2 thg 1, 2022

Tôi đang mơ giấc mộng dài

Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh


Đó là những câu đầu trong bài hát Tôi đang mơ giấc mộng dài của Phạm Duy, rất được yêu thích từ những năm cuối thập niên 1960 với giọng hát Thái Thanh (còn hình ảnh ở trên mang tính chất minh họa... cho có, vì tui cũng đang muốn mơ giấc mộng dài. Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh).

Có lẽ Thái Thanh là người thể hiện bài hát này hay nhất, nhưng ở đây tui dẫn link giọng hát của Thái Hiền trong chương trình nhạc chủ đề Cho tôi lại ngày nào tại hội trường Việt Báo, Westminster, California ngày 6/5/2018 - vì tui xúc động với hình ảnh và giọng ca cô thiếu nữ trẻ trung ngày nào với những nhạc phẩm Tuổi hồng, Tuổi mộng mơ... giờ đã là người phụ nữ với mái đầu bạc trắng.




Như ghi trên tờ nhạc, bài hát này Phạm Duy phổ từ lời thơ của Lê Lan (một số nguồn khác ghi tác giả lời thơ là L. L. Lan).

Bài thơ gốc có tựa là Năn nỉ.

Năn nỉ

Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
Tôi đang nhìn thấy màu xanh
Ở trên cây cỏ rất lành rất thơm
Tôi đang nhìn thấy màu hồn
Của tôi thay đổi luôn luôn theo trời
Hoàng hôn màu đỏ mây tươi
Bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng
Những vì sao tím rất trong
Mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn
Tôi đang nhìn thấy trong tim
Tình yêu bay những con chim tuyệt vời

Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ quá cho tôi mơ màng.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã có những cảm nhận khá độc đáo và dị thường về Lệ Lan và bài thơ Năn nỉ, bài đăng trên tạp chí Bách Khoa số 307, phát hành ngày 15/10/1969. Xin lược trích.

L.L. Lan

Nhờ có nhạc sỹ Phạm Duy và tu sỹ Thanh Tuệ tôi mới đọc được một số thơ của Lan sau khi đã phải khó nhọc tìm kiếm gần cả năm trời (thư cho Phạm Duy 5 cái và Thanh Tuệ gần 20 cái ngoại trừ mấy cái quảng cáo mời gọi vô hiệu quả đăng trên 3 tạp chí phát hành rộng rãi nhất hiện nay là Thời Nay, Văn và Bách Khoa). Tôi phải đọc ngay vài câu thơ đầu tiên của tác giả mà tôi đã xem được cách đây gần mười năm cho hả giận:

tôi đang mơ giấc mộng dài
đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
tôi đang nhìn thấy mầu xanh
ở trên cây cỏ rất lành rất thơm

Bình dị quá, tự nhiên quá, trong sáng quá (dù dĩ nhiên không phải đó là tất cả những tính chất làm tiêu chuẩn tuyệt đối cho thơ) và, sau cùng, con gái quá! Tôi vốn yêu vô cùng cái nữ tính tự nhiên và nồng đậm trong thơ đàn bà (dù tôi cũng yêu vô cùng những đứa con gái có đàn ông tính trong người chút đỉnh). Tôi nghĩ đó là yếu tố quyết định sinh mệnh của thơ họ. Nghĩa là dù họ có đả động đến cái gì, thơ đàn bà là phải làm toát ra cái hơi thở đàn bà từ ngôn ngữ, hình ảnh và âm điệu. Huống hồ là từ bản chất trời sinh, làm sao họ có thể làm cái gì lớn hơn ngoài cái việc bồng đứa con trong lòng. Tôi không thiển cận và lạc hậu đâu. Bởi làm sao đào đâu ra một nữ thi hào đúng nghĩa trong văn học sử cổ kim trên mặt địa cầu này (có thể có biệt lệ biết đâu đối với những hành tinh có người khác). Đàn bà sinh ra là vậy. Họ có thể trở thành một nhà đại bác học nhưng không thể trở thành một thi sỹ lớn đúng nghĩa một cách tuyệt đối. Bởi vì dù có thể được bẩm sinh một cảm tính thật tế nhị và vi diệu, họ làm gì trải qua những nỗi đau đớn tuyệt đỉnh, hân hoan tuyệt đỉnh, cô đơn tuyệt đỉnh và nhất là có một tâm hồn thật rộng lớn một cách trường kỳ đi kèm theo cái cảm xúc sôi sục như điên thấy rõ ràng những tên đàn ông đặc biệt. Xem thơ đàn bà đối với tôi là thưởng thức cái hơi hám, cái tính chất gì khác biệt, cái âm tính mà giống đực như tôi chỉ có thể cảm chứ không bao giờ thấy chảy luân lưu trong máu được. Vậy thôi. Nhưng ở L.L.Lan, sau cái nữ tính tràn ngập trong những bài thơ có vần (ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát) như trong đoạn thơ phân tích những màu sắc biến thiên phong phú vừa đáng kiêu hãnh vừa đáng âu lo của mình:

tôi đang nhìn thấy màu hồn
của tôi thay đổi luôn luôn theo trời
hoàng hôn mầu đỏ mây tươi
bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng
những vì sao tím rất trong
mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn

Sau cái thao thức muôn đời của tình yêu (mà tất cả đàn bà dù siêu quần bạt chúng đến đâu cũng muốn dừng lại khi cập bến hôn nhân), có lúc Lan đã đi sâu vào cõi hoang tịch muôn đời của kiếp sống. Có lẽ bà đã đi quá sâu trong thế giới vỗ về của tình yêu bằng tâm hồn hơn là bằng thân xác nên đã nhìn thấy một cánh cửa mở vào cái cõi âm u ghê rợn này;

ta đi về chốn nào đâu
miên man trong cõi u sầu mênh mông
tái tê làm bước chân ngừng
ta đi lạc ở trong lòng đau thương
...

L.L. Lan hay Lệ Lan là ai vậy? 

Nàng chính là người tình của Phạm Duy suốt 10 năm trời, là nguồn cảm hứng để ông sáng tác rất nhiều bản tình ca tặng nàng và tặng cho đời, từ Thương tình ca (1956) đến Chỉ chừng đó thôi (1975), trong đó ca khúc khi quyết định mãi mãi chia tay vẫn sống mãi trong lòng mọi người cho đến bây giờ: Nghìn trùng xa cách.

L.L. Lan. Ảnh trên trang Gio-o.com

Câu chuyện tình này được kể lại đây đó khá nhiều, nhưng tốt nhất có lẽ ta nên nghe qua lời kể của chính Phạm Duy trong Hồi ký của ông.

Trong Chương 25 của cuốn Hồi Ký THỜI VÀO ĐỜI, tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinéma.

Khi tôi giã từ Phan Thiết và Hélène để theo gánh hát vào Nam, nàng tiễn tôi trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, tôi nhận nhiều bức thư (và cả những bài thơ) của Hélène. Tôi cũng luôn luôn gửi thư cho nàng. Tất cả những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư mầu xanh mầu tím... chao ôi, sao mà giống như những gì bao quanh một mối tình huyền diệu. Thực tế, đó chỉ là một mối tình suông! Cho nên khi xẩy ra Cách Mạng và kháng chiến ở miền Nam khiến tôi phải chạy khỏi Saigon, leo lên xe lửa trở về miền Bắc, tàu hoả ngừng tại ga Suốt Kiết mà tôi cũng không ghé thăm Hélène. Rồi kể từ đó, tôi quên nàng goá phụ trẻ tuổi. 

Trở lại Saigon vào năm 1951, tôi chẳng có lúc nào nhớ tới người đẹp Phan Thiết cả. Năm tháng trôi qua với những sinh động và xuẩn động trong nghề nghiệp cũng như trong đời tư, sau tai nạn ái tình kể trên, một hôm tôi đang lang thang trước chợ Bến Thành, đột nhiên Hélène hiện ra trước mắt. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi đứng nói chuyện rất lâu, biết rằng đôi bên đã có gia đình, tôi đã có bốn đứa con, nàng có thêm ba đứa con nữa. Alice và Roger đã lớn...

- Nếu "ông'' rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa!

Tôi vội vàng đi theo Hélène về nhà. Hai cháu Alice và Roger chạy ra nắm tay chú. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương... Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu.

Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Hélène. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả ! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy ! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Hélène mà ra).

Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô bé có vẻ không yêu người cha ghẻ. Hình như tất cả những cô bé sớm mồ côi cha đều không ưa người chồng mới của mẹ mình. Đã không ưa dượng thì chắc chắn cũng ít khi tâm sự với mẹ. Tôi là người có may mắn được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Càng nhìn mặt, càng nghe chuyện cô bé, tôi càng thấy Alice giống Hélène. Cũng vẫn giọng nói đó, cũng vẫn những chuyện tôi đã nghe nơi người mẹ, nói về cuộc đời, nói về mình, nói về người và nhất là nói về nền thi ca Việt Nam.

Thế là cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau, vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới.

Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi(1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi, trong đó có bài tôi phóng tác thành ca khúc :

Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh...
Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng

(Trích Hồi ký Phạm Duy - Tập 3 - Chương 8)

Trong hoàn cảnh đất nước ngả nghiêng như vậy, nhất là sau vụ Tết Mậu Thân, tôi không còn bụng dạ nào để nghĩ tới chuyện tâm tình. Tôi không còn thảnh thơi để cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng. Người bạn gái cũng cảm thấy phải xa tôi để bước lên xe hoa. Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài Nghìn Trùng Xa Cách, coi như lời tiễn biệt người yêu:

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi! 
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười?

 ...Vâng, nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi, tôi chỉ còn lời trăn trối gửi đến cho người:

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời 
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người...

Tôi sẽ có dịp để biết nàng có hạnh phúc hay không, mấy chục năm sau.

(Trích Hồi ký Phạm Duy - Tập 3 - Chương 17)

Phạm Duy đã ra người thiên cổ, còn L.L. Lan giờ ra sao? Sau đây là trích đăng bài phỏng vấn L.L. Lan do Lê thị Huệ, chủ biên trang web Gió O thực hiện năm 2020:

Tâm tình ngăn ngắn với nhà thơ L.L.Lan
Lê Thị Huệ thực hiện

L.L. Lan. Ảnh trên trang Gio-o.com

Chị nói, cô hãy xem như đây là một cuộc trò chuyện, một tâm tình, đừng dùng từ “phỏng vấn” nghe nặng nề quá. Chị nói sao thì tôi nghe vậy. Tôi muốn nói, muốn viết vài điều để giới thiệu về chị. Tôi muốn đặt nhiều câu hỏi hơn nữa với chị. Nhưng tôi đang gặp phải một tảng đá lắp kín huyệt mộ. Tôi tôn trọng ngôi huyệt mộ ấy. Vì tôi cảm nhận quá ư sâu xa về nỗi khổ đau câm nín của chị, của những người đàn bà tài hoa xinh đẹp rực rỡ bị những “system” kẹp cổ giam nhốt trong cũi lồng cả cuộc đời. Tôi nhỏ rất nhiều giọt lệ ở cuối cuộc phỏng vấn này, trên freeway south 280 lái xe về, sau buổi trưa ngồi với chị trong một quán bánh mì San Francisco khuất ở một khu phố đông … Những oan nghiệt câm nín của chị làm tôi bật khóc trong nhiều ngày … (lth)

Lê Thị Huệ: Chào nhà thơ L.L.Lan, thưa đây là bút hiệu của chị, vậy chị có thể cho độc giả của Gió O biết tên thật của chị là …

L.L.Lan: Tôi không có bút hiệu vì chưa từng tham gia văn thi đoàn nào. Tên thật, nhưng xin viết tắt như vậy.

Lê Thị Huệ: Chị có thể cho độc giả Gió O biết bài thơ đầu tiên mà chị viết năm chị bao nhiêu tuổi ?

L.L.Lan: Vào khoảng 12-13 tuổi.

Lê Thị Huệ: Bài thơ đầu tiên ấy chị viết trong tâm trạng nào ?

L.L.Lan: Tâm trạng của một cô bé nhút nhát, ít nói, it cười, không có nhiều bạn bè nhưng đã có một thế giới mơ mộng riêng của mình.

Lê Thị Huệ: Chị nghĩ cả cuộc đời, chị đã sáng tác tổng cộng khoảng bao nhiêu câu thơ hay bao nhiêu bài thơ ?

L.L.Lan: Khoảng 6,7 trăm bài thơ hay 2,3 ngàn câu.

Lê Thị Huệ: Chị đắc ý nhất là những bài nào ?

L.L.Lan: Vài bài rất ngây thơ trong sáng viết khi chưa biết gì. Vài bài làm sau khi đã cực kỳ đau khổ.

Lê Thị Huệ: Bài thơ "Năn Nỉ" do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc có phải là bài thơ đầu tay của chị ? Tựa đề là "Năn Nỉ" hay tựa khác ? Và chị viết ra bài thơ năm chị bao nhiêu tuổi ?

L.L.Lan: (không có câu trả lời) (chú của lth)

...

Lê Thị Huệ: Chị nghĩ thơ cứu rỗi hay bôi xóa chị ?

L.L.Lan: Tất nhiên là thơ đã cứu tôi, nâng tôi lên khỏi cái thế giới hàng ngày tôi phải chịu đựng.

Lê Thị Huệ: Ba mẹ chị gốc ngoại quốc Anh-Pháp-Hoa. Chị học chương trình Pháp, lớn lên ở Việt Nam. Chị cũng là một người rất tinh thông Anh và Pháp Ngữ. Nhưng chị lại tìm chỗ trú ngụ của mình trong thơ Tiếng Việt. Chị có thể cho độc giả Gió O cảm nhận của chị về việc sáng tác thơ bằng tiếng Việt Nam . Những đặc điểm gì trong tiếng Việt mà chị cảm nhận ra trong khi làm thơ bằng tiếng Việt.

L.L.Lan: Tôi chỉ có một phần Tây, một phần Tầu, còn lại là hai phần Việt Nam. Tôi yêu tiếng Việt từ khi chưa biết đọc, chỉ biết nghe qua 2 bà nội, ngoại rất mê cải lương, vọng cỗ, chuyện Kiều. Thơ tự nhiên chẩy ra từ máu Việt của tôi.

Lê Thị Huệ: Thơ của chị rất tự nhiên. Chị làm thơ như thơ từ đâu trong người tuôn ra. Không cần vay mượn đến thi cảnh, ví dụ như Phạm Thiên Thư phải vay mượn một điển tích “gã từ quan”, để ra thơ. Còn thơ chị thì thi hứng tuôn tràn lai láng, rất tự nhiên. Chị làm thơ có vẻ dễ dàng ?

L.L.Lan: Có lẽ đúng là tôi làm thơ có vẻ dễ dàng vì tôi không phải viết dưới áp lực nào cả. Chỉ viết những gì đã có sẵn hay tích trử trong tâm hồn mình.

Lê Thị Huệ: Chị là người đàn bà hiện đại, a career woman. Chị đi ra ngoài làm việc suốt cả đời chị. Chị giỏi về computer. Sử dụng computer rất rành rẽ. Điều này, theo chị, có ảnh hưởng đến việc viết thơ không? Khi mà mấy chục năm về trước chị đã chép thơ xuống giấy cảm xúc có lẽ khác. Bài thơ nào chị viết bằng computer chị ưng ý?

L.L.Lan: Viết lên giấy hay lên computer không khác gì mấy, nhưng đúng là computer giúp dòng chẩy cảm xúc dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi may mắn được làm việc trong môi trường thuận lợi có điều kiện để viết trên computer. Hầu hết thơ làm sau 75 đều làm qua computer. Tập Thơ Cho Mẹ là một. Cũng nhờ công nghệ này mà tôi chuyển được một số từ bản giấy qua.

Lê Thị Huệ: Chị có thích thơ của nhà thơ nào không? Việt Nam, ngoại quốc?

L.L.Lan: Tôi rất thích thơ Huy Cận và Hàn Mặc Tử. Ngoại quốc, tôi chỉ còn nhớ Lamartine, Lord Byron cổ điển.

Lê Thị Huệ: Một câu hỏi hơi riêng tư, theo tôi, chị là một người nữ có nhan sắc đẹp khá gợi cảm. Nhưng tâm hồn nhạy cảm và thông minh của một Nàng Thơ, người sáng tác ra thơ, tự mình viết thành thơ, như chị thật hiếm hoi. Chị có cảm thấy sức mạnh từ thể xác lẫn tinh thần của mình là thứ tai họa cho chính mình hay là một bất hạnh may mắn . Chị có thể rút ra một kết luận như thế nào về chính số phận Thơ của chị

L.L.Lan: Tôi luôn cảm thấy cái tai họa chờ đợi mình nên vẫn cố tránh “chốn đoạn trường”của những người“ngàn thu bạc mệnh”suốt bao năm qua. Số phận thơ của tôi thì cũng như của những người viết khác, có mất, có còn, sao phải bận tâm.

(Xem bài phỏng vấn đầy đủ tại đây)

Phạm Hoài Nhân (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét