôt mít đâu có đủ nhiều để mà ăn thay cơm, thay thịt như vậy, nên nói chung đây chỉ là động viên tinh thần thôi. Rồi thì may thay, đời sống cũng đỡ hơn, những câu nói, những luận điểm khoa học lừng lẫy một thời đi vào quên lãng. Người ta ăn mít và quăng hột mít chớ chẳng ai thèm ăn...

Như một vòng tuần hoàn, bây giờ hột mít lại được ca ngợi như một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Đại khái là ngừa táo bón, giúp xương chắc khỏe, chống ung thư, tốt cho mắt, ngăn gãy rụng tóc, săn chắc cơ bắp, kháng khuẩn, giúp cơ thể nạp thêm sắt, phòng ngừa tăng huyết áp, chống lão hóa.... (ái chà, kể hết công dụng của hột mít mà phát mệt). Ngoài ra hột mít còn có công dụng làm đẹp không ngờ, và cải thiện chuyện phòng the rất hiệu quả.

Lại nữa, trên mạng cho thấy ở bên Nhật người ta bán hột mít với giá tương đương 200.000 đồng VN một ký. Ái chà! Vậy là tương đương một ký thịt bò tại Việt Nam rồi. Hơn 40 năm trước những nhà cách mạng nước ta quả là tiên tri!



3.
Tui có một ước mơ!

Với những thông tin có được như trên, trong lòng tui dâng tràn một niềm mơ ước. Ước gì? 

Tui ước mình sẽ thực hiện được một buổi tiệc thịnh soạn, cỡ quốc yến, trong đó sẽ chiêu đãi một món ăn bổ dưỡng, sang trọng, giúp người ăn trẻ đẹp, sung mãn. Đó là món Hột mít lùi tro. Khách dự chiêu đãi sẽ là những nghệ sĩ tự nhận mình là thượng lưu quý tộc. Sau khi dự tiệc xong, những nghệ sĩ quý phái này sẽ cùng lên trình diễn tại một nhà hát opera xứng tầm với họ.

Buổi trình diễn này không chỉ có âm nhạc bình thường, mà còn có hiệu ứng âm thanh đặc biệt nhờ tác dụng của hột mít, hòa quyện với đó là cả mùi hương sâu lắng là thứ mà chẳng nơi nào có được.

Ôi, thật là một buổi hòa nhạc kết hợp cả âm thanh và mùi vị, rất xứng đáng cho giới thượng lưu quý tộc!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét