21 thg 6, 2021

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền


Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

Dân Cần Thơ chắc ai cũng biết câu ca dao đó, nhưng mà nhứt trí với nhau về ý nghĩa câu ca dao thì chắc là không. Điểm gây tranh cãi chính là ý nghĩa của 2 câu sau, nó có vẻ mâu thuẫn với những quan điểm truyền thống của người dân Nam bộ:

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

Có vẻ như cô gái Cần Thơ... tham tiền và chê lúa gạo, không giống với hình ảnh cô thôn nữ mộc mạc miền Tây.

Nhà nghiên cứu Nguyễn văn Hầu, trong biên khảo Văn học Miền Nam Lục Tỉnh dẫn ra câu khác hơn, và nghe hợp tình hơn:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em không thương bạc, thương tiền
Mà thương khuôn mặt chữ điền của em

Tác giả Trần văn Nam, trong một bài viết trên báo Cần Thơ ngày 20/2/2005 thì cho rằng câu ca dao đúng phải là:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,
Anh thương em thì đừng cho bạc, cho tiền,
Cho nhơn, cho nghĩa, kẻo xóm giềng cười chê.

Chợ nổi Phong Điền

Thế nhưng theo ý kiến đa số mọi người (trong đó có tui) thì câu gốc và hợp tình hợp lý nhứt chính là câu trên.

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

Bởi vì chỉ trong bài này thi cái ý của câu đầu Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền mới có mối liên lạc với 2 câu sau. Các địa danh nêu ở câu này được xem là những nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhứt Cần Thơ nói riêng và bậc nhứt miền Tây Nam bộ nói chung. Tác giả bài ca dao đã khoe cái sự dồi dào lúa gạo của vùng đất quê hương mình bằng cách nói rằng: Quê em nhiều lúa gạo lắm, thành ra anh có thương em thì cho cái gì khác chớ đừng có cho lúa gạo, láng giềng sẽ nói anh... ngu, chở củi về rừng. Tốt nhứt là cho tiền cho nó gọn!

Cái chuyện đòi cho tiền ở đây không phải vì cô gái ham tiền, mà chẳng qua chỉ là nói rằng nên cho cái gì đó khác với lúa gạo. Nếu anh thương em mà không biết quê em nhiều lúa gạo thì... cù lần quá cha nội ơi!


Không nói rằng 2 bài ca dao còn lại là sai, vì ca dao là văn học dân gian mà, có nhiều bản truyền miệng khác nhau, bản nào cũng... đúng! Nhưng phiên bản được phổ biến nhứt là phiên bản được người dân chọn lựa cho mình.

Nhiều chuyện đã đời rồi, bây giờ mới hỏi, vậy chớ Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền là gì? Ờ, nhưng mà bài dài rồi, để viết tiếp trong bài khác nhe!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét